Đà Nẵng cuối tuần

TRUYỆN NGẮN

Đôi bạn

08:54, 30/05/2015 (GMT+7)

Ngay cái lần đầu tiên gặp gỡ đầy bỡ ngỡ, Tí Nị đã biết Réo ắt “không phải dạng vừa đâu”. Cứ ngắm bộ lông vằn vện đen xám “hầm hố” của hắn là biết. Đã thế hắn còn to đến phải gấp đôi Tí Nị. Mới nhìn thấy nhau, hắn đã lừ mắt một cái khiến Tí Nị cong đuôi chẳng dám đến gần.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thằng cha mèo mướp này từ chỗ quái nào chui ra thế nhỉ?

Tí Nị thắc mắc lắm, gân cổ lên hỏi cô chủ mãi mà cô không chịu trả lời cho.

“Méo méo, meo meo, méo meo…”.

Chán chê, Tí Nị đành đi loanh quanh nhưng vừa đủ xa xa kẻ lạ mặt để thăm dò tình hình.

Ôi… thằng cha kia thật đúng là đáng ghét khó ưa. Hắn cứ ngồi lù lù một đống mãi như thế, nhìn ghê chết đi được!

Ấy thế mà chỉ vừa loáng cái, hai đứa đã bắt đầu chơi với nhau sau màn chào hỏi có vẻ khó khăn này.
Chuyện vốn là vầy. Cả gia đình cô chủ của Réo năm nay quyết định du lịch nước ngoài, tính sơ sơ thì gần cả tháng không có mặt ở thành phố. Hai cô chủ là bạn học cùng lớp đại học với nhau, chơi cũng gọi là thân. Thế là Réo được gửi gắm ở đây qua hè này để tiện bề chăm sóc lại vừa hay có bạn có bè. Réo là mèo đực, đêm hay đi hoang nên cô chủ đã “triệt sản” cho nó luôn rồi.

Tí Nị vừa được đem về nuôi mấy tháng nay thôi, chắc là sau một hồi đấu tranh tư tưởng quyết liệt của mẹ. Từ bấy đến giờ, mẹ dường như chẳng ưa chó với chả mèo. Trước, nhà cũng được người quen cho một em cún rất xinh – lai chó Phú Quốc – đặt tên là Bê Tô như trong truyện của bác Nguyễn Nhật Ánh. Miễn cưỡng nuôi được đâu chừng bốn năm tháng, một hôm mẹ tự dưng đổi ý không cho cô chủ nuôi nữa. Cô chủ mặt buồn xo:

“Thế từ đầu mẹ còn nhận nuôi làm gì?”.

Mẹ bảo:

“Nó lớn tướng rồi, ỉa đái lung tung mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, chỉ mình tôi hầu chứ bố con cô có chịu dọn không? Riết nhà mình thành ổ bệnh mất, không nuôi nữa! Đem cho ai thì cho!”.

Ngày ông bác ở quê ra đón Bê Tô về nuôi, chiều cô chủ đi học về không còn được nhìn nó lon ton chạy ra sân đón nữa, cảm giác trống vắng hụt hẫng kinh khủng. Mẹ để ý biết hay sao mà vài tuần sau ôm Tí Nị về nhà. Vừa thấy, cô chủ đã “đề phòng” ngay:

“Nuôi rồi có cho nữa không mẹ, nếu cho thì đừng nuôi…”.

Mẹ cười trừ:

“Ừ, không cho, để nuôi luôn mà. Mèo nó cứ bé bé xinh xinh mãi thế này, dễ nuôi!”.

Nói vậy chứ trong lòng cô chủ vẫn thấp thỏm lo lắng lắm. Bất chợt một ngày nào đó mẹ lại đổi ý, bắt tống khứ Tí Nị đi cho bằng được, cô chủ biết phải làm sao? Ai đã nuôi con vật nào mà chẳng có tình cảm thương yêu gắn bó với nó, nói bỏ là bỏ được dễ dàng vậy ư?

Tí Nị là mèo nhị thể, lông chỉ có những mảng trắng với vằn vàng. Cái tên Tí Nị là do chị chủ của mèo mẹ đặt cho, có lẽ xuất phát từ ngoại hình bé xíu bé xiu lúc còn nằm gọn trong ổ. Lứa của Tí Nị gồm 5 anh chị em mèo xinh xắn dễ thương được mẹ mèo sinh ra đời trong một ngày nắng ấm áp. Phải chăng vì thế mà Tí Nị mới có bộ lông vàng trắng đáng yêu nhường này? Mà quả thật Tí Nị rất thích nằm phơi nắng. Trưa nắng chang chang, Tí Nị cứ thế nằm ườn ra chỗ vạt nắng trải dài trên sân, vẻ mặt tràn trề sung sướng thỏa mãn trong giấc ngủ biếng lười của mình. Ai qua qua lại lại cũng mặc kệ, không nên kìm hãm cái sự sung sướng này lại, hẳn vậy rồi!

Chợt có vật gì đè lên người Tí Nị. Gì thế nhỉ? Tí Nị he hé mắt nhìn. Ôi trời đất ơi! Cha nội Réo đang ngang nhiên nằm gối đầu lên mình Tí Nị, vẻ mặt cũng lim dim thỏa mãn không kém phần. Giỡn hả cha? Người ông thì to gấp đôi tui mà ông nỡ lòng nào coi tui như cái gối đầu của ông vậy? Chẳng biết em nó có nghĩ thế thật hay không mà cô chủ thấy Tí Nị vẫn không nhúc nhích cựa quậy, nằm yên ắng cho Réo tựa đầu vào, lát sau cả hai cu cậu đã khò khò một giấc ngon lành luôn.

“Dễ thương quá!”.

Cô chủ vội lấy điện thoại “chộp” ngay khoảnh khắc ấy. Đăng lên “phây-búc” kỳ này hẳn phải được nhiều “lai” lắm đây.

Hai đứa ngủ đã đời từ trưa đến tối mịt mới bắt đầu mò dậy. Việc đầu tiên là hết quấn lấy chân cô chủ lại qua tới mẹ mà “meo meo” đòi ăn. Mới đầu chỉ có Tí Nị thôi, sau lôi kéo thêm cả Réo vào cuộc. Hễ thấy Tí Nị làm gì là Réo cũng lững thững đi theo bắt chước nhưng có lẽ còn lạ nên Réo chẳng dám “nhõng nhẽo” nhiều với cô chủ và mẹ như Tí Nị rồi.

Cuối cùng thì sau một hồi “đấu tranh”, hai đứa cũng được cho ăn nơi góc bếp trong khi cả nhà đang dùng bữa tối ngoài phòng khách.

Mỗi đứa ăn một thố riêng là vậy mà chỉ loáng cái Réo đã “xử” xong phần ăn của mình. Gì nữa đây cha nội? Tí Nị đang ăn đột ngột dừng lại khi thấy Réo mon men qua ăn chung thố với mình. Trời đất ơi! Chơi giành ăn nữa hả? Cái này là ỷ to con bặm trợn ăn hiếp tui nè! Thiệt là quá đáng mà! Đã vậy tui không thèm ăn nữa, nhường nhà ngươi ăn hết luôn đó! Tí Nị liền lỉnh ra xa ngồi yên nhìn Réo nhai ngon lành phần ăn của mình.

Mèo gì đâu mà lạ ghê nơi! Ê, mà sao tên nhà ngươi lại là Réo vậy? Tên gì mà lạ lùng vậy hả?

“Méo méo meo meo…”.

“Ôi mẹ ơi, ra xem Réo nó giành ăn với Tí Nị nhà mình này!”.

Tí Nị ngẩng đầu lên tròn xoe mắt đã thấy cô chủ đứng sau lưng từ lúc nào. Bà này cũng xuất quỷ nhập thần ghê, đi khẽ như… mèo vậy! Vừa lúc ấy mẹ cũng chạy vào bếp xem.

“Ô, Réo hư thế, ăn tranh cả phần Tí Nị nữa! Thế là không được đâu nhé!”.

Đúng rồi! Mấy người la hắn một trận cho bõ ghét đi!

“Meo méo meo…”.

“Mà lúc nãy con bảo vì sao bạn con lại đặt nó tên Réo ấy nhỉ?”.

“Dạ, vì lúc ở nhà bạn khuya nào nó cũng “réo gọi” đồng bọn hàng xóm ầm ĩ cả lên ấy mẹ ạ. Thế là bạn con đặt cho tên Réo luôn!”.

Ra là thế đấy! Thấy gớm chưa kìa!

Ăn xong Réo lè lưỡi uống nước trong thố bên cạnh rồi ngồi liếm mép trông rất chi là thỏa mãn.

Những ngày hè, với Tí Nị và Réo chẳng có gì quá khác biệt, khi dường như tất cả mọi ngày đều luôn là những ngày của rong chơi vô lo và hồn nhiên ăn ngủ. Cái vòng lặp lại xoay vần của cái sự ăn - ngủ - dậy đòi ăn - ăn và rồi lại nằm ườn ra ngủ… cứ thế tiếp diễn bên cạnh những trò nghịch ngợm chơi đùa như con trẻ của chúng nó.

Cô chủ vẫn thường xuyên tận mắt thấy chúng nó gây sự đánh nhau như thể một con là mèo thì con còn lại ắt hẳn phải là chó mới hợp lẽ vậy. Ban đầu thì Réo là đứa gây sự trước. Cứ thấy Tí Nị là nó xông vào trêu ngươi. Tí Nị cũng chứng tỏ ngược lại mình cũng hoàn toàn “không phải dạng vừa đâu”.

“Hóa ra chuyện người ta bảo mèo có võ là thật, mẹ ạ!” - Cô chủ rủ rỉ với mẹ sau nhiều phen chứng kiến chúng nó tung quyền tung cước phi người “choảng” hệt như phim chưởng vậy. Bài bản ra phết chứ không phải chỉ khoa chân múa tay loạn xà ngầu đâu nhé.

Réo cậy to cậy khỏe hơn đã kịp đè nghiến Tí Nị xuống mà lấy răng cắn cổ - vờ vĩnh thôi chứ không đến nỗi làm đau em nó. Tí Nị tức khí giơ chân đạp đạp cào cào vào mặt Réo chứ nhất quyết không chịu thua. Vờn nhau một hồi chán chê tụi nó cũng chịu buông nhau ra, rồi mỗi đứa tách ra một hướng.

Không thèm chơi với mày nữa, hứ! Cái đồ mèo mập ỷ mạnh hiếp yếu lấy thịt đè người!

Tí Nị càng ngày càng ăn nhiều hơn – tần suất đòi ăn cũng theo đó mà tăng lên. Chẳng biết có phải vì Tí Nị nghĩ ăn nhiều thì sẽ mau lớn và to hơn Réo để không còn bị bắt nạt nữa chăng mà nó bắt đầu giành ăn ngược lại với Réo. Ngạc nhiên thay, Réo lẳng lặng nhường thố ăn của mình cho Tí Nị thật. Tí Nị thấy thế thì “cảm kích” lắm, ăn sạch sẽ phần của Réo chẳng đắn đo gì.

Lúc ở nhà, cô chủ của Réo vẫn thường xuyên ôm Réo đi ngủ. Chính vì vậy mà Réo thích hơi người lắm, rất chi là ấm áp. Qua đây, Réo vẫn nhớ thói quen cũ nên đêm nào cũng nhảy phốc lên giường cô chủ nằm cuộn tròn – có khi bên dưới chân, có lúc phía trên đầu lại lắm lần nằm hẳn lên người cô chủ luôn. Cô chủ thì tùy hứng, thích thì cho Réo nằm, vui vui thì ôm Réo còn khó chịu thì đuổi xuống đất luôn. Kiểu gì thì sáng hôm sau thức dậy đã thấy Réo nằm gần dưới chân rồi.

Tí Nị thì thật ra không thân thiện tình cảm bằng Réo đâu – chắc vì không được ôm nhiều bằng Réo. Trước lúc Réo đến chẳng bao giờ thấy Tí Nị mò lên giường nằm chung với cô chủ cả. Ấy thế mà không biết vì Réo rủ rê lôi kéo hay đã vốn sẵn tính ganh tỵ mà dần dần buổi sáng thức dậy cô chủ thấy cả Tí Nị nằm cạnh Réo nữa!

“Xuống ngay!”.

Hai đứa giật mình nhảy phốc xuống đất rồi rón ra rón rén đi ra khỏi phòng.

Dù vậy, hễ cứ thấy cô chủ với mẹ ngồi đâu là Réo nhanh chân “thiên nhiên” leo lên lòng ngồi ngay. Tí Nị ganh tỵ cũng nhảy lên ngồi chung. Yên lành được một lúc lại đánh nhau chí chóe – giờ thì đứa gây sự trước thường là Tí Nị dẫu người vẫn còn nhỏ hơn Réo.

Đang thân thiết ăn chung, ngủ chung, nghịch ngợm, “múa võ” cùng là thế thì Réo phát bệnh phải cách ly. Không hiểu Réo chơi đùa đất cát dơ bẩn thế nào mà bị nấm lốm đốm khắp cả người, trụi hết cả mấy mảng lông. Trước đây, Tí Nị cũng bị nhưng nhẹ hơn mà có lẽ bây giờ vẫn có nhưng vì một đứa lông màu sáng đứa kia lông màu sậm nên riêng Tí Nị khó phát hiện hơn còn Réo thì nấm chỗ nào cũng nổi lên rõ cả. Cô chủ xót xa quá liền đi mua thuốc đỏ về bôi cho Réo. Bị cái bôi chỗ nào Réo lại liếm ngay chỗ ấy và càng lúc càng nặng hơn. Lệnh cách ly nhanh chóng được mẹ ban hành tức khắc đề phòng Tí Nị bị lây theo.

Réo từ giờ bị nhốt trong phòng giặt trên lầu, ăn uống gì cũng trên đó luôn nên Tí Nị không có cơ hội giành ăn với Réo nữa. Đến bữa lủi thủi ăn một mình, vừa thấy cô chủ đem đồ ăn lên cho Réo là Tí Nị phi theo ngay.

“Đi đâu? Muốn bị lây không hả? Xuống mau!”.

Có bị mắng thì Tí Nị vẫn nhất quyết gặp Réo cho bằng được.

Ê thằng kia, có sao không đấy!

“Méo meo meo…”.

Nhìn xuyên qua cánh cửa kính trong suốt của phòng giặt, Tí Nị phát hoảng với bộ dạng càng lúc càng thảm hại của Réo. Những mảng lông trụi lủi bôi đầy thuốc đỏ lốm đốm xem chừng rất ngứa ngáy, Réo cứ phải dùng chân gãi gãi rồi liếm láp thuốc đỏ suốt.

“Cái con này! Liếm hoài thế thì làm sao mà khỏi được!”.

Đúng rồi! Mày nghe lời cô chủ đi! Mau khỏi còn xuống nhà chơi với tao chứ!

Mặt Réo buồn so, lấy chân cạ cạ gõ gõ lên tấm kính cửa ngay chỗ Tí Nị ngồi.

“Meo meo…”.

Hừm! Cứ tưởng được chơi với nhau cả tháng, ai ngờ mỗi đứa một nơi thế này…

Thấm thoát, những ngày hè trôi nhanh trong cái vòng quay ăn – ngủ vô lo bất tận của loài mèo. Suốt những ngày đó, chẳng bao giờ Tí Nị quên chạy lên thăm Réo mỗi khi có cơ hội – thường chỉ được lúc cô chủ cho Réo ăn mà thôi.

Bệnh gì mà lâu thế! Chán chú mày quá!

“Meoooo…”

“Mai bạn con sang đón Réo về, mẹ ạ…”.

“Thế hả? Hay con thả Réo ra cho chúng nó chơi với nhau một ngày đi…”.

“Không được, lỡ Réo lây cho Tí Nị thì sao…”.

“Không sao đâu, cứ cho chúng nó chơi với nhau bữa cuối đi…”.

Réo được thả ra. Hai đứa hớn hở lao vào quấn quýt nhau lắm. Chúng nó cứ thế như những đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên chẳng bao giờ phải lớn lên và lo lắng sâu xa về bất cứ điều gì. Cô chủ ôm cả hai đứa vào lòng vừa vuốt ve vừa thủ thỉ:

“Làm mèo sướng thế nhỉ!”.

Tối hôm sau cô chủ của Réo qua đón nó về. Lúc Réo được cô chủ ôm lên xe bỏ vào cái túi chuyên dùng để vận chuyển mèo, Tí Nị vội vã lao theo. Cô chủ thấy thế liền ngăn lại, bế lên tay. Hai đứa nhìn nhau, mắt long lanh, mặt buồn buồn như chực chờ khóc đến nơi.

“Tạm biệt Réo đi Tí Nị!”.

Tí Nị quơ chân làm điệu bộ tạm biệt thật.

Chào chú mày nhé! Năm sau lại đến chơi với tao nhé! Hẹn gặp lại chú mày!

“Meoooo…”.

Réo về rồi, Tí Nị nằm lủi thủi ngoài hiên nhà, mắt lim dim, phút chốc đã chìm vào giấc ngủ bình yên như bao lâu nay vẫn vậy.

4-2015

LƯU QUANG MINH

.