Đà Nẵng cuối tuần

"Phây"!

06:54, 05/07/2015 (GMT+7)

“Phây”, là tên gọi tắt của Facebook ấy mà!

Nếu tra hỏi “ông Google”, thì ai cũng biết rằng, “cha mẹ của Phây” là anh sinh viên Mark Zuckerberg đã viết Facebook từ tháng 10-2003 khi đang học năm thứ hai tại Trường Đại học Harvard (Mỹ); rồi tiền thân của Facebook là Facemash được thành lập vào ngày 4-2-2004. Chỉ 10 tháng sau khi ra đời, 5,5 triệu người đã dùng Facebook… và sau đó là bất cứ ai trên 13 tuổi.

Theo số liệu được Global Web Index công bố vào tháng 11-2014, Facebook có 1,35 tỷ người dùng, tăng 120 triệu so với con số 1,23 tỷ người dùng trong năm 2013. Tại Việt Nam có 24 triệu người dùng mạng xã hội này, chiếm khoảng 2% số người dùng toàn cầu, trở thành quốc gia đứng thứ 10 trong số những quốc gia có lượng người dùng Facebook đông đảo nhất, sau Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Indonesia, Nga, Mexico, Philippines và Đức.

Giờ đây, mọi người trên cái hành tinh “xanh xao” này đều có thể kết bạn với nhau, bất kể ở tận đầu mút xa xôi nào của trái đất và có điều kiện để thông tin “very soon” cho nhau nhằm tâm sự, giải sầu… vân vân.

“Phây” đã xóa bỏ sự ngăn cách về địa lý, không gian. Từ phép thần thông của một cái nhấp chuột, tất cả sẽ hiện ra: tấm ảnh đứa cháu ngoại của người bạn già đang chập chững tập bước đi, giọng hát của người thân lâu năm không gặp... Không hiếm người lên “Phây” suốt năm, bảy giờ mỗi ngày… Nói tóm lại, không còn nghi ngờ gì nữa, phải vive “Phây” (1) chứ sao nữa?

Như người ta thường nói, điều gì cũng có “mặt trái của tấm mề đay”. Lý do của việc không cho sử dụng “Phây” tại một vài nước được “kê đơn thuốc” như sau: Một là, khuynh hướng (thậm chí là trào lưu) bôi xấu, hạ thấp danh dự người khác trên mạng trong khi kẻ tung tin nhảm có thể lẩn trốn bằng cách xóa bài viết nguồn. Hai là, “Phây” đã lôi kéo nhiều người “chơi Phây” trong giờ hành chính, vi phạm luật lao động. Ba là, bốn là… vân vân…

Nhưng bất chấp những “thét mét” (theo kiểu như: người sử dụng trông đợi gì ở “Phây”? Có phải đó là trang mạng xã hội hữu ích hay là “mốt” mới? Có phải “Phây” gây nghiện (like) đối với những người thích được tung hô?)…, “Phây” vẫn là một vẻ đẹp cuốn hút ghê gớm, từ cậu học sinh THCS đến ông già 70-80,  trên phạm vi toàn thế giới chứ không riêng tại một xứ sở nào!

Nếu thử nhìn lại lịch sử phát triển của những sản phẩm trong lĩnh vực truyền thông-thông tin, hẳn nhiều người còn nhớ sự lên án của… cả hành tinh này khi máy vô tuyến truyền hình ra đời. Lý do thì có nhiều, nhưng “gút” lại, là: Tivi là công cụ làm tê liệt tư duy của con người vì khả năng suy nghĩ “thay thế” cho đầu óc, nhìn thấy “giúp” cho đôi mắt… Mặc dù sự phản đối này mang tính chất cực đoan nhưng nếu bình tâm quan sát thì quả tình, ý kiến ấy cũng không phải hoàn toàn sai lạc. Nhưng mặc kệ, hàng triệu triệu chiếc tivi vẫn ra lò nhanh chóng với đủ thứ cải tiến về kiểu dáng và tính năng. Và đến nay nó đã có mặt hầu như trên tất cả các xứ sở và đã “ngự trị” ngay trong sinh hoạt hằng ngày của nhân loại. Chẳng phải sao, có không ít người hễ bước vào nhà, ngay tắp lự, động tác đầu tiên là… bật tivi! Không phải để nghe gì xem gì, mà chỉ như một thói quen!

Đối với “Phây”, thì có lẽ còn hơn thế nữa, bởi khả năng vượt trội của nó, trong việc chữa trị cái căn bệnh chung của con người, giờ đây. Căn bệnh của “thế giới phẳng”, khi nhiều giới hạn được mở ra nhưng lạ lùng là, thay vì đem con người đến gần nhau thì lại đẩy tất cả vào những không gian cô lập. Chẳng phải sao, trong những căn nhà đầy đủ tiện nghi trên hành tinh, mỗi người chỉ còn tồn tại trong thế giới ảo để trốn chạy nỗi ảm ảnh muôn đời: cô đơn. Căn bệnh ấy, không phải bệnh nhân nào cũng biết. Căn bệnh ấy, chính là hình ảnh về một thế giới mà những nguyên tắc hạnh phúc bị “đưa vào nguyên tắc luân lý và đặt nó ngang hàng với nguyên tắc luân lý đã gây nên sự phá hủy mọi giá trị luân lý” (2)…

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT


(1): vive: hoan hô.

(2): Immanuel Kant-Phê phán lý tính thực hành (Kritik der praktischen Vernunft - 1788), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, NXB Tri thức, 2007.

.