Chuyên đề

Dịch vụ hoa viên

06:50, 05/07/2015 (GMT+7)

Nếu 20 năm trước tìm khắp Đà Nẵng không được mấy người làm hoa viên cây cảnh thì ngày nay đã có biết bao người làm cái nghề làm đẹp sân vườn, đường phố.

Đài Tưởng niệm thành phố trên đường 2 Tháng 9, công trình đầu tiên có sự tham gia của nghệ nhân nghệ thuật hoa viên từ 20 năm trước. Ảnh: V.T.L
Đài Tưởng niệm thành phố trên đường 2 Tháng 9, công trình đầu tiên có sự tham gia của nghệ nhân nghệ thuật hoa viên từ 20 năm trước. Ảnh: V.T.L

Những ai đến tham quan Bảo tàng Quân khu 5 trên đường Duy Tân, Đà Nẵng, có thể nhận ra một khu nhà vườn với nhiều chủng loại cây xanh của nghệ nhân Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Cây cảnh Văn Khoa.

Thành công từ tác phẩm đầu tay

Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, người viết đã từng đứng ngoài hàng rào lưới B40 mê mẩn ngắm nhìn khu vườn độc đáo của ông Quý ở gần chùa Bà Quảng, nay thuộc phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu. Khu vườn rộng gần 3.000m2 này đặc kín các loại hoa, cây cảnh... có thể nói là nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ. Khi công trình xây dựng  Đài Tưởng niệm thành phố  gần tới giai đoạn hoàn thành, ban quản lý công trình đi tìm người chuyên trồng hoa, cây cảnh để làm đẹp cảnh quan và họ chọn ngay ông, bởi lúc đó không có người thứ hai.

Ông được giao trồng cây, làm thảm cỏ. Cây chủ yếu là những loại thích hợp với công trình đền miếu như tùng, vạn tuế, sứ… Thảm cỏ thì lúc đó hiếm lắm, ông phải lân la đến Hội thánh Truyền giáo Cao Đài trên đường Hải Phòng hỏi mua lại loại cỏ nhung của Nhật. Sau 5 tháng nhân giống, ông có đủ cỏ loại quý này để đáp ứng cho công trình tượng đài. Đối với những bờ có độ nghiêng 300 rất dễ trơn trụt, ông mày mò sáng chế ra cách trồng cỏ trên tấm bạt làm bằng bao tải, khi rễ cỏ mọc xuyên qua bạt kết thành từng mảng, ông cắt từng miếng đem lắp lên bờ nghiêng.

“Lần đầu tiên nhận một công trình quá lớn, tôi mất ăn mất ngủ. Chừ thì có nhiều tài liệu, sách vở, tra Google cũng ra nhiều thông tin, chứ hồi đó thì tự mày mò làm là chính” - ông nhớ lại. Lúc đó phần trang trí hoa viên không có thiết kế, ông phải trao đổi, bàn bạc cụ thể với kiến trúc sư Phạm Sỹ Chức và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - hai nhân vật chủ chốt trong thiết kế ý tưởng xây dựng Đài tưởng niệm. Từ ngày khánh thành (29-3-1995) đến nay, sau 20 năm sừng sững bên đường 2 Tháng 9,  Đài Tưởng niệm thành phố vẫn là một trong những biểu tượng văn hóa - lịch sử của Đà Nẵng.

Thành công của tác phẩm đầu tay đã đưa tiếng tăm ông lừng lẫy trong giới chơi hoa kiểng khắp Quảng Nam-Đà Nẵng bấy giờ. Sau khi thi công sân bóng đá huyện Hiên (nay là Đông Giang) và công trình sân vườn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia III tại Đà Nẵng, tháng 11-2002 ông thành lập Công ty TNHH Cây cảnh Văn Khoa, chuyên nuôi trồng, mua bán, bảo dưỡng cây cảnh - bonsai các loại. Ngoài ra, đơn vị còn mở dịch vụ cho thuê cây cảnh trang trí các nhà hàng, khách sạn, tòa nhà, hội nghị...

Ông bảo, các đơn vị này không phải không có tiền để có thể mua đứt những cây cảnh thuộc hạng “quý tộc”, nhưng mua thì quanh năm suốt tháng chỉ chưng có độc một cây. Thuê thì mỗi tuần hoặc chậm nhất là 4 tuần đã có ngay một cây mới. Cây ngoài trời 3-4 tuần thay một lần, có dáng đẹp như: mai chiếu thủy, tùng, sanh, nguyệt quế… Cây trong phòng ít quang hợp nên mỗi tuần thay một lần: cau Hawaii, ngũ gia bì, trúc bách hợp, trúc mây, dừa nước...

Nối nghiệp nhà

Hai năm nay, bên đường dẫn phía đông lên cầu Tiên Sơn xuất hiện một “rừng” cây ngày một khép tán. Chủ nhân của khu vườn ươm gần 12.000m2 này là chị Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lê Nguyễn Khánh Vi và chồng là Lê Trường Hải. Công ty thành lập năm 2009, công trình thiết kế tiểu cảnh – sân vườn đầu tiên là khách sạn Hoàng Trà, gần Furama Resort, công trình cây xanh đường phố đầu tiên là tuyến đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa.

Hải thi rớt đại học, đi nghĩa vụ quân sự 2 năm; năm 2007 về theo ba làm nghề ươm cây, làm vườn. Ba anh, một trong những cán bộ kỳ cựu của Công ty Công viên cây xanh, là người thầy dạy anh bài học đầu tiên về kỹ thuật hoa viên. Nhờ đó, khi bắt tay vào thi công toàn bộ cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa trên tuyến đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa, anh đã làm việc với tâm thế của một người lành nghề. Cây trồng suốt tuyến đường dài khoảng 7km này chủ yếu là lim xẹt và muồng tím, nhập về từ làng hoa kiểng Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Hồi mới lập công ty, cây cối còn nhập đâu trồng đó, mua về hôm trước là hôm sau đã cho ra công trình. Từ khi có khu vườn ươm, cây nhập về được chăm sóc cho ra tán, đem ra công trình là phát triển ngay, chủ yếu là các loại: giáng hương (hương vườn), muồng hoàng yến, bàng Đài Loan, bằng lăng tím, lộc vừng… Mới đây, tháng 11-2014, công ty anh nhận trồng 117 cây bàng Đài Loan cho phố chuyên doanh trên tuyến đường Lê Duẩn (từ Trần Phú đến Ông Ích Khiêm), nay đã ra tán.

Công trình nào Hải cũng cảm thấy ưng ý, nhưng anh ưng nhất là đường Nguyễn Công Hoan (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), công trình vừa được khánh thành hôm 21-6 vừa rồi. Trên suốt chiều dài gần 1,3km, theo thiết kế sẽ trồng 258 cây bằng lăng, nhưng thực tế chỉ trồng 240 cây. Số lượng cây trồng ít hơn này do phần bị vướng hạ tầng (bê-tông, cống...), phần do một số hộ dân hai bên đường lỡ trồng các loại cây khác đã phát triển tốt như lộc vừng nên không nỡ phá bỏ.

Nói về trồng cây đường phố, anh bảo, một số công trình cây xanh trước đây dân không mặn mà bởi cây trồng có đường kính chỉ 5-7cm, trông ốm tong teo như que củi. Dân chê, bảo trồng như vậy thì hồi nào cây mới lớn. Công nhân trồng hôm trước, hôm sau dân đã nhổ phứt, trồng cây khác vào. Vì thế, cả tuyến đường có hàng loạt cây cùng cỡ, cùng loại, bỗng dưng chen vào một số cây khác loại khác cỡ, trông lỏi chỏi mất mỹ quan. Bằng lăng trồng trên đường Nguyễn Công Hoan có đường kính 9-12cm, trông “vạm vỡ” hơn nhiều nên dân thấy là mê ngay, sẵn sàng nhổ bỏ các cây mình đã trồng tự phát nhưng bị “suy dinh dưỡng”.

Trong 6 năm hoạt động, công ty đã thi công hơn 10 công trình, phần lớn đã bàn giao cho Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng trực tiếp quản lý, chăm sóc. Riêng một số tuyến đường vừa mới nâng cấp, mở rộng như Lê Duẩn, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hiệu, công ty của Hải hiện vẫn tiếp tục duy tu, bảo dưỡng hệ thống cây xanh do mình thi công. Qua thực tế, anh rất bức xúc vì ý thức trách nhiệm cộng đồng của một số người dân còn yếu kém, “nhẫn tâm” tháo cọc chống nâng đỡ cây (cho khỏi bị ngã đổ) đem làm củi. Nhưng cũng có người xem cây xanh trước nhà như là tài sản của riêng mình, chăm sóc rất chu đáo.

Đi trên các tuyến đường Đà Nẵng có thể nhận ra dấu vết sự đổi thay từng ngày của thành phố. Bên cạnh những thảm cỏ lá gừng trên bồn hoa thời còn khó khăn về giống cỏ, có những thảm cỏ đậu phụng phơn phớt nền xanh, mùa này điểm xuyết những cánh hoa vàng li ti, sáng sáng sương khuya đọng lại trên hoa rất đẹp. Nếu 20 năm trước tìm khắp Đà Nẵng không được mấy người làm hoa viên cây cảnh thì ngày nay đã có biết bao người làm cái nghề làm đẹp sân vườn, đường phố này. Trong đó, có những người nối nghiệp nhà như Hải, hay những người truyền nghiệp nhà như ông Quý - con trai ông đã thi công nhiều công trình tiểu cảnh - sân vườn cho một số khách sạn cao cấp ở Đà Nẵng, Hội An…

VĂN THÀNH LÊ

.