Đà Nẵng cuối tuần

Sống tích cực để khỏi mất trí nhớ

12:39, 07/11/2015 (GMT+7)

Các nhà khoa học từng dự báo: Nước Mỹ sẽ có khoảng 132 triệu người mất trí nhớ vào năm 2050, tức gấp 3 lần vào lúc này. Khi đó, nền kinh tế rất dễ bị suy yếu và hệ thống y tế có thể bị tê liệt.

Bà Mary Hellen Abbott, 77 tuổi vẫn trẻ trung với môi son hồng nhạt.
Bà Mary Hellen Abbott, 77 tuổi vẫn trẻ trung với môi son hồng nhạt.

Trong lúc ngành dược ra sức tìm kiếm loại thuốc có thể điều trị hoặc ngăn nguy cơ mất trí nhớ thì nhà thần kinh – tâm lý học thuộc Đại học Miami, David Loewenstein lại đặt câu hỏi vì sao nhiều người lớn tuổi lại không hề bị mất trí nhớ. Đó chính là lý do mà Viện Y tế quốc gia Mỹ quyết định tài trợ nghiên cứu lý do vì sao nhiều người sống thọ song trí nhớ vẫn minh mẫn. Đề tài nghiên cứu khoa học này kéo dài 5 năm và có tổng chi phí lên tới 3,2 triệu USD nhằm tìm ra những bí mật ở những người từ 65 tới 100 tuổi chưa từng bị chẩn đoán mất trí nhớ, suy giảm trí nhớ và tinh thần lạc quan.

“Tôi nghiên cứu về căn bệnh Alzheimer nhưng nếu chúng ta có thể mở khóa sự kỳ bí của bộ não thì chúng ta cũng có thể biết được tại sao nhiều người lớn tuổi vẫn có được trí nhớ rất tốt”, ông Loewenstein nói. Ông nhận định ban đầu có thể những người này có gene di truyền hoặc sống trong môi trường lành mạnh…

Trong số 100 người tham gia vào nghiên cứu của Loewenstein thì có hơn 40 người sống ở ngôi làng hưu trí ở East Ridge. Ngôi làng đặc trưng của vùng ngoại ô Florida, với bóng cọ, sân golf, nhà ở tách biệt. Nói tóm lại là rất thanh bình. Bà Gwen North là giáo viên mẫu giáo về hưu tới đây sinh sống khoảng 7 năm. Bà vẫn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc quản lý một cửa hàng và không ai tin bà đã 85 tuổi. Bà làm việc 6 ngày/tuần. Chồng bà là ông Art, 86 tuổi, lại có thú vui đi quanh làng trò chuyện với mọi người, chia sẻ thông tin, sửa giùm đồ điện bị hư. Ông Art và bà Gwen đồng ý hiến não sau khi qua đời nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học.

Bà Gwen cho rằng sở dĩ bà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn là nhờ làm việc liên tục, đồng thời có gene di truyền tốt. Ông Art thì nghĩ làm việc không ngừng và có… vợ bên cạnh. Giám đốc sáng lập Trung tâm Trường Sinh thuộc Đại học Stanford nhận định những người làm việc trong thời gian dài sẽ có đầu óc minh mẫn hơn những người về hưu sớm. Những ai đi làm dù có lương hay không có lương đều giúp bộ não duy trì hoạt động tốt. Tập luyện thể dục thường xuyên, ăn uống bài bản cũng giúp đầu óc khỏe mạnh.

Bà Mary Hellen Abbott đã 77 tuổi nhưng vẫn kẻ môi son màu hồng nhạt, hút thuốc liên tục, nói chuyện sang sảng và còn mặc cả chiếc… váy tới phòng tập thể dục. Bà Abbott suy sụp thể chất và cảm thấy cô đơn sau khi chồng qua đời nhưng sau đó bà được động viên vào khu dưỡng lão. Bà bắt đầu trò chuyện, tập thể dục nên dần dần thể chất chuyển biến tích cực. Bây giờ, bà có thể chơi golf mỗi sáng thứ hai. Bà gần như kể vanh vách chuyện của những người xung quanh.

Loewenstein cho biết thêm là những nghiên cứu dịch tễ học cho thấy những ai hoạt động xã hội nhiều thì giảm được nguy cơ mất trí nhớ. Kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc suy giảm trí nhớ. Người giàu thì giữ được đầu óc minh mẫn lâu hơn người nghèo. Người Mỹ gốc Phi hay người Tây Ban Nha thì có nguy cơ mất trí nhớ nhiều hơn người Mỹ da trắng…

ANH THƯ (Theo Japan Times)

.