Đà Nẵng cuối tuần

Họa sĩ, thi sĩ Đinh Cường: Đã về phía mặt trời lặn

09:43, 15/01/2016 (GMT+7)

"Người đi về phía mặt trời lặn nhìn vệt mây cuối cùng"

(Gửi Ánh mắt xa xăm ấy - Đinh Cường)

Họa sĩ Đinh Cường được những người cùng thời gọi là thế hệ vàng của văn chương nghệ thuật ở Huế, gồm những nghệ sĩ: Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Trần Vàng Sao, Lê Văn Ngăn, Bửu Chỉ...

Ngoài vẽ tranh, họa sĩ Đinh Cường còn làm thơ từ thập niên 1960, 1970, khiến nhiều người đọc yêu thích. Hội họa của Đinh Cường gây tiếng vang từ những năm đầu thập niên 1960, tác phẩm của ông gợi nhắc cho thế giới về những vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn trong sáng của con người.

Họa sĩ  Đinh Cường (bìa trái) và Trần Vàng Sao (bìa phải)  tại Huế năm 2013.
Họa sĩ Đinh Cường (bìa trái) và Trần Vàng Sao (bìa phải)  tại Huế năm 2013.

Ngay cả thời khắc mặt đất đang rung chuyển, ông cũng đã nhận ra vẻ đẹp của ánh trăng trên vùng đổ nát qua tác phẩm “Trăng qua vùng động đất”. Bức tranh mô tả về sự hiện diện của cái đẹp, như một niềm hy vọng trong đổ nát ở trần gian này, điều mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi “lãng mạn bi thảm”. Ánh trăng, sự đổ vỡ, chết chóc... qua bức tranh như một thách thức của cái đẹp trước sự phá hủy ở mặt đất. Bức tranh này đã được một nhà sưu tập người Đức là bác sĩ Erich Wulff mua trong đợt triển lãm ở Huế vào năm 1966.

Tranh của họa sĩ Đinh Cường rất nhiều thể loại, ông sáng tác tùy theo nội tâm của mình để diễn đạt sự vật trên khung vải vốn tĩnh lặng và hiền hòa.  Phong cảnh trong tranh của Đinh Cường như đoạn ghi lại những cảnh vật mà ông đã từng sống và gắn bó, chất lãng mạn được biểu hiện trên từng vệt màu, nét cọ đã dẫn đưa người xem bước vào khu vườn của hoa lá và núi đồi, ẩn hiện trong lớp mù sương là những dáng cây, những ngôi nhà và xa xa thấp thoáng tháp chuông nhà thờ như đang rung vang đón chào mọi người.

Một số bức tranh của ông ở thể loại trừu tượng như “Thành phố vàng”, “Trăng sao và đá tảng” hoặc “Đi đâu về đâu”... là những đóa hoa rực lên từ vệt sáng tâm thức, nơi đó chưa có sự hiện diện của ý niệm về hình thể, mà thuần túy chỉ là dòng cảm xúc đang thôi thúc nét cọ chuyển động trên khung vải.

Nhiều tác phẩm của ông hướng đến thế giới siêu linh như bức “Niệm” với dòng chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT viết trên bức tranh, người xem lại cảm nhận một sự rối rắm của những mảng trắng, xanh, hồng bên trong khoảng xám đen như muốn diễn đạt tâm thức rối bời của con người cần được tịnh lại qua lời niệm Phật. Trong bức “Dâng” đã dẫn đưa người xem về với thế giới thầm kín nội tâm, một niềm tin gửi trọn vào đấng cứu rỗi, qua từng cử chỉ của một tín đồ.

Hay bức “Phật chỉ trăng” gợi lên cho người xem về một công án thiền, một lời dạy của đức Phật Thích Ca giữa thế giới của đêm tối, chỉ còn lại một ánh trăng, một ngón tay và thấp thoáng xa xa là ngôi nhà của linh hồn đang chờ đón.

Ngoài ra ông còn vẽ chân dung của những văn nghệ sĩ: Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Bửu Chỉ, Bửu Ý, Đặng Tiến, Tuệ Sĩ... rất độc đáo.

Những ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016 tôi thường liên lạc qua email để thăm hỏi sức khỏe, ông đều trả lời email của tôi. Tôi đã cố gửi sớm đến họa sĩ Đinh Cường, một gương mặt trong cuốn “XII khuôn mặt văn nghệ Huế” do tôi viết, cuốn sách đó đã được ông đọc bản thảo, cũng như góp ý đôi chút về trình bày bìa, nhưng không biết họa sĩ có nhận được không? Những lần gặp gỡ họa sĩ Đinh Cường ở Huế, tôi cảm nhận trong tâm hồn ông có một đời sống nội tâm mãnh liệt, nhưng cái cách ông nói và thể hiện thật nhẹ nhàng, thiện cảm của một người từng trải trong sáng tạo và cuộc đời.

Trước ngày ông hóa thân vào áng mây phiêu lãng để tiếp tục cuộc lãng du mới, ông có gửi email nhắn nhủ tôi về chuyện sách báo và gửi những bài thơ ông vừa ghi lại như nhật ký trong tâm tưởng ông. Trong đó có bài “Và đôi mắt Bồ Đề Đạt Ma trong đêm khuya” gửi tặng Nguyễn Đính (Trần Vàng Sao), và tác giả bài viết vào tháng 10-2015.

Bài thơ ghi lại kỷ niệm về một cuộc hội ngộ tại nhà Trần Vàng Sao giữa ba người. Và có lẽ nhân duyên để bài thơ được xuất hiện là do đôi mắt chứa đầy niềm bi tráng trong tranh vẽ Đạt Ma tổ sư của Nguyễn Đính:

tôi rất thích gương mặt, hai chấm đen đôi mắt
nhìn sáng quắc. Và đám mây bên góc
bức chân dung nhỏ này tôi đổi Nguyễn Đính
tiền uống bia chắc sau đó cả tháng mới hết…
thức dậy nửa khuya lục tìm ra
mấy cái chân dung Bồ Đề Đạt Ma
mà nhớ bạn. Người thi sĩ có hơi thơ như nói
những lời nói đụng thấu tới tim can…

Vậy là ông đã “đi về phía mặt trời lặn” để tiếp nối cuộc hành trình khác cùng những người bạn thân: Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Bửu Chỉ...

Họa sĩ Đinh Cường, tên thật Đinh Văn Cường, sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một. Quê quán ở Huế. Năm 1963, ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Năm 1964, tốt nghiệp Sư phạm Hội họa Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.

Năm 1962-1963, Huy chương bạc triển lãm Hội họa Mùa xuân Sài Gòn. 1962, Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế Sài Gòn. Nguyên là giáo sư Hội họa Trường Nữ Trung học Đồng Khánh, Huế, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ông qua đời vào ngày 7-1-2016, hưởng thọ 77 tuổi. Họa sĩ Đinh Cường ra đi là sự mất mát lớn với anh em văn nghệ sĩ, người thưởng ngoạn mất đi những áng mây bình an do ông sáng tạo trong mỗi mùa trở về quê xứ kỷ niệm.

LÊ HUỲNH LÂM

.