Đà Nẵng cuối tuần

Nhà ở giảm thiểu ô nhiễm

17:16, 27/03/2016 (GMT+7)

Giữa tháng 3 vừa qua, hai học sinh Quách Đức Huy và Trần Mỹ Duyên (lớp 10/14, Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) giành được giải Nhì trong cuộc thi “Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2015-2016 dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam” (từ Đà Nẵng trở vào) với mô hình nhà ở giúp dân cư khu vực lân cận bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bớt chịu tác động xấu từ tình trạng ô nhiễm môi trường ở “điểm nóng” này.

Đức Huy và Mỹ Duyên bên gian hàng trình bày mô hình của mình trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia vừa được tổ chức tại Đồng Nai.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đức Huy và Mỹ Duyên bên gian hàng trình bày mô hình của mình trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia vừa được tổ chức tại Đồng Nai. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ý tưởng bắt đầu từ mẩu tin trên báo

Đầu năm học, Huy và Duyên tình cờ đọc được bài báo về việc người dân ở khu vực bãi rác Khánh Sơn chặn xe rác vào bãi vì rác đã quá tải, bốc mùi gây ô nhiễm trầm trọng. “Lúc đó, bọn em nghĩ mình nên làm điều gì đó cho bà con ở khu vực này đỡ khổ, nhưng vẫn chưa biết sẽ làm gì”, Duyên nói.

Đem ý tưởng chia sẻ với cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thu Nga (Tổ trưởng bộ môn Sinh học của trường - PV), Huy và Duyên được cô khuyến khích tham gia cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học” năm học 2015 - 2016, lúc đó cũng vừa được phát động cho học sinh các trường THCS và THPT trong thành phố.

Sau vài lần lặn lội quanh bãi rác để thâm nhập thực địa, Huy và Duyên nhận ra đại đa số dân cư nơi đây đều nghèo, thu nhập thấp, không có điều kiện để thay đổi chỗ ở. Cách tốt nhất là giúp người dân “sống chung với ô nhiễm” bằng việc cải tạo chính căn nhà của họ, giảm thiểu các tác động ô nhiễm của môi trường xung quanh.

Huy nhớ lại: “Lúc ở bãi rác Khánh Sơn, bọn em thấy nhiều người nhặt rác đốt các đoạn dây điện bọc nhựa để lấy lõi đồng. Khói bốc lên cực độc, mà nhựa cháy thì âm ỉ, kéo dài cả ngày”. Sực nhớ đến những lam cửa có thể lật lên xuống ở nhà, các em nghĩ ra việc lắp hệ thống lam cửa cánh buồm có thể xoay được nhiều hướng.

Gió thổi mùi hôi và khói đến từ hướng nào, thì lam cửa được xoay theo hướng ngược lại. Nếu gặp phải tình huống ô nhiễm nặng, buộc phải đóng toàn bộ cửa, không khí sẽ được đưa vào nhà thông qua quạt thông gió có gắn hệ thống lọc than hoạt tính để bắt giữ bụi, khí độc, khử mùi, diệt khuẩn...

Đối với trần nhà, các em nghĩ nên phủ một lớp sơn titan dioxide, vốn có khả năng oxy hóa các chất gây ô nhiễm. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, titan dioxide sẽ tạo ra caxi nitrat vô hại, vừa rửa sạch mái nhà, vừa trở thành phân bón cho các loại cây cối quanh nhà khi được hòa vào nước mưa.

Đặc biệt nhất, mô hình nhà của Huy và Duyên còn tận dụng cây xanh tự nhiên để vừa giảm ô nhiễm, vừa làm đẹp cảnh quan. Các cây bạc hà, nén được trồng ở quanh nhà để đuổi muỗi, rắn… Còn ở bên trong nhà, các em nghiên cứu khu vực nào thường bị các yếu tố nào gây ô nhiễm, để rồi từ đó trồng các cây lô hội, lan ý, dương xỉ,… để tránh bớt tác hại từ sơn, sáp đánh bóng nội thất, chất tẩy rửa, khói bếp,…

Tặng hệ thống giảm ô nhiễm cho người dân

Với sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm, Huy và Duyên bê nguyên xi mô hình trên giấy này đến bãi rác Khánh Sơn, tìm 2 nhà dân nằm cạnh nhau ở cách trung tâm bãi rác khoảng 100m để thuyết phục họ thử nghiệm mô hình trên chính căn nhà họ đang ở. Huy kể: “Bọn em tìm được nhà của bà Nguyễn Thị Lý (tổ 170 Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Biết bọn em đang thử nghiệm mô hình chống ô nhiễm, bà đồng ý ngay mà không cần thuyết phục”. Hai em lắp đặt các thiết bị ở nhà bà Lý, rồi chọn nhà ông Nguyễn Hảo ở ngay bên cạnh làm nhà đối chứng kiểm nghiệm.

Trong 3 ngày liên tiếp sau đó (20, 21 và 22-2), Trung tâm nghiên cứu bảo vệ môi trường thuộc Đại học Đà Nẵng đã đến lấy mẫu không khí tại nhà bà Lý, ông Hảo và tại bãi rác Khánh Sơn vào lúc 16 giờ (thời điểm gió thổi từ bãi rác vào, lượng mùi hôi tại nhà dân tăng cao).

Cả 3 lần đo, lượng ô nhiễm do bụi lơ lửng và các khí amoniac, hydrosunfua,… tại nhà bà Lý đều thấp hơn đáng kể so với nhà ông Hảo. “Sau khi kiểm nghiệm xong, chúng em tặng luôn cho nhà bà Lý hệ thống chống ô nhiễm đó”, Huy nói. Được biết, nếu xây mới hoàn toàn thì chi phí chỉ vượt khoảng 4-5%, còn nếu cải tạo (như trường hợp nhà bà Lý) thì chỉ mất tối đa 10 triệu đồng cho căn nhà có diện tích 100m2.

Giải Nhì toàn quốc đã giúp Huy và Duyên có được tấm vé vào thẳng đại học (hoặc được ưu tiên nếu chọn chuyên ngành không phải Hóa - Sinh). Duyên vui vẻ bảo em rất thích ngành kiểm toán hoặc ngoại giao vì ham được đi đây đi đó. Con đường phía trước còn rất dài, nhưng có lẽ, với tinh thần ham học hỏi và ý chí quyết tâm, bền bỉ, Huy và Duyên sẽ đạt được mơ ước của mình.

KHANG NINH

.