Đà Nẵng cuối tuần
Khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân: Những góc nhìn mới
Khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân - một cách gọi khác của Khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) tại Trung Kỳ năm 1916 - đã bị thực dân Pháp và Nam triều nhanh chóng dập tắt và dìm trong biển máu. Vì sao lại đến nông nỗi này?
Căn cứ vào một số tài liệu mới (1), có thể nhìn nhận các nguyên nhân dẫn đến thất bại của khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân từ ba góc độ: xác định mục tiêu của cuộc khởi nghĩa; xây dựng và phát triển lực lượng khởi nghĩa; bảo mật trong tổ chức bộ máy và nhân sự.
1. Từ góc độ xác định mục tiêu của cuộc khởi nghĩa, có thể thấy nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân là những người chủ xướng vẫn tiếp tục bế tắc về đường lối chính trị. Ngọn cờ ông vua yêu nước Duy Tân trong cuộc chính biến này dường như vẫn phảng phất bóng dáng ngọn cờ ông vua yêu nước Hàm Nghi trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam 1885-1887, hay gần hơn là bóng dáng ngọn cờ ông hoàng Cường Để trong phong trào Đông du - Duy Tân Hội.
So với phong trào Nghĩa hội Quảng Nam 1885-1887 và phong trào Đông du - Duy Tân Hội thì khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân có xu hướng bàn sâu về chế độ chính trị của đất nước ngay trước khi khởi sự. VNQPH được tổ chức ở Trung Quốc sau Cách mạng Tân Hợi hai năm, vì vậy đã chịu ảnh hưởng của chế độ cộng hòa do Tôn Dật Tiên khởi xướng.
Bởi thế trong quá trình vận động khởi nghĩa, ban đầu Kỳ bộ Trung Kỳ - VNQPH có sự phân hóa giữa hai quan điểm: thiên về chế độ quân chủ lập hiến và thiên về chế độ cộng hòa, nhưng cuối cùng thống nhất chọn con đường quân chủ lập hiến. Tuy nhiên ý tưởng về việc thiết lập một chế độ quân chủ - dẫu là quân chủ lập hiến - khi khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân thành công, có thể được xem là một bước lùi so với tư tưởng dân chủ trong phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX.
2. Từ góc độ xây dựng và phát triển lực lượng khởi nghĩa, có thể thấy một cuộc khởi nghĩa không thành trước hết bắt đầu từ cán cân lực lượng - khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân cũng không nằm ngoài nguyên nhân chủ yếu này.
2.1. So với một biến cố chính trị có quy mô toàn kỳ 8 năm về trước - Trung Kỳ dân biến 1908 - thì lực lượng khởi nghĩa lần này được tập hợp có bài bản hơn, tổ chức chặt chẽ hơn. Đó là nhờ vai trò kiến trúc sư trưởng của Thái Phiên.
Do biết khôn khéo náu mình dưới dáng vẻ hiền lành của một viên tư chức cần mẫn mà Thái Phiên có vinh dự là cái gạch nối giữa hai biến cố chính trị lớn cùng diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy chục năm ở Trung Kỳ nói chung, ở xứ Quảng nói riêng: Trung Kỳ dân biến năm 1908 và khởi nghĩa VNQPH tại Trung Kỳ năm 1916. Cũng chính vì vậy, Thái Phiên có kinh nghiệm trong việc tập hợp và tổ chức lực lượng khởi nghĩa lần này, và như đã nêu trên, lực lượng khởi nghĩa lần này được tập hợp có bài bản hơn, tổ chức chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, xứng đáng được suy tôn lãnh tụ tối cao của khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân lại chính là Trần Cao Vân - người đề xướng Trung thiên Dịch, tác giả hai câu thơ thấm đẫm chất nhân văn và tràn đầy khí phách: “Đất nứt ta ra trời chuyển động - Ta thay trời mở đất mênh mông” (bài thơ Vịnh Tam tài). Quả là cuộc nổi dậy dưới ngọn cờ vua Duy Tân đã không thể và vĩnh viễn không thể thắp lên ngọn lửa báo hiệu giờ khởi nghĩa trên đèo Hải Vân, song lại làm bừng sáng nhãn quan chính trị của Trần Cao Vân.
Trần Cao Vân cũng nghĩ rằng cần phải tranh thủ thời cơ Pháp đang bận đối phó với Đức tại chính quốc trong cuộc chiến tranh thế giới lúc bấy giờ để mưu đồ việc lớn, đúng như lời nhắn nhủ của Lê Ngung qua bức thư gửi cho ông và Thái Phiên hồi tháng 7 năm 1915, khi Đức bắt đầu tiến quân đánh vào đất Pháp: “Thời hồ thời bất tái lai - Kim thời bất phấn cô tri hà thời” - Thời cơ đi qua không trở lại - Nếu không chớp lấy thì còn đợi đến bao giờ.
Thực ra thì những người chủ xướng khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân cũng từng thảo luận về đề nghị của Lê Ngung trong bức thư gửi cho Thái Phiên vào tháng 8 năm 1914 rằng thời điểm Đức - Pháp đánh nhau chính là thời cơ độc lập của nước Việt Nam, và đi đến không nhất trí với đề nghị ấy vì cho là lực lượng khởi nghĩa chưa mạnh, tiềm lực quân sự của Pháp ở Đông Dương chưa thật sự suy yếu.
Thái Phiên đã trả lời Lê Ngung như sau: “Quân Pháp tuy liên tiếp bại trận nhưng chưa đến lúc thật là tê liệt. Chúng ta hẵng chờ một thời gian nữa để xây dựng lực lượng cho thật vững đã thì mới được” (Lê Trọng Khánh-Đặng Huy Vận: Cuộc khởi nghĩa của VNQPH ở miền Nam Trung Bộ năm 1916, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 22, năm 1961). Nhưng tiếc rằng chưa đầy một năm sau, lúc tương quan lực lượng hầu như không thay đổi gì so với trước, những người chủ xướng khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân vẫn quyết định khởi sự sớm - theo như đề nghị lần thứ hai của Lê Ngung vào tháng 7 năm 2015.
2.2. Trong khi đó thì thủ đoạn cai trị của Pháp ngày càng thâm độc với những quan chức thực dân lão luyện trong việc thu thập thông tin tình báo và xử lý tình huống an ninh chính trị. Nhằm đàn áp khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân, Toàn quyền Đông Dương Ernest Nestor Roume đã dựng một kịch bản rất hoàn hảo, khốc liệt và đầy tính toán, qua đó có thể thấy Ernest Nestor Roume xử lý tình huống an ninh chính trị lão luyện như thế nào.
Tuy nhiên khắc tinh thực sự của cuộc khởi nghĩa này chính là Khâm sứ Trung Kỳ Jean Francois Eugène Charles - một quan chức thực dân có thâm niên trong nghề cai trị dân ở địa bàn Trung Kỳ. Đáng chú ý là đã có lần Khâm sứ Charles hạ lệnh bắt Thái Phiên lúc ấy đang hoạt động ở Đà Nẵng và tống giam tại nhà lao Hội An.
Có thể nói không có gì đáng ngạc nhiên khi ông ta được thăng chức Khâm sứ Trung Kỳ vào năm 1913, và trên cương vị mới, Charles càng trở nên nguy hiểm đối với các phong trào yêu nước chống Pháp ở miền Trung, trong đó có khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân.
Bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung, ở Trung Kỳ nói riêng có thể bất ngờ về khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân, nhưng chủ yếu là bất ngờ về sự tham gia của vua Duy Tân cũng như về việc cuộc khởi nghĩa khởi phát trước tiên tại Kinh thành Huế, chứ hoàn toàn không bất ngờ về mầm mống của cuộc nổi loạn - nói theo ngôn ngữ của nhà cầm quyền Pháp và Nam triều.
Vào ngày 8-5-1916, Khâm sứ Trung Kỳ Jean Francois Eugène Charles gửi ngay một bản báo cáo được trao tận tay Toàn quyền Đông Dương Ernest Nestor Roume khi Ernest Nestor Roume đến thị sát tình hình ở Huế. Và không chỉ nhạy cảm về biến động nóng bỏng của thời cuộc, Charles còn nhanh chóng ra tay hành động nhằm đối phó với lực lượng khởi nghĩa.
Khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân bùng nổ theo đúng kế hoạch và không thành, ngay trong đêm ngày 3 rạng sáng 4-5-1916, Charles khẩn trương cho người vào Hoàng cung do thám và khi biết chắc vua Duy Tân đã theo lực lượng khởi nghĩa rời kinh thành, viên Khâm sứ liền hạ lệnh truy bắt nhà vua. Quả là không có sự cố nào ngay khi/sau khi thực dân Pháp đàn áp khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân một cách khốc liệt và đầy tính toán, và chính nhờ vậy mà Khâm sứ Trung Kỳ lại tiếp tục thăng tiến trong công vụ: Jean Francois Eugène Charles được tạm thời giao giữ chức vụ Toàn quyền Đông Dương từ tháng 5 năm 1916 đến tháng 1 năm 1917.
Trên cương vị mới, Charles tiếp tục gây tội ác khi chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến Trung Kỳ sau cuộc khởi nghĩa bất thành tháng 5 năm 1916, chẳng hạn như cho bắt Mai Dị, hạ lệnh xử tử Phan Thành Tài và các bản án tử hình những người khởi nghĩa vẫn nối tiếp cho đến tháng 6 năm 1916…
2.3. Từ góc độ bảo mật trong tổ chức bộ máy và nhân sự của lực lượng khởi nghĩa, có thể nói khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân nhanh chóng thất bại bởi sự sơ hở trong phát ngôn của một đảng viên VNQPH là Võ Cư người ở làng Long Phụng, huyện Mộ Đức, khi bị đổi đến đồn Đức Phổ đã tiết lộ kế hoạch khởi nghĩa với một người khác, và nguồn tin đó đã được báo cho Công sứ Quảng Ngãi De Tastes và Công sứ Quảng Ngãi liền tức tốc gửi công điện khẩn báo cáo Khâm sứ Trung Kỳ Jean Francois Eugène Charles.
Có tài liệu cũ cho rằng sở dĩ thông tin này đến được với Khâm sứ Trung Kỳ là do Tuần vũ Quảng Ngãi Trần Tiễn Hối thông báo với một người bà con đang tham gia lực lượng khởi nghĩa tại Huế là Trần Quang Trứ và chính Trần Quang Trứ đã trực tiếp báo cáo với Tòa Khâm…
Tài liệu này có vẻ khớp với thông tin trong một tài liệu cũ mô tả cuộc đối thoại giữa Nguyễn Quang Siêu với Thái Phiên và giữa Thái Phiên với Trần Cao Vân sau khi đưa vua Duy Tân đến Bến Ngự. Thái Phiên nghe Nguyễn Quang Siêu báo: “Khi đưa vua ra đến bến Thương Bạc thì tôi gặp Trần Quang Trứ hớt hải cho chèo thuyền qua Tòa Khâm!”. Thái Phiên giật mình nhìn Trần Cao Vân và hỏi: “Trứ được giao nhiệm vụ phối hợp hành động ở Trấn Bình đài (tức đồn Mang Cá - BVT), tại sao hắn lại qua Tòa Khâm giờ này làm gì?”…
Thực ra Trần Quang Trứ không đến Tòa Khâm sứ mà đến Tòa Công sứ để báo cáo về cuộc khởi nghĩa và nội dung báo cáo tuy có vẻ như liên quan đến thông tin mà Trần Tiễn Hối cung cấp, nhưng kỳ thực là thông tin do chính Trần Quang Trứ mắt thấy tai nghe khi thâm nhập vào hàng ngũ những người nổi dậy.
Như vậy có thể thấy tổ chức bộ máy và nhân sự của lực lượng khởi nghĩa có vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ - theo cách nói hiện nay. Đương nhiên, những người khởi xướng khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân cũng đã có ý thức cảnh giác và tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản về bảo mật trong tổ chức bộ máy nhân sự.
Tuy nhiên chỉ mấy phương thức bảo mật đơn giản ấy vẫn chưa đủ. Rõ ràng trong lực lượng khởi nghĩa có những người như Võ Cư vì lý do riêng tư gì đó mà tiết lộ bí mật về kế hoạch nổi dậy ở Quảng Ngãi, vô tình làm tổn hại đến đại cuộc; lại cũng có những người như Trần Quang Trứ chui vào lực lượng khởi nghĩa, hơn thế nữa còn tiếp cận được các lãnh tụ tối cao, chủ động chiêu hồi/đầu thú và khai báo với Tòa Khâm một phần kế hoạch nổi dậy ở Huế mà Trần Quang Trứ được giao đảm nhiệm.
Tuy thông tin cơ mật của cuộc khởi nghĩa rò rỉ từ một số đầu mối không phải là trọng yếu nhưng chỉ cần như vậy cũng đủ để đối phương kịp thời ứng phó. Trường hợp Võ Cư có thể được xem là phát sinh ngoài ý muốn, nhưng rõ ràng trường hợp Trần Quang Trứ đích thị là hậu quả của một sơ suất đáng tiếc về bảo vệ chính trị nội bộ!
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Qua kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học Khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân qua các tài liệu mới của hai tác giả Nguyễn Trương Đàn, Lưu Anh Rô (Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng) được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu ngày 26-12-2014.