Đà Nẵng cuối tuần

Nỗi lo an toàn lao động trên biển

15:26, 08/05/2016 (GMT+7)

Ngày 15-2-2015, tàu đánh cá ĐNa 27064TS do ông Phan Ngọc Thanh (sinh năm 1981, quê quán thị trấn Lăng Cô, Huế) làm chủ tàu bị cháy khi đang neo đậu tại khu vực phía Đông Nam cầu Rồng. Nguyên nhân được xác định là do bất cẩn trong việc tổ chức thắp hương thờ cúng trên tàu và rò rỉ khí gas trong khoang máy. Tiếp đến, ngày 19-2, tàu ĐNa 90330, do bà Nguyễn Thị Bé làm chủ, trên tàu có 11 lao động, khi đang hành nghề tại vị trí 16o30N-110o01E thì bị gãy chân vịt, tàu thả trôi theo hướng Đông Nam, tốc độ trôi 0,4 hải lý/giờ. Không khắc phục được, tàu yêu cầu giúp đỡ khẩn cấp.

Đây là 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn tàu cá trong năm qua, làm gióng lên hồi chuông cảnh báo: vấn đề an toàn lao động nghề biển đang đứng trước thực trạng đáng báo động.

Ngư dân chuẩn bị những đồ dùng lao động cần thiết trước mỗi chuyến ra khơi. Ảnh: Q.T
Ngư dân chuẩn bị những đồ dùng lao động cần thiết trước mỗi chuyến ra khơi. Ảnh: Q.T

Ngư dân còn chủ quan

Ông Trần Công Quý, chủ tàu ĐNa 90346, nói: “Cuộc mưu sinh của chúng tôi hằng ngày gắn với biển, chứa đựng rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Mặc dù ai cũng biết với nghề đi biển, áo phao chính là sinh mạng, nhưng nói thiệt, chỉ có đi tắm biển chơi thì mới mang áo phao, chớ ra biển lao động cực lắm, vướng víu răng mà mặc được. Ngoài áo phao, trên tàu còn có rất nhiều dụng cụ an toàn khác như phao cứu sinh, lưới, thúng, ống xốp nên khi xảy ra sự cố, chỉ cần bình tĩnh, ngư dân vẫn có thể “với” tay lấy những vật dụng này thay thế”.

Ông Nguyễn Cam, chủ tàu ĐNa 30135 cũng rất “đau đầu” việc bắt buộc thuyền viên tàu mình mặc phao. Ông có nhắc nhở thì anh em đều bảo, “trời nắng nóng bỏng da, áo thun còn mặc không nổi mà bắt mặc áo phao chi thuyền trưởng?”. “Đó là tình hình chung, tàu nào cũng vậy. Anh em nói có lý hết nhưng là thuyền trưởng, tôi vẫn chỉ biết nhắc nhở thôi”, ông Cam nói.

Áo phao là món đồ bảo hộ lao động của ngư dân dưới nước, nó quan trọng không kém mũ bảo hộ lao động của công nhân trên bờ. Vậy mà, đa phần ngư dân từ chối sử dụng nó. Những lão ngư có kinh nghiệm đi biển nhiều năm hay ngư dân trẻ mới xuống tàu đều cho rằng, nếu có tai nạn rớt xuống biển họ vẫn xử lý được.

Họ không ý thức được rằng, tai nạn không đến từ những lúc mình bình tĩnh mà có thể ập đến những lúc không ngờ nhất. Một chiến sĩ biên phòng kể, cách đây 2 năm, đội của anh nhận được tin báo có một thuyền viên bị rớt xuống nước mất tích.

Lý do rớt nước là vì trên tàu không có nhà vệ sinh, ngư dân lên be tàu “giải quyết” nên trượt chân té xuống mà mọi người trên tàu không ai hay biết, phải đến sáng hôm sau thấy thiếu người thì mới “tá hỏa” đi tìm. “Tôi đoán ngư dân chiều chiều làm việc xong thường lai rai với nhau vài ly, chuếnh choáng hơn bình thường nên khi lên be tàu không làm chủ được mình. Nếu anh ta mang áo phao thì đâu đến nỗi”, anh chiến sĩ biên phòng tiếc nuối nói.

Ông Trịnh Quang Vinh, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đà Nẵng cho biết, lao động đi biển là loại lao động căng thẳng, nặng nhọc và thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro. Ngư dân thường xuyên làm việc ngoài trời trong thời gian dài (mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 10-15 ngày); chịu tác động của thời tiết (nắng, gió, muối biển, lạnh về đêm); các yếu tố độc hại phát ra từ máy nổ… Nhưng ngư dân cũng là đối tượng hành nghề chủ quan nhất, họ làm việc dựa vào kinh nghiệm là chính.

Thiếu cập nhật kiến thức an toàn lao động

Anh Lê Văn Tuyến, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, kiêm quyền Trưởng Văn phòng Bộ Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, năm 2015, Đà Nẵng xảy ra 10 vụ tai nạn tàu cá, không có thiệt hại về người nhưng về tài sản ước tính thiệt hại gần 400 triệu đồng.

Một tai nạn thường xuyên xảy ra là tàu hỏng máy, bởi nhiều tàu cá dùng máy chính đã qua sử dụng, trong lúc đó nhiều ngư dân không áp dụng đúng quy trình sử dụng máy tàu. Một động cơ muốn chạy êm thì phải thường xuyên được bảo dưỡng, thay dầu nhớt, kiểm tra…

Chính sự “không siêng năng” này của ngư dân góp phần gây nên những tai nạn trên biển. Từ trước đến nay, ngư dân hoạt động trên biển đa phần theo hình thức “cha truyền con nối”, “nghề dạy nghề” nên ít tìm tòi, cập nhật kỹ thuật mới. Vì không được đào tạo nên sử dụng các thiết bị không đúng, xử lý tai nạn kém hiệu quả. Một số thiết bị liên lạc với đất liền, trạm cứu hộ… chỉ thuyền trưởng biết sử dụng.

Đại tá Lê Hồng Tư, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông cho biết, nhiều tàu cá hiện nay không trang bị máy thông tin liên lạc, hải đồ, không hiểu rõ hoặc không chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, âm hiệu, thiếu ý thức về chống va chạm, không biết sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc.

Đặc biệt, tàu ra biển dài ngày, trữ lượng dầu mang theo lớn, lại có cả bếp gas để nấu nướng nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nhưng rất ít chủ tàu có ý thức trang bị bình chữa cháy, bình CO2, bình bột. “Thời gian gần đây, do cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra kết hợp tuyên truyền nên tình trạng này cũng đã cải thiện nhiều so với trước”, ông Tư nói.

Những tai nạn trên biển thời gian qua chủ yếu đến từ sự lạc hậu của tàu cá cộng với sự chủ quan của ngư dân. Để giảm thiểu tình trạng này, ông Trịnh Quang Vinh cho biết, cơ quan chức năng thường xuyên duy trì công tác kiểm tra việc thực hiện quy định về đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải của tất cả tàu cá; xử lý nghiêm những trường hợp không trang bị đầy đủ các thiết bị như đèn tín hiệu, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc… Các lớp tập huấn về kiến thức an toàn hàng hải, cách xử lý ứng cứu cũng như phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp tai nạn xảy ra được tổ chức hằng năm.

Mỗi khi tàu cá ra khơi, cán bộ biên phòng đều kiểm tra đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm an toàn mới cho xuất bến. Việc kiểm tra này tiến hành thường xuyên nhưng khi ra khơi chỉ… trời mới biết ngư dân có sử dụng không. Tuy vậy, việc kiểm tra của cơ quan chức năng ít nhiều tạo thói quen về “sự có mặt” và “phải dùng” của những đồ dùng bảo hộ lao động cho ngư dân.

QUỲNH TRANG

.