Đà Nẵng cuối tuần

"Kiến trúc sư trưởng" của cuộc khởi nghĩa

14:26, 15/05/2016 (GMT+7)

Theo quan sát của tôi, cho đến nay chỉ có hai người Đà Nẵng mà danh tính đã chính thức trở thành tên đất tên làng: một là Nguyễn Văn Thoại quê làng An Hải và hai là Thái Phiên quê làng Nghi An. Nói chính thức là bởi các địa danh Thoại Sơn, Thoại Hà hay thành Thái Phiên đều không phải là sự tôn vinh mang màu sắc dân gian ngoài chính sử, mà đây rõ ràng là những địa danh mang tính hành chính công quyền.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng/Việt Minh một số tỉnh/thành phố có xu hướng lấy tên danh nhân đặt cho địa phương mình: Hoàng Diệu ở Hà Nội, Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi, Trần Cao Vân ở Quảng Nam và Thái Phiên ở Tourane/Đà Nẵng…

Còn nhớ Huỳnh Ngọc Huệ từng cấp cho Lê Văn Hiến một giấy thông hành đóng dấu Việt Minh thành Thái Phiên. Tôi cũng không biết các địa-danh-danh-nhân khác trong cái thuở ban đầu dân quốc ấy có đi vào thế giới thi ca hay không, nhưng địa danh Thái Phiên thì đã trở thành điểm nhấn nghệ thuật trong hai câu thơ Tế Hanh tràn đầy khí phách: Thành Thái Phiên tắm mình trong khói lửa/ Đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh (trích trường ca Thành Thái Phiên).

Có vẻ như cuộc đời ngắn ngủi 34 năm của Thái Phiên trải qua phần lớn trên đất quê hương, nhưng kỳ thực ông vẫn là người Đà Nẵng xa quê. Bị kẻ thù xử chém ở pháp trường An Hòa và một trăm năm rồi vẫn đương còn yên nghỉ ngoài Huế - chết xa quê đã đành, mà ngay những năm cuối đời Thái Phiên cũng thường đi lại khắp nơi để gầy dựng lực lượng cách mạng.

Trong nhận thức của tôi, Thái Phiên mới thực sự là một trí thức. Trí thức ở đây không hẳn là người có bằng cấp cao, bởi Thái Phiên không phải là nhà khoa bảng uyên thâm Hán học dẫu ông cũng ít nhiều thành thạo chữ Nho để có đủ khả năng đọc và trả lời thư của các đồng chí Duy Tân Hội gửi đến luận bàn về quốc sự; càng không phải là người được đào tạo thật bài bản về Tây học dẫu ông cũng ít nhiều thành thạo chữ Pháp để có đủ khả năng vào vai một thầy ký ngày ngày cặm cụi tính mướn, viết thuê.

Trí thức ở đây thể hiện ở chỗ Thái Phiên đã mang hết mọi sở học của mình, dốc hết mọi kiến văn của mình, toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng của Duy Tân Hội, của phong trào Đông du và sau cùng là của Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) ở Trung Kỳ. Đương nhiên những chuyến đi gần có xa có, những cuộc giao tiếp đàm đạo khi bí mật lúc công khai với bạn bè đồng chí cũng là nguồn bổ sung tri thức và tư duy cần thiết để Thái Phiên đủ sức đảm đương vai trò kiến trúc sư trưởng của cuộc Cách mạng 1916.

Kiến trúc sư trưởng của cả một cuộc vận động cách mạng trong lòng địch, giữa sào huyệt quân thù, trước hết phải là một người giàu mưu lược và năng lực tổ chức thực tiễn. Khi chọn Thái Phiên thay Tiểu La Nguyễn Thành  - mà thực ra là thay cho Đỗ Đăng Tuyển vừa được cử thay Tiểu La Nguyễn Thành chừng một năm thì bị bắt - để điều hành Duy Tân Hội và sau này là Việt Nam Quang Phục Hội ở Trung Kỳ, hẳn Phan Bội Châu đã thừa nhận những tố chất lãnh đạo đáng quý ấy của Thái Phiên.

Ngay cả cách Thái Phiên tạo vỏ bọc để hoạt động hợp pháp ở Tourane cũng góp phần chứng tỏ ông có tài năng vượt trội, nhất là việc Thái Phiên bằng chính nhân cách của mình đã thu phục được lòng tin của thầu khoán Pháp kiều Le Roy - người không ít lần tận tình can thiệp với nhà chức trách để bảo vệ Thái Phiên.

Điều hành Duy Tân Hội thời sơ khai, Nguyễn Thành chủ yếu nhìn về phương Đông, điều hành Việt Nam Quang Phục Hội ở Trung Kỳ trước ngưỡng cửa cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Thái Phiên không thể không nhìn về phương Tây - đến Phan Bội Châu lúc này cũng phải vậy. Chính vì nghĩ nước Pháp nhất định sẽ bại trận trong thế chiến mà Thái Phiên càng củng cố thêm niềm tin về thời cơ khởi nghĩa…

Kiến trúc sư trưởng của cả một cuộc vận động cách mạng trong lòng địch, giữa sào huyệt quân thù, phải là một người có tư duy công tác cán bộ sắc sảo. Thái Phiên quả là có con mắt xanh khi đánh giá cao vai trò “chính ủy” của Trần Cao Vân.

Thật vậy, cuộc nổi dậy dưới ngọn cờ vua Duy Tân không thể và vĩnh viễn không thể thắp lên ngọn lửa báo hiệu giờ khởi nghĩa trên đèo Hải Vân, song lại làm bừng sáng nhãn quan chính trị của riêng Trần Cao Vân.

Còn nhớ trước khởi nghĩa mấy ngày, trong khi ngồi bàn quốc sự với Thái Phiên, Phan Thành Tài và một số đồng chí khác, Trần Cao Vân lại tỏ ý ngần ngừ chưa muốn khởi nghĩa gấp. Cái ngần ngừ ấy xuất phát từ sự tỉnh táo chính trị của một người lên thác xuống ghềnh suốt ba mươi năm trường tìm đường cứu dân cứu nước, và lúc bấy giờ đang bước sang tuổi năm mươi - tuổi ngũ thập tri thiên mệnh...

Tất nhiên mọi việc sau đó như chúng ta đều biết, vẫn cứ diễn ra giống hệt kịch bản được chuẩn bị từ đầu, có lẽ vì Trần Cao Vân có lý và có uy tín đến đâu cũng chỉ là... thiểu số. Cũng xin nói thêm điều này nữa: sự tỉnh táo của Trần Cao Vân vẫn chỉ nằm trong phạm vi tính toán thời điểm sớm - muộn để ấn định ngày vũ trang khởi nghĩa, chứ chưa phải là sự cân nhắc tương quan lực lượng địch - ta để quyết định nên hay không nên khởi nghĩa vũ trang, chưa thấy đặt vấn đề khởi nghĩa vũ trang lúc ấy là rất không phù hợp.

Thái Phiên còn có “con mắt xanh” khi chọn vua Duy Tân làm ngọn cờ hiệu triệu tối cao của cuộc Cách mạng 1916. Đây là một sự lựa chọn táo bạo và đòi hỏi người kiến trúc sư trưởng phải thiết kế cho được một kế hoạch tiếp cận và vận động chính xác đến từng chi tiết đối với vị hoàng đế trẻ tuổi có tinh thần yêu nước nhưng luôn bị người Pháp giám sát nghiêm ngặt từng hành tung một.

Và chỗ khó xử nhất của Thái Phiên và các đồng chí của ông trong tiến trình tiếp cận và vận động vua Duy Tân tham gia cuộc khởi nghĩa là vấn đề quyền lực: khi giành được thắng lợi, đòi lại được giang sơn thì vai trò của nhà vua sẽ không còn cao cao tại thượng như trong chế độ quân chủ toàn trị, sẽ phải mất nhiều quyền lực trong chế độ quân chủ lập hiến - đương nhiên vua Duy Tân hồi đó chắc cũng suy nghĩ như vua Bảo Đại sau này: “Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”… Với tư cách kiến trúc sư trưởng, Thái Phiên xuất sắc vượt lên tất cả mọi trở lực và đã đưa được vua Duy Tân 16 tuổi vào vị trí số một của cuộc chính biến năm 1916 - so với việc hai quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa được vua Hàm Nghi 14 tuổi vào vị trí số một của cuộc chính biến năm 1885 thì còn khó hơn nhiều.

Phan Bội Châu có một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật khóc Thái Phiên sau khi ông hy sinh vì đại nghĩa với hai câu kết: Chúng ta vẫn cùng dòng Hồng Lạc/ Xin hỏi Nam Xương có mấy ai? - Nam Xương là hiệu của Thái Phiên do chính Phan Bội Châu đặt. Còn nhớ khi mất Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Bội Châu với tư cách là nhà lãnh đạo công khai của Duy Tân hội không thể không lo lắng: “Than ôi! Núi Hải Vân còn đó, biển Đà Nẵng còn đó, ai là người Tiểu La tiên sinh thứ hai?”. Câu hỏi cháy lòng ấy, may thay lịch sử đã có câu trả lời đúng đắn: người Tiểu La tiên sinh thứ hai ấy không ai xứng đáng hơn là Thái Phiên.

Trong một ký sự đăng 3 kỳ trên tuần báo Sông Hương ở Huế hồi tháng 9 năm 1936, Phan Khôi với tư cách người đương thời đã đặt vấn đề rằng Tiểu La Nguyễn Thành và Đỗ Đăng Tuyển lúc bấy giờ đều trên dưới năm mươi tuổi, bậc lão thành danh vọng, được người ta suy phục, sự ấy đã cố nhiên, chứ “Thái Phiên, một anh thông ngôn nhà buôn Tây, hơn nữa, một anh thầu khoán mới ngoài ba mươi tuổi, vậy mà dám gánh lấy một trách nhiệm lớn trong sáu bảy năm trời, bao nhiêu đồng chí trong ngoài đều khâm phục, con người ấy tưởng không ai có thể quên được trên lịch sử”.

Và chính sự kế nhiệm ngoạn mục đó đã khiến Thái Phiên có vinh dự là cái gạch nối giữa hai biến cố chính trị lớn cùng diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy chục năm ở Trung Kỳ nói chung, ở xứ Quảng nói riêng: Trung Kỳ dân biến 1908 và Cách mạng 1916. Thái Phiên từng may mắn thoát được tù giam án chém trong biến cố chính trị thứ nhất nhưng không thể may mắn như vậy trong biến cố chính trị thứ hai - bởi lần này ông là kiến trúc sư trưởng!  

TRẦN NGUYÊN HẬU

.