Đà Nẵng cuối tuần

Thái Phiên trong lòng dân làng Nghi An

12:06, 15/05/2016 (GMT+7)

Cuối 1922, 6 năm sau Cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916 thất bại, hài cốt của Thái Phiên và Trần Cao Vân được nhân dân yêu nước lén đem về chôn chung ở cụm rừng gần Nam Giao (Huế). Năm 1926, để tỏ lòng thành kính,  bà con dòng họ và nhân dân làng Nghi An (nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) đã lập nhà thờ và cúng tế ông hằng năm vào ngày 17-5 âm lịch.

Ông Thái Bình đang lần giở những trang viết về chí sĩ Thái Phiên.
Ông Thái Bình đang lần giở những trang viết về chí sĩ Thái Phiên.

Nhà thờ tộc Thái (Đền thờ chí sĩ Thái Phiên) được xây dựng từ năm 1962 tại làng Nghi An, Đà Nẵng. Theo thời gian, chiến tranh cộng với nắng mưa, lũ lụt làm nhà thờ này xuống cấp trầm trọng. Trước hiện trạng trên, năm 2003, Nhà thờ tộc Thái được thành phố hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng cùng hơn 400 triệu đồng do con cháu đóng góp để xây dựng lại ở vị trí mới, cách nhà thờ cũ chừng 100 mét, trên cùng một trục đường.

Từ ngày có nhà thờ, bà con làng Nghi An ngày đêm hương khói tưởng nhớ một người con của làng suốt một đời tận trung với đất nước, với nhân dân. Cùng với những đóng góp về mặt lịch sử, văn hóa, năm 2009, Nhà thờ tộc Thái được UBND thành phố Đà Nẵng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố theo Quyết định số 6099/QĐ-UBND.

Ông Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng Chư phái tộc cho biết, Nhà thờ tộc Thái là nơi thờ tự Thái Phiên – nhà lãnh tụ trọng yếu của Cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Ông cũng chính là người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành đất Cấm Đình của dân làng Nghi An, chống lại tên thực dân Gravelle (hay còn gọi là Tây Kho Bạc) khi hắn muốn lập đồn điền để trồng chè và cà-phê tại đây.

Ngoài Thái Phiên, Nhà thờ tộc Thái còn là nơi thờ tự nữ chí sĩ yêu nước Thái Thị Bôi (người gọi Thái Phiên là chú ruột). Nhà thờ được xây dựng trong khuôn viên đình làng Nghi An và cũng là địa điểm tổ chức Lễ hội đình làng Nghi An vào ngày 17-5 âm lịch hằng năm.

Thông tin lưu trữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng ghi, Thái Phiên biệt hiệu Nam Xương, sinh năm Nhâm Ngọ 1882 tại làng Nghi An, là con trai duy nhất của ông Thái Duy Tân và bà Lê Thị Tý. Từ bé, ông được cha cho theo học chữ Nho và với tư chất thông minh, ông học rất giỏi và hiểu được nỗi thống khổ của dân tộc. Về sau, ông tiếp tục theo học tiếng Pháp khoảng 3 năm rồi cưới vợ. Vợ Thái Phiên là Trịnh Thị Nhuận, con ông Trịnh Thiên Giáo, một người cùng làng và cũng từ đó, ông bắt đầu sự nghiệp chống Pháp của mình.

 Bản gia phả bằng chữ Hán đang được lưu giữ tại Nhà thờ tộc Thái. Ảnh: T.Y
Bản gia phả bằng chữ Hán đang được lưu giữ tại Nhà thờ tộc Thái. Ảnh: T.Y

Nơi ghi lại lịch sử dòng họ

Hơn 2 tháng qua, bất kể trời đang nắng như đổ lửa hay cơn mưa giông chợt kéo đến, ông Thái Bình – cháu 7 đời dòng họ Thái vẫn có mặt tại nhà thờ chí sĩ Thái Phiên để coi ngó việc trùng tu. Từ ngày UBND quận Cẩm Lệ quyết định khởi công xây dựng cụm di tích lịch sử Đình làng Nghi An, nhà thờ chí sĩ Thái Phiên và lăng mộ Thái Thị Bôi, ông Bình cũng như nhiều người thân khác cảm nhận được niềm vui lan tỏa trong dòng họ.

Cụm di tích lịch sử Đình làng Nghi An, nhà thờ chí sĩ Thái Phiên và lăng mộ Thái Thị Bôi được trùng tu, xây mới với kinh phí khoảng 2 tỷ 860 triệu đồng, trên diện tích hơn 4.000m2. Khi xây dựng đã giữ lại toàn bộ hiện trạng vốn có, kết hợp cải tạo tường rào, sân nền, đường dạo nhằm kết nối các di tích với nhau thành một thể thống nhất.

Bên cạnh đó, công trình còn xây dựng tiểu cảnh công viên, cây xanh bóng mát, bãi đậu xe có mái che, nhà vệ sinh đạt chuẩn nhằm phục vụ khách đến thắp hương…  Ông Trần Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, đây là công trình văn hóa hết sức ý nghĩa nhằm phát huy truyền thống đấu tranh giành độc lập, tự do của cha ông thế hệ trước; đồng thời, đây cũng là điểm nhấn văn hóa lịch sử tại phường Hòa Phát thời gian tới.

Bộ Phổ chí tộc Thái làng Nghi An ghi lại, Thái Phiên là con cháu đời thứ 3 dòng họ Thái. Sau Thái Phiên còn có nhiều người khác như Thái Thị Bôi (gọi Thái Phiên là chú ruột), bà Trần Thị Thọ (mẹ Thái Thị Bôi), ông Thái Huyến (anh ruột Thái Thị Bôi) hay các ông Thái Phong, Thái Hàn… đều là những người yêu nước, tham gia trực tiếp vào phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do trước và sau năm 1945.

Đi giữa sân nhà thờ còn ngổn ngang cát, sỏi phục vụ công việc xây dựng, trùng tu, ông Thái Bình nói rằng, không gì tự hào hơn khi được sinh ra và lớn lên trong một dòng họ giàu lòng yêu nước, thương dân như thế. Nên giờ đây, khi sống giữa thời bình, làm được việc gì cho dòng tộc, ông luôn sẵn lòng đứng ra gánh vác.

Từ ngày giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng Chư phái tộc, thỉnh thoảng, ông Thái Bình vẫn tiếp các đoàn nhà báo, nhà nghiên cứu đến làng Nghi An tìm hiểu về Thái Phiên và những đóng góp của ông cho phong trào khởi nghĩa những năm đầu thế kỷ XX. Ông sẵn lòng cung cấp tài liệu mình lưu giữ hay thông tin, hình ảnh gia đình có được nhằm giúp họ có được thông tin chuẩn xác nhất.

Cũng chính từ những cuộc chuyện trò ấy, ông Thái Bình cũng dần sáng rõ gốc gác qua các cứ liệu lịch sử liên quan đến sự hình thành và phát triển của dòng họ. Càng hiểu, ông càng thêm tự hào về nguồn cội cha ông, nhất là mỗi khi nhắc đến hai người bà con ruột thịt là Thái Phiên và Thái Thị Bôi.

Ông vui mừng cho biết, bộ gia phả của dòng họ Thái đã được dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm, chữ Quốc ngữ để con cháu dễ dàng tìm hiểu về lịch sử dòng họ. Qua gia phả, từng chi, từng nhánh như những sợi dây bện chặt vào nhau, tạo nên sự gắn kết từ đời này sang đời khác. Do đó, giữ gìn gia phả gia đình để giáo dục con cháu về lịch sử dòng họ là điều cần thiết và vô cùng quan trọng.

Cùng chung niềm tự hào về dòng họ Thái, ông Thái Nhi (74 tuổi) – người gọi Thái Phiên là ông nội chú – cho biết ngày còn khỏe, ông cũng từng đứng ra coi ngó, giám sát việc xây dựng Nhà thờ tộc Thái trong 2 năm, từ năm 2003 đến 2005.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, nhìn thấy sự quan tâm của các cấp chính quyền, của người dân dành cho ông nội, ông Nhi vô cùng cảm kích. Và hơn ai hết, ông hiểu rằng, Nhà thờ tộc Thái không chỉ là nơi nhang khói, thờ tự của gia đình, của dòng họ mà còn là “địa chỉ đỏ” giúp tuổi trẻ nước nhà rèn giũa lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc để ra sức cống hiến và trưởng thành.

TIỂU YẾN

.