Đà Nẵng cuối tuần

Cờ vây

08:55, 25/06/2016 (GMT+7)

Trong câu ca “Nỗi về nỗi ở chưa xong/ Bối rối trong lòng như đánh cờ vây” thì cờ vây là loại cờ gì, xuất xứ từ đâu? (Trần Lâm, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Cờ vây là một loại cờ cổ, ra đời cách đây khoảng hơn 4.000 năm trên đất nước Trung Hoa, tên gọi gốc Hán là “vi kỳ”.

Các quân cờ vây được đặt trên điểm giao nhau của các đường kẻ. Nguồn: Internet
Các quân cờ vây được đặt trên điểm giao nhau của các đường kẻ. Nguồn: Internet

Tương truyền, môn cờ này bắt đầu từ giấc mơ của vua Nghiêu về việc xem Hoàng Đế (người mở đầu thời Ngũ Đế bên Trung Hoa) chơi cờ với vị tiên Dung Thành. Đó là một loại cờ gồm một bàn cờ với hai quân màu trắng và màu đen. Vua Nghiêu bèn thỉnh cầu tiên dạy cho mình cách chơi cờ. Cuộc cờ đang hồi gay cấn thì vua bỗng choàng tỉnh. Ngẫm ra thấy hay quá, vua nhớ lại cách chơi rồi bổ khuyết thêm các luật lệ và sáng tạo ra môn cờ mới. Vua nhận thấy mục đích của trò chơi trí tuệ này là vây chiếm lãnh thổ, đoạt người của đối phương bị nhốt trong vòng vây nên gọi nó là vi kỳ (vi: bao vây; kỳ: cờ), tức là cờ vây trong tiếng Việt.

Về sau, loại cờ đến từ giấc mơ này được thái tử Đan Chu, con của vua Nghiêu truyền bá khắp thiên hạ.
Qua khảo cổ, người ta phát hiện có các loại cờ vây chia lưới 13x13 đường, 15x15 đường, 17x17 đường. Bàn cờ chuẩn hiện nay có 19x19 đường được tìm thấy từ đời nhà Tùy (581 – 619). Tuy những bàn cờ này khác nhau về số nước đi nhưng tựu trung đều chia đường lưới theo số lẻ (13, 15, 17, 19).
Sau hàng nghìn năm ra đời, cờ vây không hề biến đổi luật chơi như những trò chơi cổ khác. Bởi luật chơi cờ vây hết sức đơn giản, người nào cũng có thể chơi được, không cần đến trí thông minh ưu việt. Số nước biến hóa của cờ vây được coi là vô hạn, gấp hàng triệu lần so với cờ vua của châu Âu. Nhà vô địch cờ vua thế giới Emanuel Lasker (người Đức) đã nói: “Cờ vua chỉ hạn chế cho nhân loại sống trên Trái Đất, trong khi cờ vây vượt khỏi thế giới này. Nếu một hành tinh nào có những sinh vật có lý trí thì ở đó họ phải biết đánh cờ vây”.

Khác với cờ vua, trong cờ vây, quân nào cũng có giá trị như nhau, không quân nào có tên tuổi, không vua, không tướng. Vua, tướng trong môn cờ vây chính là người chơi cờ vậy. Mục đích của vua - người chơi cờ vây là chiếm càng nhiều đất, bắt được càng nhiều quân của đối phương càng tốt. Người thắng cuộc là người buộc đối phương không còn lối đi và mất hết quân để giải vây. Đây là một môn cờ phát triển tư duy chiến tranh. Đặc biệt là chiến tranh xâm lược và bành trướng lãnh thổ.

Như câu ca đã dẫn ở trên (Nỗi về nỗi ở chưa xong/ Bối rối trong lòng như đánh cờ vây), người chơi cờ vây thường phải tính trước nhiều nước không chỉ cho một nhóm quân mà có thể cả chục nhóm quân của mình nằm xen kẽ phức tạp trên bàn cờ. Từ đó, cờ vây còn được nhìn nhận không phải là một chiến trường đánh phá, tiêu diệt mà còn là một dạng công trường kiến thiết, xây dựng, khai phá, mở rộng phạm vi. Người thắng cuộc luôn là người có khả năng tính trước được nhiều nước nhất. Nhưng yếu tố dẫn đến chuyển bại thành thắng lại là yếu tố bất ngờ và mạo hiểm.

Cờ vây hiện nay rất phổ biến ở vùng Đông Á. Nhật Bản hiện nay là nước có số người chơi cờ rất cao. Cờ vây tới Nhật vào thế kỷ VII và đến đầu thế kỷ XIII, nó đã được chơi rộng rãi khắp mọi nơi trên đất nước này. Sự phát triển của Internet cũng đã làm cho môn cờ cổ này phổ biến hơn trên khắp thế giới.
Người Việt Nam cũng biết tới cờ vây từ lâu, nhưng qua thời gian, chiến tranh nên đã hầu như không còn ai biết cách chơi. Nó được phổ biến lại tại Việt Nam vào năm 1993 nhân một giảng viên không chuyên từ Trung Quốc sang giảng dạy giúp cho ngành Thể dục - thể thao thành phố Hà Nội.

Có nhiều nam/nữ kỳ thủ Việt Nam đoạt chức Vô địch cờ vây quốc gia, trong đó kỳ thủ Hoàng Nam Thắng của Đà Nẵng quán quân giải Vô địch quốc gia năm 2001.

ĐNCT

 

.