Đà Nẵng cuối tuần

Cống hiến lặng thầm

13:28, 11/06/2016 (GMT+7)

Chỉ có thể dùng hai chữ: tận tụy và tận tâm với nghề với thầy giáo Phan Văn Tính (giáo viên mầm non, Trường chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng). Nhiều năm làm giáo viên mầm non cho những đứa trẻ tuổi mầm mắc dị tật về ngôn ngữ mới thấy là không thể đo đếm hết được những thử thách, khó khăn với thầy.
 

Thầy Tính trong giờ ăn của học sinh lớp mẫu giáo. Ảnh: H.T
Thầy Tính trong giờ ăn của học sinh lớp mẫu giáo. Ảnh: H.T

Tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt, Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang, năm 2009, thầy giáo Phan Văn Tính nhận quyết định công tác tại Trường chuyên biệt Tương lai: “Khi chọn ngành học, mình không hình dung hết được thực tế công việc. Bắt đầu từ năm học thứ 2 của thời sinh viên, đi thực tế tại các trường học mới “vỡ” ra nhiều điều.

Mình vẫn còn nhớ giờ lên lớp đầu tiên của kỳ kiến tập sư phạm với tiết dạy chính tả cho học sinh khiếm thính; bởi lý thuyết khác hẳn với khi tiếp cận thực tế và không khỏi tránh khỏi những lúng túng, lo lắng, khi không biết gỡ rối theo hướng nào. Sau đó cứ tranh thủ thời gian rảnh, mình đọc lại lý thuyết, để hỗ trợ việc lên lớp”, thầy Tính nhớ lại. Nơi ở của Tính nằm gần một Trung tâm Bảo trợ xã hội nên chiều nào cậu sinh viên cũng sang chơi và hướng dẫn các em ở đây học. Từng ngày trôi qua, những khó khăn khi mới vào nghề được thay thế bằng kinh nghiệm, sự mềm dẻo trong xử lý tình huống.

Học trò của thầy Tính đa dạng các loại tật: trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính… Mỗi em có một đặc điểm và “cách” quậy phá riêng. Có bé có những thời điểm thầy phải bế trên tay suốt ngày. Chuyện bị các bé đái ướt hết áo quần thì quá thường, gần như ngày nào cũng có, vì các cháu chưa chủ động được tiểu tiện cho dù thầy cô giáo vẫn kiên trì tập cho các em kỹ năng tự phục vụ bản thân. Nhiều hôm thầy và đồng nghiệp còn bị học sinh tát vào mặt dù đang cho các em ăn.

Nhưng thầy không kể nhiều về những áp lực trong công việc, thầy chỉ mong trụ vững với nghề. “Muốn bớt đi những vất vả trong công việc thì buộc phải không ngừng tìm tòi, cập nhật các tài liệu có liên quan đến trẻ khuyết tật. Một lớp 16 cháu là 16 cơ hội để mình kiểm chứng các phương pháp dạy học, rồi tìm cách điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lớp học để trẻ phát triển được năng lực bản thân. Càng dạy trẻ mình càng thấy mình không biết nhiều thứ”. Giờ thầy có kinh nghiệm chia nhỏ các mục tiêu dạy học để “thầy đỡ sốt ruột và trò cũng tiến bộ vững chắc”.

Có một thời gian thầy Tính được điều chuyển lên dạy ở bậc tiểu học rồi lại quay trở lại với bậc mầm non. Dạy tiểu học, giáo viên dạy theo phân môn nên còn có thời gian nghỉ ngơi, nghiên cứu; còn bậc mầm non, thầy cô xoay vần cả ngày với đủ thứ việc không tên. Đổi lại, thầy được tương tác với trẻ cả ngày nên mức độ thành công trong can thiệp sớm cũng cao hơn. Và có những lúc mệt quá, thầy định cho các em hoạt động tự do nhưng như thế, trẻ lại có điều kiện để nghịch phá. Nên, “dù rất mệt, mình vẫn cố gắng tổ chức một hoạt động sáng tạo để trẻ tập trung thì mình lại có một khoảng thời gian ngắn để nghỉ”.

Thầy bảo, từ khi lập gia đình, có con, bao giờ mình cũng đặt mình vào hoàn cảnh của phụ huynh để hiểu và thông cảm cho những ứng xử của họ. Không một người cha người mẹ nào lại chuẩn bị cho mình tâm thế để tiếp nhận một đứa con sinh ra bị khuyết tật. Khi biết chắc chắn đứa con mình được chẩn đoán bị khuyết tật, hơn ai hết chính cha mẹ phải đối đầu với muôn vàn khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Mong mỏi duy nhất của thầy Phan Văn Tính là phụ huynh gần gũi, chịu khó trao đổi thông tin về học sinh để hỗ trợ cho giáo viên trong chăm sóc và can thiệp tật cho trẻ.
Chính từ suy nghĩ như vậy nên thầy Tính luôn tâm niệm rằng học trò càng đặc biệt thì mình càng phải kiên nhẫn bởi chỉ cần thiếu đi chút nhẫn nại thôi, thì có thể số phận các em sẽ khác đi. Trẻ em, lại là trẻ khuyết tật thì rất tinh ý, ai yêu thương, quan tâm các em thật lòng, các em đều biết cả. Và khi bé biết mình được thầy cô giáo dành trọn sự yêu thương, chăm chút thì giáo viên dễ kích thích được sự phát triển của trẻ.

Mỗi giáo viên ở Trường chuyên biệt Tương lai cũng đồng thời là người mẹ, người cha của học sinh. Khi họ phải đảm nhận việc hướng dẫn sao cho học sinh thuần thục các kỹ năng, từ phục vụ cá nhân, giao tiếp, kỹ năng xã hội… Càng ở lớp dưới thì công việc của giáo viên càng vất vả. Thầy Tính kể, hạnh phúc đối với mình, có khi chỉ đơn giản là sau một năm học, các em nói được từ “kẹo” khi thầy giáo đưa ra vật mẫu. “Mỗi ngày, nghe con mình nói chuyện, thấy học trò của mình quá thiệt thòi, đến nhu cầu tối thiểu của mình mà các em cũng không nói được. Để các em nghe, hiểu và phản ứng được thì thầy hạnh phúc đến trào nước mắt, những lúc ấy, có khi mình còn vui hơn cả phụ huynh nữa”. Hạnh phúc đối với người thầy giáo này là những tiến bộ dù là rất nhỏ của học trò, bù đắp những cống hiến lặng thầm thầy đang và sẽ trải qua.

HÀ TRẦN

.