Đà Nẵng cuối tuần

Nối những nhịp cầu

09:22, 05/06/2016 (GMT+7)

Sau 4 năm rời giảng đường, Trần Thị Kim Thoa làm cầu nối với các mạnh thường quân xây dựng được 4 ngôi trường mầm non cho những đứa trẻ ở vùng cao xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) và  tặng hàng trăm suất quà, bữa cháo, giúp đỡ nhiều bà con gặp hoàn cảnh khó khăn.

Kim Thoa (bìa trái) cùng các tình nguyện viên trao quà của các mạnh thường quân cho đồng bào dân tộc nghèo ở Trà Leng.
Kim Thoa (bìa trái) cùng các tình nguyện viên trao quà của các mạnh thường quân cho đồng bào dân tộc nghèo ở Trà Leng.

Hồi sinh một cuộc đời

Câu chuyện Kim Thoa (quê ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, hiện là nhân viên tại văn phòng Khoa Y Dược - ĐH Đà Nẵng) cứu đôi chân cho cháu Nguyễn Thị Nghĩa, 9 tháng tuổi, người Ca Dong ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam 3 tháng trước rất nhiều người biết đến. Thoa còn thuê phòng trọ gần bệnh viện cho mẹ con bé Nghĩa, thuê cả người chăm sóc sau khi bé có 3 cuộc phẫu thuật cắt bỏ ngón chân, điều trị bệnh viêm phế quản. Trong thời gian chờ vết thương ổn định, tránh nhiễm trùng cho bé, Thoa thường xuyên đến thăm nom.  

Bé Nguyễn Thị Nghĩa là con đầu lòng của anh Nguyễn Văn Mát (SN 1988) và chị Hồ Thị Hoa (SN 1995). Anh Mát đi làm ăn xa ở Lâm Đồng. Mẹ của bé ở nhà giữ cháu đã bất cẩn để bé Nghĩa bò vào bếp lửa. Đôi chân bị bỏng lửa cháy lên tận bẹn và hoại tử rất nặng. Đầu tháng 3-2016, Thoa nhận được tin nhắn của một người bạn tại Bệnh viện Nam Trà My về trường hợp bé Nghĩa. Lúc nhìn thấy đôi chân của bé, Thoa kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ và xin chuyển viện cho bé về Tam Kỳ rồi chuyển ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. “Suốt chặng đường từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng, bé lả đi trên đôi tay mình, em không dám nghĩ tiếp đoạn đường còn lại. Rồi khi nghe bác sĩ bảo, đôi chân bé có dấu hiệu hoại tử, có thể phải cắt bỏ 10 ngón chân. Em cảm giác như dao cứa vào lòng”, Thoa trải lòng. Những ngày sau đó, Thoa cùng các mạnh thường quân và tình nguyện viên trắng đêm chăm sóc bé Nghĩa ở giường bệnh.     

Một tấm lòng cho người nghèo khó

Với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), Trần Thị Kim Thoa là ân nhân của họ. Rời ghế giảng đường từ năm 2012, Thoa đã dành 4 năm tuổi trẻ của mình đến dạy tại các điểm trường mầm non khó nghèo của Trà Leng.

Đời sống của đa phần đồng bào Cơtu, M’Nông ở đây phần lớn rất nghèo. Quanh năm sống nhờ vào một vụ lúa rẫy. Sự học của con em dù rất được các cấp chính quyền quan tâm vẫn còn chịu lắm thiệt thòi so với đồng bằng. Suốt bao nhiêu năm, Trà Leng vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Bốn năm về trước, khi Thoa nhận công việc dạy hợp đồng ở vùng rừng núi này, để đến được những điểm trường ở Trà Leng phải rẽ rừng mà đi, lội suối mà đến. Gọi là trường nhưng thực ra rất tồi tàn, xập xệ, không điện đóm nên tối om, nhất là vào mùa mưa. Thương lũ trẻ, Thoa bật ra ý nghĩ: hay mình lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ? Chưa kịp mừng vui, thực tế đập ngay vào mắt cô: không có sóng điện thoại! Thoa lại cầm điện thoại đi khắp thôn, dò sóng để đăng hình ảnh lớp học cùng lời kêu gọi hỗ trợ. Đọc được tâm tư cô giáo trẻ, nhiều tổ chức, cá nhân đồng ý hỗ trợ. Lần lượt 4 điểm trường được xây lên trong khoảng thời gian chưa đầy 4 năm ở 3 thôn: thôn 3 - tổ Đèn Pin, thôn 2 - tổ Tak Lẻ và 2 điểm trường ở thôn 4 (nóc Ông Dũng, nóc Ông Lò). “Trà Leng đã có trường mới. Không phải một mà là tới 4 điểm trường, 8 phòng học. Cụm từ trường mới nghe sướng cái bụng!”, đi đến đâu cũng nghe bà con các thôn bàn tán xôn xao.

Để trẻ có thêm dụng cụ học tập, hằng đêm Thoa mò mẫm cắt xếp đồ chơi cho trẻ. Bốn năm bám bản, những bước chân của cô in dấu trên khắp các con đường lầy lội đến các thôn bản để vận động trẻ tới trường, làm nhịp cầu trao những tấm áo ấm, đôi dép cho các em. Thoa tự mình cầm rựa, phát quang lối đi để học trò tới lớp được an toàn. Thoa vận động khi bao muối, lúc khác chục cân gạo, dầu ăn… mang lên tặng lại cho các hộ nghèo, neo đơn. Thoa làm cầu nối giúp các tổ chức từ thiện như Hội Ong Vàng, CLB tình nguyện ĐH Đà Nẵng, Khoa Y Dược (ĐH Đà Nẵng), các hội từ thiện ở khắp 3 miền chung tay xây trường, trao quà, hỗ trợ những bữa cháo có thịt cho trẻ.

Đầu năm 2016, Thoa xin chuyển về làm nhân viên ở Khoa Y Dược (ĐH Đà Nẵng) và tiếp tục những chuyến đi từ thiện. Thoa bảo, về phố có điều kiện nhiều hơn để kết nối các mạnh thường quân, giúp đỡ người nghèo. Những ngày này, bữa cháo có thịt và sữa vẫn được Thoa làm cầu nối duy trì dưới sự tài trợ của nhóm phượt Tam Kỳ, nhà hảo tâm Bảo Kim và các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân ở TP. Hồ Chí Minh… cho 50 cháu mầm non và tiểu học ở thôn 3, tổ Đèn Pin (Trà Leng).

Nhìn việc làm của Thoa, nhìn nụ cười và ánh mắt của cô, tôi đọc thấy niềm tin, nhiệt huyết và cả một tấm lòng hướng về những mảnh đời nghèo khó.

THIÊN LAM

.