Đà Nẵng cuối tuần

Mùa hè mộc mạc

07:48, 31/07/2016 (GMT+7)

Ở chỗ mới với điều kiện cuộc sống tốt hơn, những đứa trẻ làng Vân không còn cảnh chỉ biết đứng nhìn từng đoàn tàu đi qua phía trên “ốc đảo” của mình rồi gửi vào đó bao ước mơ, khát vọng mà nay những ước mơ đó đã và đang rất gần với hiện thực. Bên cạnh những giờ chơi trò chơi dân gian, đi biển… các em đã được tham gia các lớp học năng khiếu cùng nhiều hoạt động vui chơi bổ ích.

Các em nhỏ làng Vân chơi nhảy dây chó. Ảnh: P.H
Các em nhỏ làng Vân chơi nhảy dây chó. Ảnh: P.H

Tháng 8-2012, người dân làng Vân từ giã cuộc sống cách biệt, đón nhận một cuộc sống ở tổ 13 và tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. 43 em trong độ tuổi học sinh, sinh viên, những đứa trẻ mang “linh hồn” của làng Vân giờ được sống và học tập trong môi trường đầy đủ hơn. Và mùa hè của các em cũng có nhiều đổi thay so với trước kia và luôn ẩn trong đó một sự giản dị, mộc mạc đến lạ.

Tuổi còn nhỏ, chưa thể phụ gia đình trong việc kiếm tiền mưu sinh nên Nguyễn Ngọc Nhật Hưng (lớp 3, Trường tiểu học Triệu Thị Trinh) chủ yếu ở nhà cùng ông bà ngoại. Chiều đến là khoảng thời gian để em cùng những bạn nhỏ khác chơi những trò chơi dân gian: chơi u, năm mười, cá sấu lên bờ, nhảy dây chó… trên vỉa hè hoặc dưới lòng của những con đường nhỏ chạy quanh các khu nhà, ít xe qua lại. Ngày trước, khi còn ở chỗ cũ, bước vài bước là chạm vào biển nên bố mẹ yên tâm cho các em tự đi tắm biển. Nay muốn ra biển phải băng qua đường quốc lộ nên các em chỉ được đi biển khi có người lớn đi cùng.

Trò chơi “Cá sấu bập bênh” được làm từ một tấm ván gỗ, hai lò xo cùng một cây sắt, tạo thành chiếc bập bênh đã trở thành quá vãng với các em. Khi ở đây, việc có một tấm ván gỗ để chơi không còn dễ như trước. Bù vào đó, nhiều em được chở vào phố đi siêu thị, đi công viên và được chơi nhiều trò hiện đại khác. Nhưng “tốn tiền, nên phải lâu thật lâu con mới được ba chở đi”, Hưng cười bẽn lẽn.

Vui chơi nhưng vẫn không quên chuyện học. Đa số các em nhỏ làng Vân chọn phương pháp tự học hè. Ngoài ra, một số em có điều kiện hơn thì tham gia các lớp học võ, học đàn, học tiếng Anh. Em Nguyễn Đức Quý (Lớp 2, Trường tiểu học Trưng Nữ Vương) chọn học võ để “nâng cao sức khỏe và tự vệ”. Em Nguyễn Thị Kim Yến (lớp 3, Trường tiểu học Trưng Nữ Vương) thì đi học tiếng Anh, học đàn. Đối với hầu hết trẻ em ở phố, việc được đến lớp học võ, học tiếng Anh, học đàn hay chỉ đơn giản là được bố mẹ dẫn đi siêu thị là rất đỗi bình thường nhưng đối với những đứa trẻ vùng ngoại thành này thì đó là cả một sự thay đổi lớn, chưa từng diễn ra khi các em còn ở chỗ cũ.

Theo bước chân cha mẹ

Em Lê Thị Thu Hậu (lớp 6, Trường THCS Lê Anh Xuân) cũng có một mùa hè giản dị, mộc mạc như các bạn. Ngoài ra, em còn theo cha mẹ đi biển. Ở cái tuổi 12, em phụ cha mẹ bủa lưới, kéo lưới. Hôm nào không đi biển thì em theo chân người lớn trong làng quay lại dưới chân đèo Hải Vân để bắt nghêu, sò huyết về bán. Cô bé nhỏ nhắn với làn da ngăm đen, còn tuổi ham chơi nhưng đã biết phụ gia đình kiếm tiền mưu sinh ấy lúc nào cũng nở một nụ cười tươi trên môi.

Nguyễn Ngọc Nhật Huy (lớp 6, Trường THCS Lê Anh Xuân) thì phụ cha mẹ làm nước đá. Một ngày hè của em bắt đầu vào lúc 6 giờ, em phụ bố chuyển các bao đá lên xe để đi giao cho khách. Từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng, Huy phụ mẹ cho nước vào máy làm đá rồi tranh thủ tự học. Huy bảo cảm thấy vui vì có thể phụ giúp cha mẹ, dù ngày nào cũng lặp đi lặp lại với cùng một công việc.

Có thể nói, mùa hè của trẻ em làng Vân sau khi lên bờ đã có “chất” hơn, dù có phần thiệt thòi hơn so với những bạn cùng trang lứa ở phố.

PHẠM HIỀN

.