Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Đơn châu chấu

14:51, 01/07/2016 (GMT+7)

Đơn châu chấu, còn có tên Cuồng hay Đinh lăng gai, đồng bào một số xã miền núi huyện Hòa Vang còn gọi Đinh lăng núi, tên khoa học là Aralia armata (Wall), Seem, thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae.

Đơn châu chấu còn gọi Đinh lăng núi. Ảnh: P.C.T
Đơn châu chấu còn gọi Đinh lăng núi. Ảnh: P.C.T

Đơn châu chấu là loài cây nhỏ, cao 1-2m, có thân mảnh, mang nhiều gai cong quắp. Cành mọc lòa xòa. Lá lớn, kép lông chim 2-3 lần, có 9-11 lá chét có phiến hình trứng dài 4-8cm, rộng 2-3cm, nhẵn cả hai mặt, nhưng trên gân có những gai nhỏ như sợi tơ; cuống lá có bẹ. Cụm hoa chùy gồm nhiều tán dài; cuống hoa có gai. Hoa nhỏ, màu lục, vàng nhạt. Quả hạch hình tròn, màu đen. Ra hoa tháng 4-6, có quả tháng 7-9.

Theo các nhà thực vật học, Đơn châu chấu là cây của vùng Himalaya, lan tràn qua Ấn Độ sang Lào, Việt Nam, Malaixia. Loài này mọc rải rác ven rừng, trên các nương rẫy cũ, ở độ cao 200 – 1.700m, từ  vùng núi miền Bắc, vùng núi Tây Nguyên, cho tới vùng núi các tỉnh Nam Bộ. Tại Đà Nẵng hầu hết các xã miền núi và trung du của huyện Hòa Vang đều có phân bố cây này.

Theo Đông y, Đơn châu chấu có vị cay, hơi đắng, tính ấm, vỏ rễ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, tán ứ, khu phong, trừ thấp. Rễ có tác dụng kháng sinh mạnh, có thể giải độc. Thân, nhất là lõi thân có tác dụng bổ. Lá có tác dụng tiêu độc. Liều thường dùng 10-30g rễ khô sắc nước uống; dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Để làm thuốc, người ta thu hái rễ, vỏ rễ, lõi thân, rửa sạch phơi khô. Vỏ rễ, rễ thường dùng chữa các chứng viêm như viêm gan cấp, viêm họng, viêm amygdal, viêm bạch hầu, viêm khớp, viêm thận phù thũng, sưng vú. Lại dùng chữa phong thấp tê bại, thương tích do dao chém, sốt rét cơn và rắn cắn. Lõi thân dùng làm thuốc bổ. Lá dùng đắp mụn nhọt. Nhựa của nõn non dùng chấm làm tan chắp lẹo ở mắt. Quả sao khô, tán bột thổi vào mũi chống ngạt mũi.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ, cành, lá, vỏ rễ dùng trị đòn ngã, phong thấp tê đau, đau dạ dày, viêm gan, viêm tuyến tiền liệt, viêm khớp cấp tính, viêm ruột, viêm tuyến vú, mụn nhọt, vô danh thũng độc.

Đồng bào vùng núi thường lấy lá non, chồi non về luộc hay xào ăn như các loại rau khác (do có nhiều gai nên gọi lá Rau gai). Có thể tước bỏ gai trước khi xào, nhưng ở những nõn non thì sau khi xào gai cũng trở nên mềm.

Phân tích thành phần hóa học trong lá có tỷ lệ theo g%: nước 84,5; protid 3,1; glucid 8,3; xơ 2,5; tro 1,5; và theo mg%: caroten 1,65, vitamin C 12,5; rễ chứa saponin triterpen.

Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy vỏ rễ đơn chấu có các tác dụng:

- Chống viêm, đặc biệt tác dụng ức chế khá mạnh giai đoạn mạn tính của phản ứng viêm.

- Gây thu teo tuyến ức rõ rệt, tác dụng này là một đặc tính của thuốc ức chế miễn dịch.

- Kích thích sự chuyển dạng lympho bào trong thí nghiệm nuôi cấy trong ống nghiệm, điều này chứng tỏ Đơn châu chấu có tác dụng kích thích miễn dịch.

- Có tác dụng nội tiết kiểu oestrogen trên động vật thí nghiệm.

- Kháng khuẩn đối với phế bào khuẩn và liên cầu khuẩn tan máu. Các saponin triterpen và genin acid oleanolic từ rễ Đơn châu chấu là thành phần có hoạt tính chống viêm cấp, viêm mạn và gây thu teo tuyến ức chuột cống trắng đực non.

Đơn thuốc:

1. Viêm khớp: Rễ Đơn châu chấu 10-30g sắc uống. Có thể phối hợp với Xà cừ và Mặt quỷ mỗi thứ 10g.

2. Bạch hầu, bí đái: Dùng 8-12g rễ cây sắc nước uống.

3. Rắn cắn: Vỏ rễ giã lấy nước uống, bã đắp.

4. Sưng vú: Rễ Đơn châu chấu phối hợp với vỏ cây Sảng, lá Mua đỏ, Bồ công anh và Kim ngân, mỗi thứ 20g, giã với muối, trộn nước vo gạo đắp chỗ sưng.

5. Ho lâu ngày, viêm họng, viêm amidan: Rễ Đơn châu chấu, cùng với vỏ cây Khế chua, đều 20g, sắc nước uống.

6. Hen: Rễ Đơn châu chấu 12g, rễ cây Ngấy tía 8g, rễ cây Han tía 8g, xắt nhỏ, phơi khô, sắc uống.

7. Phù thũng: Rễ Đơn châu chấu 12g, rễ cây Thóc lép 10g, lá cây Cối xay 10g, sao vàng sắc uống.

PHAN CÔNG TUẤN

.