Đà Nẵng cuối tuần

Thách thức vấn đề dân số

14:37, 01/07/2016 (GMT+7)

Dân số toàn cầu đã đạt mức 7,3 tỷ người vào giữa năm 2015, tức tăng 2 tỷ người từ năm 1990. Tỷ lệ tăng dự kiến sẽ “bền vững” khi dự báo mức 8,5 tỷ người vào năm 2030; 9,7 tỷ vào năm 2050 và 11,2 tỷ vào năm 2100. Nhưng có nhiều câu chuyện về dân số hơn cả những con số đó nữa, như tỷ lệ tăng trưởng đang chậm lại (tỷ lệ tăng trưởng chung giảm từ những năm 1970) hay nhân khẩu học đang thay đổi.

Nigeria có mức tăng dân số nhanh vào loại hàng đầu thế giới.
Nigeria có mức tăng dân số nhanh vào loại hàng đầu thế giới.

Trên toàn cầu, phụ nữ đang có ít con hơn bao giờ hết. Giám đốc bộ phận dân số của Cơ quan kinh tế và các vấn đề xã hội của Liên Hợp Quốc (LHQ) là John Wilmoth cho rằng số lượng trẻ sơ sinh đạt mức đỉnh và chúng ta sống thọ hơn. LHQ cho biết, mức sinh sản của tất cả các nước châu Âu đã ở mức thấp hơn nhu cầu duy trì dân số trong quãng thời gian dài.

Hầu hết các nước (toàn bộ châu Âu và Bắc Mỹ, một phần lớn ở châu Á và châu Mỹ Latinh) có xu hướng giảm nhỏ quy mô gia đình, với 46% dân số thế giới sống ở những nước có mức độ sinh sản thấp, phụ nữ có trung bình ít hơn 2,1 con/người. Từ năm 1960, tỷ lệ sinh giảm đáng kể ở hầu hết các nước, nhưng điều đó không tỷ lệ thuận với dân số toàn cầu giảm. Lý do là tỷ lệ tử vong giảm nhanh hơn, nhất là ở các nước có mức thu nhập thấp. Tuổi thọ trung bình toàn cầu năm 2015 là 71,4 tuổi, tăng thêm 5 tuổi so với năm 2000. Châu Phi là nơi tăng mạnh nhất nhờ cải thiện sức khỏe trẻ em và điều trị HIV hiệu quả. Khó khăn nhất là những nước đang phát triển sẽ khiến họ gặp khó khăn trong rất nhiều vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục…

Trong khi các quốc gia có mức sinh suy giảm và già hóa dân số có thể cần phải chuyển đổi nguồn lực để thu hút thêm lao động, thì quốc gia có mức sinh sản cao (đáng chú ý là Nigeria có mức trung bình 7,6 con) có thể làm nghiêm trọng thêm nhiều vấn đề trong nước, tạo ra áp lực về môi trường, y tế, nguồn lực kinh tế…

Dự báo hơn một nửa lượng dân số tăng thêm từ nay tới năm 2050 thuộc về châu Phi. LHQ nhận định các nước Angola, Burundi, CHDC Congo, Malawi, Mali, Niger và Uganda sẽ tăng dân số rất nhanh. Nigeria dự kiến sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nước đông dân thứ ba thế giới. Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cho rằng hiện có khoảng 225 triệu phụ nữ, phần lớn ở châu Phi, muốn tránh hoặc trì hoãn mang thai nhưng họ không biết cách. Đầu tư vào giáo dục là cách bền vững về việc giảm sinh. Phụ nữ hiểu rõ hơn về biện pháp tránh thai, quyền người phụ nữ, không kết hôn sớm…

ANH THƯ (Theo Guardian)

.