Đà Nẵng cuối tuần
Ba lần khóc
Đang loay hoay với việc nhà, bỗng giật mình khi nghe đứa con trai 10 tuổi vừa hậm hực sửa món đồ chơi lắp ghép xong đã đổ vỡ vừa tự than thân trách phận: “Tức quá, ngày xưa mẹ đã kết dây chuối để tập đan cho được mành lưới, vậy mà chuyện nhỏ này mình lại không làm được!”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Không nghĩ rằng câu chuyện mình từng kể cho thằng bé nghe lại có sức ảnh hưởng lớn đến vậy.
Chuyện là, ngày đó, gia đình tôi chuyển về quê nội. Một miền quê quanh năm sóng biển vỗ về, nơi đây ai cũng có nghề đan lưới, từ người lớn đến trẻ con. Theo mấy đứa trẻ làng, tôi lân la đến nhà cô Tạo hỏi thuê một trục cước và bắt chước bọn trẻ đan lưới. Hai mươi ngày sau, tôi hớn hở cùng chúng bạn đem thành phẩm tới đo chiều dài số lưới đan được để nhận tiền công. Đứa nhiều đứa ít, ai cũng có tiền. Đến lượt tôi thì “bốp!”, một cái tát trời giáng làm tôi ngã nhào xuống mương nước bên cạnh.
Đó là hậu quả cho những thước lưới đã bị tôi đan sai quy tắc làm hỏng cả trục cước, nhà tôi nghèo quá, không lấy đâu ra tiền để đền.
Tôi khóc suốt cả quãng đường dài về nhà, một bên má đến ngày hôm sau vẫn còn hằn đỏ năm đầu ngón tay. Một ngọn lửa oán hận bùng cháy trong lòng đứa trẻ mới 9 tuổi đầu là tôi. “Tôi phải đan được. Tôi phải đan giỏi…”, câu tự nhủ như một mệnh lệnh thúc giục quyết tâm trong tôi. Cũng từ đó tôi dệt lên những ước mơ rằng mình không chỉ đan lưới giỏi mà sẽ cố học hành để… báo hận! Những ngày sau đó, gặp dây gì tôi cũng nối lại và tập đan thành lưới... Nhờ chăm chỉ rèn luyện kỹ năng, chẳng bao lâu tôi trở thành một tay đan lưới giỏi nhất vùng.
Thời gian thấm thoắt trôi đi. Vào một ngày đẹp trời của năm thứ nhất đại học, tôi quyết định trở về con hẻm ấy tìm gặp bà Tạo để bà thấy là tôi không “ngu dốt” như bà nghĩ khi đánh tôi. Tôi hình dung ra cảnh bà sẽ ngạc nhiên, bối rối như thế nào khi biết tôi đã đậu đại học… Tôi sẽ rất sung sướng và tự hào vì đã trả được mối hận xưa một cách thật ngọt ngào, bởi cái tát hôm nào vẫn chưa nguôi ngoai trong tiềm thức của tôi cho tới lúc đó.
Tôi hăm hở bước vào ngôi nhà năm xưa. Vẫn là buổi chiều tàn như buổi chiều ngày thơ dại ấy. Căn nhà không thay đổi nhiều, vẫn mái hiên chái bếp bên con mương nhỏ... Lòng chợt trào dâng cảm xúc, bùi ngùi đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tôi cất tiếng rõ to “cô Tạo!” rồi kiêu hãnh chờ đợi.
Tôi không tin vào mắt mình khi từ trong bóng tranh tối tranh sáng bước ra một người đàn bà gầy guộc, già nua, nét vất vả lam lũ hằn sâu trên khuôn mặt. Cái người từng cho tôi cú tát năm nào đã không nhận ra tôi. Chỉ tôi mới ôm trong lòng nỗi căm tức gần 10 năm qua! Không nén được cảm xúc nghẹn ứ nơi cổ họng, tôi giả lả: “Cô ơi, bán cho con vài trứng vịt lộn” (nhà cô bán trứng lộn).
Cảm giác uất hận trong lòng tôi bấy lâu bỗng tan biến tự khi nào, thay vào đó sự ân hận, xấu hổ với chính mình. Tính ích kỷ, hiếu thắng đã làm mờ đục trái tim và trí óc của tôi. Trên đường về tôi đã khóc. Nếu như bài học ngày bé tôi học được là sự quyết tâm tự hoàn thiện bản thân để thay đổi cuộc sống vì lòng tự trọng bị tổn thương, thì khi đếm bước trên đường làng lúc đó điều tôi học được là lòng vị tha và cảm thông.
Giờ, sau khi nghe con trai tự than trách, tôi lại khóc lần thứ ba về câu chuyện năm nào. Tôi khóc vì biết ơn những giá trị cuộc sống. Tôi nhận ra rằng trong chua cay mới có thể cảm nhận được vị ngọt của cuộc đời và hoàn cảnh éo le có thể là động cơ thúc đẩy cho ta hành động một cách tích cực hơn. Cám ơn cô Tạo đã giúp tôi hình thành nên nghị lực để dệt lên những ước mơ. Cám ơn con trai đã cho mẹ cái trở mình sau bao lo toan vất vả, bụi trần đã cuốn trôi những cảm xúc trong lòng mẹ. Tôi đã học được nhiều điều sau ba lần khóc, bài học suốt đời tôi chẳng thể nào quên: Hãy vứt bỏ lòng thù hận để nhận lấy niềm yêu thương từ lòng bao dung và sự tha thứ.
BẠCH TUYẾT