Đà Nẵng cuối tuần

Trong ký ức người đưa đò

08:32, 14/08/2016 (GMT+7)

Ai đã từng đi về trên con sông Hàn đều không khỏi bồi hồi khi nhớ về bến phà An Hải và những chuyến đò ngang. Từ ngày có nhịp cầu Sông Hàn nối đôi bờ, bến phà giờ đây chỉ còn là kỷ niệm của nhiều thế hệ người Đà Nẵng. Trên đường đời tấp nập, ngược xuôi, những người từng lái phà, lái đò một thuở nay người còn, kẻ mất, cuộc sống của họ bây giờ thầm lặng hơn trước nhưng lúc nào lòng cũng lấp lánh niềm vui khi nghĩ về một Đà Nẵng đổi thay từng ngày.

 Đội ngũ anh em lái phà, thợ máy chụp ảnh kỷ niệm trước khi nghỉ công tác ở bến phà An Hải. Sau lưng họ là chuyến phà cuối cùng rời bến. (Ảnh do nhân vật trong bài cung cấp)
Đội ngũ anh em lái phà, thợ máy chụp ảnh kỷ niệm trước khi nghỉ công tác ở bến phà An Hải. Sau lưng họ là chuyến phà cuối cùng rời bến. (Ảnh do nhân vật trong bài cung cấp)

Khi ánh mặt trời cuối ngày dần khuất mờ sau những dãy nhà cao tầng, từng dòng xe máy hối hả ngược xuôi trở về nhà, tôi bước xuống những bậc cầu thang sắt, ngang qua phòng vận hành của Tổ quản lý và vận hành cầu Sông Hàn thuộc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng. Nghe tiếng búa gõ của anh em công nhân đang tu bổ lại cây cầu quay nổi tiếng của thành phố. Ngoài những người thợ máy và thủy thủ làm việc ở bến phà năm xưa, hiện công ty chỉ còn 2 công nhân trước đây từng lái phà đưa khách qua sông.

Ông Huỳnh Viết An, người từng có 12 năm gắn bó bến phà An Hải nhìn qua ô cửa nhỏ ở phòng vận hành hồi tưởng lại biết bao kỷ niệm đẹp. Công việc ban đầu của ông chỉ là cột dây, giúp đỡ khách lên phà, sau đi học để trở thành thợ lái. Những ngày mưa gió bão bùng, phà trôi dạt trên sông, ông cùng anh em đội phà giữ cho “con ngựa sắt khổng lồ” không bị trôi ra cửa biển. Có những ngày trời lạnh cóng, ông An cùng với anh em thủy thủ phải nhảy xuống gầm phà để gỡ rác bám vào chân vịt. Đời người lái phà theo như ông An tâm sự, dù có vất vả, áp lực nhưng lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời vì được nhiều người dân thành phố biết mặt, nhớ tên.

Vào nghề ở tuổi đôi mươi, anh Hồ Thanh Đức được xem là tay lái phà trẻ nhất của đội phà năm xưa, với 3 năm ngắn ngủi cầm vô lăng lái phụ. Trên những chuyến phà ngược xuôi hai bờ sông Hàn khi ấy, anh Đức có nhiều mối duyên thầm với những cô gái quận Ba ngày hai buổi, sớm tối qua sông. “Có những lúc rảnh rỗi chờ phà đông người, tôi thường hay lấy sách ra đọc. Nhiều cô đến làm quen mượn sách, sau đem trả bao giờ cũng kèm một phong thư hay một thỏi kẹo. Những mối tình của mình không đi đâu về đâu nhưng cũng để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc bởi nó gắn với bến phà An Hải xưa kia”, anh Đức trầm ngâm. Rất nhiều kỷ niệm khó quên về bến phà cũ như những ngày phà đông vì chở người dân bên tê sông qua phố xem bóng đá ở sân Chi Lăng, gặp lãnh đạo thành phố đi phà hay chuyện một bà mẹ đẻ con khi phà đang chạy giữa sông… cứ lần lượt hiện lên trong ký ức của những người đưa đò năm xưa.

Với những ai lỡ hẹn với chuyến phà cuối ngày thì chắc hẳn không thể nào quên chuyến đò đêm ngược xuôi trên dòng sông Hàn tĩnh lặng khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ. Tìm lại những người lái ghe máy năm xưa thật khó vì hồi đó chỉ có 4 chiếc chạy đò đêm thuộc HTX Sông Đà (cũ) hành nghề đưa khách qua sông. Một bác cho thuê ghế ở chân cầu Sông Hàn chỉ cho tôi đến gặp chú Nguyễn Ngọc Thuận (bảo vệ Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng) là người từng lái ghe máy trên bến đò gần phà An Hải năm xưa. Gần nửa đời người gắn bó với cái nghề ngược xuôi sông nước, chú Thuận kể không ít chuyện buồn vui khi nhớ lại những ngày xưa cũ. “Hồi xưa làm nghề chạy ghe máy cực lắm, phải thức đêm thức hôm, người gầy xọp đi. Làm bảo vệ, chú được 65 ký, chứ hồi đó chú có 48 ký chớ mấy. Cái nghề ni thì cực nhưng đổi lại làm mau có tiền”. Theo chú Thuận, những người trong đội chạy ghe máy của HTX Sông Đà trước kia, nay chỉ còn mình chú và người chị dâu, còn 2 người khác thì kẻ đã mất, người kia không còn minh mẫn nữa.

 Anh em công nhân Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng xem lại những bức ảnh kỷ niệm về bến phà cũ sau giờ làm.
Anh em công nhân Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng xem lại những bức ảnh kỷ niệm về bến phà cũ sau giờ làm.

Nếu đội ghe máy chỉ hiếm hoi có vài chiếc thì đội ghe chèo đò đêm ngày đó có đến vài chục chiếc. Cô Trần Thị Thanh Nga (tổ 7, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) ngày xưa từng là tay lái đò kỳ cựu ở bến phà An Hải, bây giờ bán nước mía ở đường Trần Hưng Đạo. Những kỷ niệm về nghề, cô Nga vẫn không thể nào quên được. “Nhà cô ngày xưa có đến 6 người hành nghề chèo đò chở khách. Đêm thức cùng dòng sông Hàn, cả thành phố đi ngủ nhưng bến phà An Hải vẫn nhộn nhịp, đông vui. Thường thì 12 giờ khuya đò đêm đã nghỉ nhưng có ngày phải thức để chở khách đến 1 - 2 giờ sáng”, cô Nga kể. Nhắc lại chuyến đò đêm năm xưa, cô Nga cứ nhớ mãi tiếng gọi “đò ơi” của khách như tiếng gọi vọng về từ trong sâu thẳm con tim. Không chỉ với người phụ nữ ấy mà rất nhiều bà, nhiều dì giờ đã chuyển đổi nghề hay ở nhà vui vầy với con cháu vẫn không sao quên được nhịp chèo lên xuống theo con nước sông Hàn để chở khách lỡ phà qua sông.

Những ngày đầu tháng 9 năm 1998, khi cầu Sông Hàn bắt đầu khởi công xây dựng, những người lái phà, lái đò cảm thấy nôn nao bởi họ không biết đi đâu, về đâu khi không còn làm nghề đưa đò nữa. Nhiều người ngủ không ngon giấc, ăn không yên lòng vì miếng cơm, manh áo mưu sinh vẫn còn nặng gánh trên vai. “Nhớ những ngày đầu tiên khi nhìn thấy những chiếc cọc đóng xuống dòng sông Hàn để khởi công xây cầu, lòng chú buồn lắm. Nghe tiếng cọc đóng ầm ầm mà chú cảm giác như chính những chiếc cọc đó đóng vào tim mình, đau đến quặn thắt. Nghĩ con còn tuổi ăn học, nếu mình không còn làm nghề đưa đò nữa thì lấy gì nuôi con đây”, chú Thuận rưng rưng.

Hình ảnh chuyến phà cuối cùng rời bến để lại sau lưng họ một khoảng trống vắng không gì bù đắp được. Nhiều đêm thức trắng trực cầu Sông Hàn quay, ông An thường hay nhìn về nơi góc bến phà cũ, tìm lại biết bao kỷ niệm của một “mối tình đầu” vẫn còn dang dở. Phà đã xa lâu lắm rồi nhưng trong lòng người đàn ông này vẫn không thể nào quên tháng ngày xuôi ngược trên dòng sông Hàn đón đưa những phận người qua lại hai bên bờ sông. Ông kể: “Nhiều đêm, chú nằm mơ thấy mình vẫn còn lái phà, vẫn cầm vô lăng nhìn trời nhìn nước, lòng vui như thơ trẻ.

Nhiều lúc nhớ nghề chịu không nổi, chú đi ngang qua chỗ bến phà cũ mà như vẫn còn nghe tiếng máy nổ phành phạch của chuyến phà năm xưa”. Có những anh lái phà vào nghề chỉ dăm ba năm như anh Đức thế nhưng không biết bao nhiêu lần các anh mơ về bến phà sâu nặng tình người mà khóc thầm tiếc nuối. Với người được mệnh danh là “cựu chiến binh” đội lái phà như ông Năm Đoan (tên gọi thân mật của ông Ngô Văn Đoan, hiện sống tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) thì những ngày cuối cùng chạy phà là những ngày không thể nào quên được, khi ông có đến 45 năm gắn bó với cái vị mằn mặn của dòng sông Hàn. Ông kể, khi cầu Sông Hàn mới khánh thành, nhìn dòng xe cộ qua lại nườm nượp, nỗi buồn niềm vui cứ xen lẫn trong lòng.

Phà An Hải khi đó vẫn còn chạy nhưng chỉ chở những người đi bộ, những người gồng gánh, buôn thúng bán bưng. Vài ngày sau, bến phà chính thức dừng hoạt động hẳn, ông Năm Đoan cũng nghỉ ở nhà luôn từ đó. Giờ đây đã 80 tuổi, lúc nhớ lúc quên nhưng khi nhắc về bến phà An Hải, ông không quên được hình ảnh vợ ông vẫn còn ngồi bán nước trên bến sông Hàn, nhớ người đi - kẻ ở mà rưng rưng nước mắt.

Hôm nay, không ít người đưa đò tạm hài lòng với cuộc sống hiện tại. Nhiều người cho rằng, khi chuyển lên bờ đã ổn định hơn, thong thả hơn cái nghề bấp bênh theo sông nước với đồng tiền mưu sinh đắp đổi nhất thời. Như ông An mỗi ngày trực cầu với công việc lặng lẽ hơn trước nhưng ông vẫn vui vì có người còn nhớ đến ông. Hay như chú Thuận làm bảo vệ dọc đường Trần Hưng Đạo vẫn thấy cuộc sống hiện tại thoải mái hơn cái nghề chạy phà vất vả ngược xuôi. “Đà Nẵng mình bây giờ khác nhiều lắm, nhất là quận Sơn Trà đã “thay da đổi thịt”, chừ, quận Ba bây giờ có thua gì quận Nhất đâu, cũng nhà cao tầng, cũng khách sạn, khu nghỉ mát mọc lên khắp nơi. Có cái ni mà quận trung tâm thua hẳn là bây giờ quận Ba ít có kiệt hẻm, đường phố rộng thênh thang và sạch đẹp”, chú Thuận cười tươi. Khi cầu Sông Hàn bắc những nhịp cầu mới qua sông, quận Sơn Trà đã nối lại gần hơn với quận Hải Châu. Chiếc cầu tình người mà nhân dân thành phố đồng thuận cùng làm như làn gió mới, thổi bùng sức sống cho quận Sơn Trà đi lên mỗi ngày. Khi tôi hỏi về cái mới của quận Sơn Trà sau mười sáu năm có cầu Sông Hàn, ông Năm Đoan đọc luôn mấy câu thơ do ông sáng tác: “Cầu Sông Hàn bắc ngang An Hải/Quận Sơn Trà nay đã đi lên/Công trình, kiến trúc vững bền/Dựng xây đất nước, tiến lên cho kịp người”. Giọng đọc của ông lão sắp gần đất xa trời nghe sang sảng như thanh niên. Ông chiêm nghiệm rằng, trong thế đổi mới đi lên, những gì cũ kỹ và lạc hậu sẽ dần lùi vào dĩ vãng nhưng những người lái phà, lái đò trên bến sông cũ vẫn có chút ngậm ngùi, luyến tiếc với nghề.

Bến phà An Hải giờ đây chỉ còn trong ký ức. Hình ảnh người người xếp hàng mua vé, hối hả xuống phà hay những chiếc nón trắng nghiêng nghiêng trên con đò nhỏ đã lùi về một miền xa ngái. Nhưng vẫn có những người còn trân trọng, nâng niu ký ức đẹp đó theo suốt cả cuộc đời. Bởi trong lòng họ vẫn còn có một chuyến phà để mà yêu mà nhớ, để mà thao thức cùng dòng sông Hàn trong những đêm khó ngủ nghĩ về một Đà Nẵng đã khác xưa.

HOÀNG HÂN

.