Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ

Đổi mới… mới đổi

08:09, 02/10/2016 (GMT+7)

Em nói với cái giọng của người bị đau: “Không biết tụi em thi kiểu chi nữa”. Mới lên lớp 12, điều em canh cánh là chuyện của… cuối năm học. Chẳng phải cứ yên tâm học rồi thẳng tiến tới ngày “lên đường ứng thí”, hay ngó nghiêng anh, chị ngay trước khóa mình thi kiểu gì để học hỏi vài chiêu. Giờ thì cứ đầu năm mới có… đủ cơ sở hóng cuối năm thi gì, kiểu như người ta đong gạo bữa, ăn ngày nay chưa biết ngày mai ra sao.

Cả nhà khuyên em bình tĩnh giữ “phương châm”: Học tất tần tật kiến thức trong sách giáo khoa, đề ra kiểu gì, phương thức thi biến hóa kiểu gì, đến giờ G vẫn ứng phó được như trở bàn tay. Em nghe xong chỉ thốt lên trước khi gục xuống bàn: Trời ơi! Nhiều lắm!

Em không phải học trò lười. Ít nhất 11 năm qua đã chứng minh điều đó nên khi em nói “nhiều lắm”, ý không thể học hết tất cả, cả nhà cũng chẳng trách. Với sự thay đổi phương án thi “đổi mới – áp dụng lập tức”, rồi lại “đổi mới – áp dụng lập tức”, chỉ có học sinh trường chuyên mới giữ được phần nào bình tĩnh, trong khi em và hàng tá em khác đâu phải dân chuyên, lớp chọn.

Học sinh trường chuyên thể nào cũng đã “nhai” 3 môn sở trường nhuyễn như cháo. Việc thi tốt nghiệp với 4 môn bắt buộc, 6 môn tự chọn hay 2 tổ hợp, 3 tích hợp, 4 tổng hợp gì đó, thực chất chỉ gây được chút sức ép với các em trong việc chạy đua kiến thức ở vài môn ít ỏi còn lại, ngoài các “món ruột”. Trong khi vô vàn học trò không thuộc dân chuyên (vì lý do không thích học trường chuyên hoặc chưa đủ giỏi để vào trường chuyên), mọi môn học, mọi bài vở như mênh mênh mang mang và nếu không có “mưu kế” ứng phó phù hợp với phương án thi trước mắt thì khó mà ôm đồm. Nói em cứ học chắc những gì có trong bộ sách giáo khoa thực ra chỉ là lời an ủi, hơn ai hết, em hiểu điều đó là không thể.

Những thay đổi trong thi cử gần đây đều với mục đích biến chuyện thi thố vốn tốn kém thời gian, công sức, rườm rà, trở nên ít mất công, mất sức hơn cho người thi lẫn người tổ chức thi. Nhưng nhìn em lại thấy ý nghĩa tốt đẹp này dường như chưa ăn nhập. Em giống bệnh nhân chờ kết quả chẩn đoán từ bác sĩ. Hồi hộp, lo lắng, buồn rầu, hoang mang…

“Đổi mới” từ bao giờ như là anh em song sinh với “thi cử”. Trước em 1, 2, 3, 4… và nhiều nhiều khóa, “đổi mới” đã được gánh trên vai trọng trách làm thay đổi cuộc đời “thi cử”. Và sau khóa này, như Bộ Giáo dục và Đào tạo nói, “đổi mới” sẽ còn đồng hành với “thi cử” trong những năm kế tiếp. Cuộc sống vốn là chuỗi vận động, đổi mới không ngừng nên chẳng có lý do gì phương án thi cử lại đứng yên một chỗ. Kiến thức đổi mới, những thế hệ đổi mới, thi cử đương nhiên cũng đổi mới cho phù hợp. Nhưng dường như với những gì đang diễn ra, “đổi mới” chỉ là mỹ từ để gọi tên cho “thay đổi” trong thi cử. Đổi nhưng chưa chắc mới, bởi cái vừa được đổi có thể ngay lập tức bị phủ nhận và lại bị đổi.

Thôi thì chẳng còn cách nào khác, em phải chịu khó thay đổi mình để kịp với sự đổi thay thi cử, dẫu biết là loay hoay.

C.B

.