Đà Nẵng cuối tuần

Đào tạo theo thị trường lao động

08:01, 02/10/2016 (GMT+7)

Theo thống kê của nhiều trường CĐ sau đợt làm thủ tục nhập học của những thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ vừa qua, cho thấy thị trường lao động đã tác động lớn đến xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh trên con đường lập thân, lập nghiệp...

Giờ thực hành của sinh viên khối kỹ thuật.
Giờ thực hành của sinh viên khối kỹ thuật.

Thí sinh quan tâm nhiều hơn đến đầu ra

B’Linh Hữu Phước, tân SV trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) trúng tuyển ngành Công nghệ ô-tô với số điểm 21,75 điểm. Trong số 4 nguyện vọng của đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ 2016, ưu tiên số một của Hữu Phước là được vào học Trường CĐ Công nghệ, sau nữa mới đến Trường ĐH Bách khoa. Phước lý giải: “Em chọn theo học sửa chữa ô-tô tại Trường CĐ Công nghệ vì sẽ có điều kiện để học thực hành nhiều hơn, dễ dàng đáp ứng yêu cầu về tay nghề khi tuyển dụng lao động, thời gian học cũng ngắn hơn”. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến năm nay, Trường CĐ Công nghệ phải mở 5 lớp cho ngành Công nghệ ô-tô thay vì 2 lớp như dự kiến ban đầu do số lượng thí sinh đăng ký học tăng đột biến.

Theo thống kê của Trường CĐ Công nghệ, trong số 1.012 nhập học đợt 1, có 184 thí sinh có mức điểm từ 18 điểm trở lên, chiếm 18,2%; từ 15 điểm trở lên có 624 em, chiếm 61,6%. PGS, TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là con số rất đáng trân trọng trong bối cảnh nhiều trường ĐH không đủ chỉ tiêu tuyển sinh như hiện nay”.

Trong khi đó, thống kê của Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng cho thấy, có 539/1.009 thí sinh nhập học có tổng điểm 3 môn của kỳ thi THPT quốc gia theo tổ hợp xét tuyển từ 15 điểm trở lên, chưa tính điểm ưu tiên.

Không chỉ chọn theo học trường CĐ, nhiều thí sinh còn có xu hướng chọn các khóa đào tạo nghề ngắn hạn để học. Bà Trần Uyên Giang, Trung tâm đào tạo nghề Reach Đà Nẵng cho biết: “Hai năm trở lại đây, năm nào cũng có những học viên tuy đã đỗ ĐH, CĐ nhưng vẫn chọn theo học tại trung tâm. Học phí thấp, thời gian thực hành nhiều và cơ hội tìm kiếm việc làm cao với mức thu nhập ổn định… là những ưu điểm khiến đào tạo nghề ngắn hạn trở thành xu thế nghề nghiệp mới. Các học viên theo học tại Reach Đà Nẵng đều được giới thiệu việc làm, tỷ lệ có việc làm của mỗi khóa học bảo đảm từ 85-90%”. Hiện Trung tâm Reach Đà Nẵng đang triển khai đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, tập trung vào các ngành nghề: nghiệp vụ buồng - phòng, nghiệp vụ bàn - bar, thiết kế đồ họa. Đây cũng là các nghề chủ yếu thị trường lao động của thành phố đang thiếu, nhất là lao động có tay nghề, doanh nghiệp không mất quá nhiều thời gian đào tạo lại khi tuyển dụng.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường

Có một yếu tố trong tư vấn tuyển sinh mà có thể thời gian tới các trường sẽ quan tâm nhiều hơn, đó là “khóa trước mách nước cho khóa sau”. Nếu những SV khóa trước sớm có việc làm, tỷ lệ có việc làm cao thì việc tuyển sinh của những khóa sau rất thuận lợi. Bởi khi xác định sẽ vào học một trường nào đó, các em sẽ hỏi ý kiến các anh chị khóa trước về chuyện học, chuyện công việc sau khi ra trường.

Nhu cầu của thị trường lao động sẽ tác động đến kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ; tác động đến công tác đào tạo của các trường. Bởi thị trường lao động một mặt nào đó đã tác động đến việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh. Như ngành Tài chính ngân hàng… sau một thời gian dư thừa, khó tìm được việc làm, thí sinh ít lựa chọn; trong khi ngành cơ khí, công nghệ ô-tô… trở nên hút thí sinh hơn trong 2 năm qua.

PGS, TS Phan Cao Thọ cho biết: “Chúng tôi chủ trương chuyển từ đào tạo cái mình có sẵn sang đào tạo những gì thị trường lao động cần. Nhà trường phải phân tích tình hình cũng như tự tìm hiểu thông tin về dự báo nguồn nhân lực để có những điều chỉnh trong chương trình đào tạo cũng như chỉ tiêu tuyển sinh. Ngoài kết hợp với doanh nghiệp trong chương trình tư vấn tuyển sinh như là một cam kết về việc làm và chất lượng đào tạo đối với người học, Trường CĐ Công nghệ còn tăng cường công tác thực tập, kiến tập doanh nghiệp với chương trình Học kỳ doanh nghiệp để SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế. Các cuộc thi kỹ năng thực hành, thí nghiệm cũng được nhà trường tổ chức thường xuyên như là một cách để gắn kết lý thuyết với thực hành, ứng dụng”.

SONG LINH

.