Đà Nẵng cuối tuần

Sống ở chung cư

06:53, 09/10/2016 (GMT+7)

Sống ở chung cư (CC) đã trở thành xu thế tất yếu đối với cư dân của các đô thị hiện đại và đô thị càng hiện đại càng kéo theo sự phát triển theo hướng quy mô, thuận lợi của các khu CC.

Chung cư Lê Đình Lý là chung cư đầu tiên được xây dựng ở Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Chung cư Lê Đình Lý là chung cư đầu tiên được xây dựng ở Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Ở Đà Nẵng, CC được xây dựng đầu tiên là CC Lê Đình Lý, nằm bên đường cùng tên trên địa bàn phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, khởi công tháng 4-1997 (chỉ sau 3 tháng Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương) và hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 11-1998. Đến năm 2005, theo số liệu của Sở Xây dựng Đà Nẵng, thành phố có thêm 6 CC nữa, gồm các CC: Vũng Thùng, Khuê Trung, Thuận Phước, Hòa Minh, Trần Cao Vân và Bắc Mỹ An. Cả 7 CC ra đời sau này tương ứng với 1.167 hộ dân. Đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng hoàn thành 41 khu CC và nhà liền kề với 8.992 căn hộ đã đưa vào sử dụng, đã bố trí cho thuê 8.642 căn, còn trống 350 căn hộ.

Gần 9.000 căn hộ CC thuộc diện nhà ở xã hội này được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, phục vụ an sinh xã hội của thành phố, bố trí cho thuê đối với người nghèo, hộ chính sách, cán bộ, công chức, viên chức khó khăn về nhà ở. Ông Nguyễn Bá Bình, Giám đốc Công ty Quản lý nhà CC Đà Nẵng (trực thuộc Sở Xây dựng), cho biết: “Các trường hợp hộ dân thuộc diện hộ nghèo thì được miễn giảm tiền thuê nhà CC theo chuẩn nghèo của thành phố (có giấy xác nhận của Phòng LĐ-TB&XH quận nơi cư trú), công ty thực hiện miễn giảm 60% đến 100% tiền thuê nhà CC cho từng đối tượng quy định như hộ nghèo, hộ chính sách… theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ. Đây chính là cái gốc chính sách an sinh xã hội của thành phố, bảo đảm thực hiện chương trình “Thành phố 3 có”, trong đó có nhà ở và chương trình “Thành phố 4 an” hiện nay”.

Trước đây, vì nhiều lý do, không gian sinh hoạt cộng đồng tại các khu CC chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến một số bất cập nhất định trong đời sống của các cư dân tại đây. Đến nay, các khu CC xây mới từ nguồn vốn ngân sách đều có khu vực sinh hoạt cộng đồng ở tầng trệt để phục vụ hội họp, ma chay, hiếu hỷ... Thêm vào đó, hành lang ở mỗi tầng cũng đủ rộng để các hộ có thể tổ chức các hoạt động ở tầng mình như: tiệc đầy tháng, thôi nôi, tất niên... Ông Bình cho biết thêm, đối với các khu CC cũ không có thiết kế phòng sinh hoạt cộng đồng thì có sảnh ở tầng trệt đủ rộng, vừa để xe vừa có chỗ để sinh hoạt chung khi có việc đột xuất.

Đối với một số CC do các doanh nghiệp xây dựng, không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng còn hạn chế, như CC thương mại Sunhome, CC Blue House… Hiếu hỉ thì các hộ ở các CC này còn có thể thuê nhà hàng, nan giải nhất vẫn là việc tang ma. Giải pháp đưa ra ở 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho vấn nạn này là nhà tang lễ (Hà Nội có 7 nhà tang lễ gần như trải đều trên địa bàn, đáp ứng cho nhu cầu lễ tang của xã hội). Đà Nẵng, hướng đến một đô thị văn minh, ngày 27-10-2015, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ ký Công văn số 8405/UBND-QLĐTư về việc chủ trương đầu tư công trình Nhà tang lễ với kinh phí gần 2 tỷ đồng tại số 86 Lê Đại Hành, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.

Trở lại với vấn đề CC, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho biết, các khu CC ở Đà Nẵng tập trung chủ yếu quận Sơn Trà, “vì đây là quận mới với dân số thưa, thành phố chủ trương quy hoạch các khu CC xa trung tâm nhằm giãn mật độ dân cư trong các quận trung tâm”.

Nhu cầu về nhà ở trên địa bàn thành phố là rất lớn, trong khi đó thành phố chỉ ưu tiên bố trí cho thuê CC đối với các đối tượng là hộ giải tỏa, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có công cách mạng, hộ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thu hút nguồn nhân lực của thành phố (cụ thể theo Thông báo số 25/TB-HĐND). Cũng theo ông Nam, hiện các khu CC khi bàn giao hầu hết đã lấp đầy, chỉ chừng 350 căn hộ thành phố để lại nhằm ưu tiên bố trí cho các hộ thuộc các diện nói trên.

So với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì số lượng CC hiện có của Đà Nẵng chưa là gì cả. Thế nhưng, với xu thế tất yếu đối với cư dân của các đô thị hiện đại là sống ở CC, sự phát triển của CC tỷ lệ thuận với sự phát triển của đô thị, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều CC nhà ở xã hội lẫn CC thương mại. Vấn đề đặt ra là các khu CC phải đáp ứng được các nhu cầu thiết thân của con người thì mới mong được người dân mặn mà lựa chọn.

Điều kiện được tiếp nhận đơn, xem xét giải quyết xin thuê chung cư

1. Đối tượng xin thuê chung cư thuộc diện ưu tiên 1

a) Phụ nữ đơn thân thuộc hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo, đang nuôi con;

b) Gia đình thuộc hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo;

c) Gia đình diện chính sách, có công Cách mạng (những đối tượng đang được hưởng chế độ chính sách đối với người có công);

d) Cán bộ thuộc diện thu hút của thành phố, đã lập gia đình, đang nuôi con;

e) Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác từ mười (10) năm trở lên, đã lập gia đình, đang nuôi con;

2. Đối tượng xin thuê chung cư thuộc diện ưu tiên 2

a) Phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi con;

b) Gia đình thuộc hộ nghèo;

c) Gia đình diện chính sách, có công Cách mạng (những đối tượng đang được hưởng chế độ chính sách đối với người có công);

d) Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác từ năm (5) năm trở lên, đã lập gia đình, đang nuôi con.

(Nguồn: Thông báo số 25/TB-HĐND ngày 22-5-2013 của HĐND thành phố Đà Nẵng về điều kiện được tiếp nhận đơn, xem xét giải quyết việc xin thuê chung cư của công dân trên địa bàn thành phố)

VĂN THÀNH LÊ

.