Đà Nẵng cuối tuần

Trong ngôi nhà chung

07:17, 09/10/2016 (GMT+7)

Ở cùng một khu chung cư, không hẹn mà gặp, những con người tứ xứ sống quần cư trong cùng một dãy nhà, một block trên dưới một trăm căn hộ. Chừng đó là từng phận đời, với những công việc khác nhau, lối sống khác nhau, suy nghĩ khác nhau, nhưng ở trong những căn hộ giống nhau về kiểu dáng nên cái sự quần cư ấy ít nhiều cũng làm thay đổi lối sống của nhiều người.

Các chung cư ở Đà Nẵng, mỗi khu nhà là một tiểu cộng đồng.Ảnh: H.L
Các chung cư ở Đà Nẵng, mỗi khu nhà là một tiểu cộng đồng.Ảnh: H.L

Thông thường cư dân một khu chung cư (CC) là sự nhóm họp ngẫu nhiên, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng riêng ở Đà Nẵng, cư dân các khu CC vốn có nhiều nét tương đồng, được bố trí ở cùng một block. Như một số khu CC nằm trên địa bàn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, dành cho những hộ dân “nhà chồ”, nhà tạm thành phố giải tỏa để làm đường Trần Hưng Đạo; CC Vũng Thùng gồm 6 block từ A1 đến A6 vốn dành cho những người là cán bộ, công chức, viên chức diện thu hút nhân tài của thành phố; CC C2 với khu nhà A chủ yếu dành cho giới công chức, nhà C dành cho phụ nữ đơn thân; CC Hòa Thuận (quận Hải Châu) dành chủ yếu cho các tiến sĩ, thạc sĩ đang công tác ở các trường đại học và những nhân tài được thành phố mời về làm việc… Sự khác biệt không lớn giữa cư dân trong các block CC giúp mỗi hộ gia đình sống tương đồng, hài hòa với những hộ xung quanh. Và lối sống đô thị vốn khép kín với mỗi người vì thế cũng không bị ảnh hưởng nhiều lắm bởi những cái chung đó.

Sự hình thành những tiểu cộng đồng ở các khu CC thuộc thành phố quản lý hình như ảnh hưởng luôn đến những khu CC thương mại, khi ở đây cư dân cũng chủ yếu là những người làm công ăn lương hoặc công chức.

Bà Nguyễn Thị Hoa, tổ trưởng tổ dân phố 46, CC 301 Trần Cao Vân vẫn còn xúc động khi kể chuyện gia đình mình cách đây gần hai năm. Hồi đó chồng bà mắc bệnh, rồi mất. Bà nghĩ mình sống ở CC, nhà chật nên không thể quàn chồng ở nhà, dự tính sẽ đưa ông vào nhà tang lễ Bệnh viện C. Vậy là bà con trong khu CC bàn tính, để ông ở nhà sinh hoạt cộng đồng, vừa gần nhà, vừa có bà con lối xóm cho ấm cúng.

Rồi mỗi người xúm lại giúp một tay, các chiến sĩ thuộc đơn vị Phòng cháy chữa cháy, Thanh tra giao thông thành phố làm việc trong khuôn viên khu CC đã cùng gia đình lo chu tất cho đám tang. Bà Hoa cho rằng, với 95% gia đình trong khu CC này là công chức, giáo viên, bộ đội… nhận thức tốt, sống với nhau rất tình cảm, đoàn kết, đến với nhau những khi gia đình khác có chuyện, nên mỗi gia đình xem nơi mình sống như một ngôi nhà lớn. Nhất là khi CC 301 này có bờ tường bao quanh, ai đi vào đi ra đều qua một cái cổng chung, quen biết nhau hết nên chuyện gì lớn bé là chuyện chung mỗi người đều có ý thức vun đắp, giữ gìn. Từng gia đình cũng sống hòa nhã với nhau. Chưa bao giờ bà Hoa phải làm “động tác” là can thiệp hay là “hòa giải viên” khi có gia đình bất hòa.

Ở Blue House - CC thương mại trên đường Hồ Hán Thương, quận Sơn Trà, chị Thu Hà, ở tầng 6, tổ 120C cho biết, sau khi các hộ dân dọn về đây ở vào cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, các nhà thống nhất gom ve chai, vỏ lon... vào một cái kho, cứ đầy kho là bán lấy tiền để tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Trung thu cho các cháu; rồi thăm hỏi những khi có ai ốm đau. Việc có một nguồn quỹ chung, vừa bảo đảm vệ sinh sạch sẽ được mọi người ủng hộ, và tạo nên tình thân giữa các gia đình, khi mỗi người xem hàng xóm của mình là người thân, gần gũi nhất, vì ai cũng xa quê đến đây lập nghiệp. Cũng ở CC này, bà chủ tiệm tạp hóa Hải Hà nhiều năm nay đặt một thùng từ thiện ở tiệm của mình. Ai có bao nhiêu thì góp bấy nhiêu. Số tiền góp ấy được chị chủ tiệm tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Trung thu vừa qua, 100 suất quà là bánh kẹo và đèn ông sao được chị chủ tiệm gửi tặng đến đám trẻ con trong khu CC.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, tổ trưởng tổ dân phố 70B, CC C2 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, những khu CC dành cho cán bộ, công chức bao giờ cũng sạch, đẹp, an ninh trật tự tốt hơn các khu CC khác, do mỗi người đều có ý thức giữ gìn môi trường sống xung quanh. Từ đó, chuyện ăn nói, đối đãi với nhau cũng lịch sự, ôn hòa. Năm 2015, có hai người ở tổ 70A và 70B bị tai nạn và mắc bệnh nặng, cả block nhà gồm 3 tổ dân phố, trên 100 hộ dân đã quyên góp tiền, tổ chức đến bệnh viện thăm hỏi hàng xóm của mình. Hàng xóm ấy có thể không biết mặt do sống khác tầng, khác tổ của nhau, nhưng sẵn sàng tương trợ nhau khi khó khăn. Còn chuyện ở cùng một tầng, gồm 16 căn hộ, nhà nào có chuyện gì như bố mẹ ở quê bệnh nặng hay qua đời, chị em nào sinh nở hay đứa bé nào đau ốm, các chị em đều tổ chức đi thăm hay gửi quà. Tình thân ấy nảy nở khi mỗi gia đình sống gần nhau, biết quan tâm đến nhau, đúng như câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Ở CC nhà công vụ dành cho chiến sĩ Hải quân ở số 83 Yết Kiêu, quận Sơn Trà, tình thân là điều được các chị em ở đây nhắc đến nhiều nhất. Các ông chồng đều là đồng nghiệp của nhau, các gia đình sống cạnh nhau, không hẹn mà gặp, lại yêu thương nhau như chị em ruột thịt. Nhà có miếng gì ngon cũng ới nhau, chia cho hàng xóm. Ngày Tết, ngoài bữa cơm Tất niên ăn chung, nhà ai có con nhỏ không nấu được cơm khi chồng còn bận trực Tết ở đơn vị, thì qua nhà hàng xóm ăn chung. Món mứt gừng, mứt dừa, bánh thuẫn, nhờ chị em hàng xóm chỉ cho từng ly từng tí, mà nhiều nhà đã tự tay làm. Tình thân ấy giúp bao người được sống trọn vẹn giữa yêu thương, và hiểu hơn sự chia sẻ, đồng cảm của “láng giềng gần”.

Tuy nhiên, không phải khu CC nào cũng có được những hình ảnh tốt đẹp, thân thiện như vậy. Vẫn còn đó những khu CC nhếch nhác từ vệ sinh môi trường cho đến ứng xử văn hóa… Vì vậy, đã đến lúc cần thiết phải xây dựng một tiêu chuẩn về ứng xử văn hóa, văn minh trong các khu CC của thành phố, góp phần thực hiện tốt chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, hướng đến một thành phố thân thiện và đáng sống…

HIỀN LƯƠNG

.