Đà Nẵng cuối tuần

Học để thi hay thi để học?

06:54, 09/10/2016 (GMT+7)

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT 2017, nhiều phụ huynh gấp rút tìm chỗ luyện thi trắc nghiệm cho con, một số trường THPT cũng bắt đầu điều chỉnh phương án dạy - học để thích ứng với cách thi mới. Một lần nữa, câu hỏi “học để thi hay thi để học?” lại trở nên nóng hơn khi có những đổi mới trong thi cử.

Các thí sinh trúng tuyển hoàn chỉnh hồ sơ nhập học năm học 2016 tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: H.T
Các thí sinh trúng tuyển hoàn chỉnh hồ sơ nhập học năm học 2016 tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: H.T

Cần phải xem thi cử là một khâu tất yếu của quá trình học chứ không phải là mục đích cuối cùng của việc học thì người học mới có hứng thú và có động cơ học tập đúng; người dạy nhờ đó cũng có được sự hứng thú, tự tin trong giảng dạy. “Cái đích cuối cùng của việc dạy - học, không chỉ ở chỗ học sinh (HS) học được cái gì, mà quan trọng hơn cả là các em có được những kỹ năng gì, làm được gì sau việc học đó. Và để làm được điều này, HS nhất thiết phải được trang bị phương pháp học và rèn khả năng tự học”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhìn nhận. Bởi, sau cấp THPT, khi bước vào môi trường đào tạo bậc ĐH, CĐ, những vấn đề về học tập, nghiên cứu có những yêu cầu mới.

“Mất lửa” học tập

GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trong một hội thảo về chất lượng giáo dục ĐH, đã nêu vấn đề thái độ học tập của sinh viên (SV) năm thứ nhất: “Tại sao với đầu vào là những HS đã được sàng lọc qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ lại có thể “mất đà” ngay từ năm thứ nhất?”. Ngoài tâm lý “nghỉ xả hơi” sau kỳ thi THPT quốc gia đầy căng thẳng, một trong những nguyên nhân được đưa ra là do SV chưa thích ứng được với phương pháp học ở môi trường học tập mới. Đại học là cách học chủ động, vì vậy nếu như người học chỉ áp dụng cách học của THPT, chờ người chỉ dẫn, nhắc nhở thì sẽ rất khó đạt kết quả như mong muốn.

Sự thụ động trong học tập của SV đang là vấn đề bức xúc vì những biểu hiện của nó ai cũng có thể nhìn thấy một cách dễ dàng: SV thiếu đầu tư, quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện cá nhân; không chú trọng sắp xếp như thế nào, phải làm gì để đạt kết quả tối ưu trong học tập.

SV thiếu quan tâm, không nắm vững chương trình học toàn khóa, chương trình học của từng năm, từng học kỳ; ít chú trọng đến mục đích của từng học phần mà chỉ quan tâm đến nội dung trong học phần đó nhằm mục đích đối phó trong thi cử. Việc tự học, tự nghiên cứu trong SV còn quá thiếu và yếu; việc chuẩn bị bài ở nhà chưa được SV xem trọng, nếu có chuẩn bị thì còn quá sơ sài, nhằm đối phó với giảng viên (GV) là chính, không đọc tài liệu, tìm hiểu về bài học trước khi đến lớp nghe giảng cho dù đã có chương trình học, giáo trình, tài liệu. Phần đông SV thiếu sự tập trung khi học tập, không chủ động tiếp thu kiến thức, hoàn toàn dựa vào sự chỉ bảo, hướng dẫn của GV, rất ít khi thắc mắc về nội dung học tập hay phát biểu ý kiến trong lớp; SV chỉ học và thực hiện những gì do GV yêu cầu…

GV Lê Thị Mỹ Dung, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng cho biết: “Những câu hỏi mà GV nêu ra trong giờ giảng thường nằm trong phạm vi hiểu biết và có thể trả lời của SV, nhưng rất ít khi có cánh tay nào giơ lên. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến không khí học tập trong lớp. Nó gây ra một cảm giác rất áp lực mỗi khi thầy cô đặt câu hỏi. SV thì cảm thấy áp lực, còn GV cũng cảm thấy chán nản vì chỉ có sự làm việc một chiều. Có lần, trong lúc đặt vấn đề cho SV trả lời, tôi đã không kìm chế được mà phải bực dọc thốt lên: Trời ơi, sao các em thụ động dữ vậy, các em mong học tập theo phương pháp mới, phát huy tính năng động, sáng tạo của mình nhưng chính các em đã “phản” lại mình”.

GV Lê Hà Như Thảo và Trần Lương Nguyệt, Trường CĐ Công nghệ thông tin (ĐH Đà Nẵng) thì kể hai câu chuyện do chính SV kể lại, để minh chứng cho sự thụ động của SV trong học tập: “Mỗi khi GV có câu hỏi và yêu cầu SV thảo luận tìm câu trả lời thì không khí lớp học trở nên căng thẳng. Lớp học đông, GV cứ đứng trên bục giảng kêu gọi sự tự nguyện đóng góp ý kiến của SV, ở dưới, SV cứ cúi mặt xuống bàn”. Trong khi đó, một SV cho biết: Cứ mỗi lần thầy nói nhanh thì ở dưới lại nhao nhao: “Thầy ơi, thầy nói lại đi thầy ơi!”, thế là thầy nói lại cho chép, thầy nói thật chậm, không đọc mà chỉ gần như đọc. Nhiều bạn thích thầy đọc bài cho chép để đến khi thi cuối kỳ sẽ học theo nội dung đó, viết lại những gì GV đã đọc thì chắc chắn sẽ không bị trừ điểm.

Học cũng như đi cầu thang

Mới đây, trong Lễ khai giảng năm học 2016 - 2017 và đón tân SV nhập học, thầy Lê Cung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng nhắn nhủ: “Chuyển sang môi trường học tập mới, các SV năm thứ nhất cần có phương pháp học tập phù hợp đối với hình thức đào tạo tín chỉ: Cần hình thành, phát triển thói quen tự học, tự nghiên cứu; cần nắm rõ và chấp hành quy chế, quy định đào tạo và thực hiện đúng thông báo của nhà trường; tích cực trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng mềm”. Thầy Lê Cung nhấn mạnh: “Để đạt trình độ ngoại ngữ đầu ra bậc 3, bậc 4, các em cần phải kiên trì dành thời gian để tích lũy nó mỗi ngày. Đối với kỹ năng mềm, SV cần chủ động tham gia các chương trình ngoại khóa, các hoạt động Đoàn, Hội, các Câu lạc bộ đội nhóm… càng nhiều càng tốt để tích lũy thêm các kỹ năng cần thiết cho công việc sau này”.

Đối với phương thức đào tạo học chế tín chỉ, thái độ học tập của SV có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo trong điều kiện thời gian trên lớp của SV giảm gần ½ trong khi lượng kiến thức không hề giảm. Mới đây, trong một đoạn phim ngắn về kỹ năng thích nghi với môi trường ĐH, TS tâm lý Hoàng Nguyễn Khắc Hiếu đã khuyên các tân SV: “Cần phải học kỹ năng quản lý thời gian, tự chủ kế hoạch học tập. Học hành như leo cầu thang, trong khi bạn bè nó leo rần rần còn mình ngồi ở nhà coi mây họa ánh trăng thì sau 4 năm chỉ có nước ngước đầu lên nhìn bọn nó mà lệ chảy giọt ngắn giọt dài thôi”.

Cũng trong đoạn phim này, TS Hoàng Nguyễn Khắc Hiếu còn chỉ ra điểm khác biệt trong cách học và thi giữa phổ thông và đại học: “HS phổ thông chỉ cần học và thi y như nội dung học trên lớp là có thể được điểm cao nhưng với SV, học và thi y như trên lớp thì chỉ nhận được điểm trung bình. Học ĐH là tự tư duy và học bằng trải nghiệm thực tế. Một SV thành công phải có 3 thứ: chuyên môn – kỹ năng – thái độ. Thường SV hay bỏ quên hai yếu tố sau, thậm chí ngay cả yếu tố chuyên môn nhiều khi cũng thiếu nốt. Nếu vậy, bạn tốt nghiệp sẽ chỉ mới đạt chưa tới 33% so với yêu cầu của xã hội thôi đấy!”.

HÀ TRẦN

.