Đà Nẵng cuối tuần
Ngưỡng vọng Chân dung 25 người thầy
Với độ dày hơn 320 trang, tập sách của PGS.TS Trần Hữu Tá có tiêu đề là Từ bục giảng đến văn đàn (Nxb Trẻ, 2015), nhưng tôi thích cái tiêu đề phụ Chân dung 25 người thầy hơn, trong đó có người là thầy giáo cũ của tôi như các GS Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, có người là thầy hướng dẫn luận án “phó tiến sĩ bất thành” của tôi như GS Phong Lê, nhưng kể cả những người tôi không may mắn được thụ giáo trên bục giảng ngày nào, nhưng trên văn đàn đều là những người thầy đáng kính theo đúng nghĩa của từ này - những nhân cách cao đẹp, bên trong chứa đựng những kho tàng tri thức suốt đời tôi ngưỡng vọng.
Không nói đâu xa, với chính tác giả Trần Hữu Tá, gần nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, ngoài các công trình trọng điểm của Nhà nước mà ông là đồng tác giả (sách giáo khoa Văn lớp 11, Văn lớp 12, Văn học Việt Nam 1945-1975, Tự điển văn học), ông còn là tác giả của các công trình như Vũ Trọng Phụng với chúng ta (1996), Nhìn lại một chặng đường văn học (2000), và hơn ai hết, ông cũng là bậc thầy, là một trong những tấm gương đáng ngưỡng vọng đó.
Những nhà giáo – văn nhân mà tác giả phác thảo chân dung hầu hết đều là những người ông đã từng gặp, những người thầy đã từng dạy ông (Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nghiêm Toản, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Văn Giàu, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai), những đồng nghiệp thuộc vào bậc đàn anh (Giản Chi, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Lý, Nguyễn Đổng Chi, Lê Đình Kỵ, Trần Bạch Đằng) hoặc bạn bè cùng thế hệ (Nguyễn Đăng Mạnh, Văn Tâm, Nguyễn Khắc Phi, Phong Lê), trong đó có cả những trí thức/ học giả đã sinh sống, hoạt động và hành chức ở các đô thị miền Nam trước năm 1975 (Nghiêm Toản, Nguyễn Đình Đầu, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Phạm Thế Ngũ, Thẩm Thệ Hà). Có ba người ông chưa từng gặp, nhưng qua hành trạng cuộc đời và trước tác để lại, nhất là sức sống lâu bền trong tâm tưởng thế hệ cùng thời, cũng đủ cho ông phác thảo diện mạo tinh thần hết sức sống động: Trương Vĩnh Ký, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Nguyễn.
Bài Trương Vĩnh Ký, người thầy, nhà văn hóa lớn đặt ở đầu sách, là bài viết tâm huyết với những cứ liệu đầy sức thuyết phục, có tính lịch sử - cụ thể và sự sẻ chia thấu tình đạt lý. Những phác thảo chân dung về những người đã từng có mối tri giao/ hạnh ngộ, nên “nét chung nhất của những bài viết trong tập sách này là sự kết hợp văn phong khoa học và nghệ thuật khắc họa chân dung” (Thay lời bạt của GS.TS Huỳnh Như Phương, tr.318). Người viết luôn ở tâm thế của một người đang phác thảo chân dung khoa học/ trí thức lớn, tiếp nhận tri thức uyên bác có giá trị học thuật, với thái độ cẩn trọng, nhưng lại luôn để tuôn tràn những cảm xúc, thông qua các chi tiết đời thường được chọn lọc mang nội dung mỹ cảm đặc sắc, nên có bài, có đoạn thấm đẫm chất hồi ký, trở thành những ký chân dung sâu sắc, như các bài viết về Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh,
Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Văn Tâm… Đó cũng là những bài viết mà dường như tác giả không chỉ dốc hết tâm huyết, tình cảm thẩm mỹ, mà còn trân trọng, cẩn trọng từng câu chữ, đầy ắp những ấm áp, ngọt ngào.
Trên cái nền chung là sự khẳng định về đức độ và tài năng của mỗi người, chuyển động trên cái trục ngang là hai lĩnh vực dạy và viết (cũng là nhằm để dạy người), trải dài theo cái trục dọc là hành trạng cuộc đời mỗi người, nhưng tác giả khắc họa mỗi người mỗi màu sắc khác nhau. Mỗi người đều có một “lý lịch trích ngang” về nhân thân (kèm theo ảnh chân dung), sự nghiệp trên bục giảng và trên văn đàn, sau đó là giới thiệu và phân tích một cách khái quát những cống hiến xuất sắc của từng người, nhưng ở mỗi người tác giả đều có sự phát hiện, đều “lẩy” ra những vấn đề cốt tử, nổi trội làm nên bản chất của diện mạo tinh thần cho hậu thế soi mình. Chỉ cần đọc các tiêu đề, có thể nhận ra điều đó: Đặng Thai Mai, học giả, người thầy; Đào Duy Anh, nhà từ điển học và sử học xuất sắc; Nguyễn Lương Ngọc nhà giáo đức độ, nhà văn tài năng; Vũ Đình Hòe người tạo nền cho giáo dục Việt Nam hiện đại; Nguyễn Đổng Chi tấm gương sáng của trí thức Việt Nam thế kỷ XX; Lê Trí Viễn một đời dạy văn, một đời viết văn; Trần Bạch Đằng bản lĩnh cách mạng và sự nghiệp văn chương… Thỉnh thoảng, giữa các bài viết còn rút ra những câu khái quát tóm tắt về những gì để lại cho hậu thế của từng người, in chữ to, đứng riêng ra, như là lời đề từ, những dữ liệu có tính chất thông tấn, đầy ấn tượng: “Giáo sư Vũ Đình Hòe đã ra đi nhưng những gì ông để lại khiến chúng ta như thấy ông vẫn đang đồng hành với dân tộc hôm nay. Những đổi mới quyết liệt ban đầu trong ngành giáo dục mà giáo sư chủ trương đã và đang tiếp tục tạo đà cho sự nghiệp trồng người” (tr.116), “Phàm là nhà giáo có tư cách, có đức độ thường được học trò quý mến, nhưng trọng thầy như cha, thương thầy như mẹ - như lớp lớp học trò Hà Nội đối với thầy Văn Tâm, quả là rất ít thấy” (tr.273),…
Điều cần khẳng định là thế hệ được xếp vào Chân dung 25 người thầy của Trần Hữu Tá là thế hệ “vàng” của trí thức Việt Nam - những trí thức/ học giả có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của dân tọc xuyên suốt thế kỷ XX. Cuộc cọ xát giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây làm nảy sinh một thế hệ minh triết và đa tài. Điều lạ lùng này không biết tác giả có nhận ra không: không biết vô tình hay cố ý mà những người được chọn đưa vào đây đều có tầm văn hóa - tưởng trác tuyệt, nhưng về học vấn hầu hết đều chỉ ngang cao đẳng tiểu học, tú tài hoặc cao nhất là cử nhân. Đáng ngưỡng vọng ở thế hệ này là họ làm nên danh phận, trở thành người thầy khả kính, chủ yếu bằng con đường tự học. Còn bây giờ, chính người có học vị học hàm như Trần Hữu Tá, đôi khi cũng phải thừa nhận một thực tế đang có sự lạm phát về bằng cấp: “Ngẫm ra ở nước mình, chẳng riêng gì Bộ Giáo dục mà nhìn chung ở tất cả các ban, ngành, đã là cán bộ quản lý thì hình như nhất thiết phải có học vị cao. Nếu ai chưa có thì ngoảnh lại chẳng mấy chốc đã có bằng tiến sĩ. Và có lẽ không cơ quan nào số giáo sư, phó giáo sư lại nhiều như bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng nếu soát xét lại, liệu có bao nhiêu người có thực tài và vẫn kiên trì theo đuổi hoạt động nghiên cứu, để rồi góp vào sinh hoạt khoa học những công trình, có thể dài ngắn khác nhau của mình? Chắc chắn số này chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn” (tr.302).
Tất nhiên, công trình này cũng không tránh khỏi nhược điểm, khi còn thiếu vắng nhiều gương mặt thầy
giáo - văn nhân xuất sắc (Huỳnh Tịnh Của, Thiếu Sơn, Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi…), như chính tác giả đã khiêm tốn thừa nhận một cách khách quan và đầy tâm huyết ngay từ trong Lời người soạn sách: “Trong phạm vi hiểu biết của mình, xin nói rất chân thành, nhiều vị khác rất xứng đáng được tôn vinh. Rất tiếc, lực bất tòng tâm, muốn mà chưa viết được nhiều hơn. Chỉ mong các đồng nghiệp trong giáo giới, văn giới và học giới để tâm, chung tay khắc họa những chân dung tinh thần của những người trí thức ưu tú đó. Thiết nghĩ, đấy cũng chính là việc có ý nghĩa để góp phần tạo nền, chấn hưng giáo dục nước nhà” (tr.6).
PHẠM PHÚ PHONG