Đà Nẵng cuối tuần
Piko-Taro: "Chỉ muốn thực hiện những video hài hước"
Từ một nghệ sĩ hài tầm trung ở Nhật, Koska Daimaou (43 tuổi) (ảnh) bất ngờ trở thành một hiện tượng âm nhạc thế giới sau khi cho ra đời sản phẩm âm nhạc mang đề tài trái cây khó hiểu “Pen-Pineapple-Apple-Pen” (Bút dứa táo bút-PPAP). Bài hát này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với hơn 70 triệu lượt xem đoạn video chính thức trên YouTube và được ví như “Gangnam Style” thứ hai. Một kênh YouTube khác cũng đã tải đoạn clip này lên và thu hút được hơn 145 triệu lượt nhấn xem. Đó là chưa kể đến các bản hòa âm lại hay ăn theo.
Koska Daimaou xây dựng cho mình nhân vật Piko-Taro thường xuất hiện với trang phục vàng óng ánh cùng chiếc kính mát. Đặc biệt, tác phẩm PPAP nhanh chóng trở thành chủ đề bất tận của cộng đồng mạng nhưng không ai có thể hiểu về ý nghĩa mà ca khúc này hướng đến. Chỉ sau gần 1 tháng (từ 25-8 đến 29-9) Piko-Taro đăng tải đoạn video PPAP dài 1 phút 8 giây trên trang Youtube của mình đã nhanh chóng thu hút hơn 4 triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận ca ngợi, khẳng định bài hát này sớm muộn gì cũng trở thành “Gangnam Style thứ hai”. Với nhịp điệu vừa phải, động tác nhảy kỳ quặc, lời bài hát vô nghĩa nhưng PPAP đem lại cho người nghe cảm giác sảng khoái, vui vẻ. Bài hát còn được so sánh với ca khúc hài hước “Unbelievable - I so stunned like vegetable” của nam tài tử Chen Tianwen cũng toàn nói về hoa quả.
Mặc dù còn một chặng đường xa mới đạt mốc 2,5 tỷ lượt xem và trở thành MV có lượng người xem cao nhất trên YouTube như “Gangnam Style” đã làm trong 4 năm qua nhưng hiện PPAP đã trở nên khá phổ biến trong giới trẻ Nhật Bản và một số nước ở châu Á. Thậm chí nhiều ngôi sao nổi tiếng khác cũng thay phiên nhau bắt chước điệu nhảy vô nghĩa này. Trong khi đó, siêu sao nhạc pop của Canada Justin Bieber đã gọi bài hát của Piko-Taro là “video ưa thích của tôi trên Internet”. Bên cạnh đó, các ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc, các vận động viên Olympic và cảnh sát tại Indonesia cũng đã hát hoặc chế lại bài hát này.
Bài hát PPAP hiện trở thành video ca nhạc đứng đầu bảng xếp hạng của YouTube trong 3 tuần và lọt vào Billboard Top 100 ở vị trí thứ 77, trở thành bài hát ngắn nhất lọt vào bảng xếp hạng này; đồng thời giúp Piko-Taro xác lập kỷ lục Guinness bởi chưa có bài hát nào của Nhật Bản có được tầm vươn rộng lớn như thế trong thời đại của truyền thông xã hội.
Chia sẻ về sự ra đời của PPAP, Piko-Taro cho biết, khi anh đang cầm một cây bút, mắt nhìn một trong số những quả táo đặc sản của tỉnh Aomori mà anh bày lăn lóc trong phòng, anh đã ghép hai từ vào với nhau để có “táo bút”. Một lon dứa đóng hộp còn thừa từ tối qua đã truyền cảm hứng cho phần còn lại của bài hát. Tuy bài hát nhanh chóng lan rộng trong giới trẻ trên thế giới nhưng Piko-Taro vẫn không cảm thấy quá nhiều áp lực về điều này. Cây hài 43 tuổi này bộc bạch: “Tôi đã quá già để chuẩn bị tinh thần cho việc một thứ gì đó tôi làm ra sẽ trở thành hiện tượng. Tôi chỉ muốn tiếp tục thực hiện những video hài hước và vui vẻ”.
ĐOÀN GIA HUY