Đà Nẵng cuối tuần

Chuyện ăn ở trường nông thôn

06:56, 20/11/2016 (GMT+7)

Cách trung tâm thành phố chừng 20 cây số, hầu hết trường mầm non trên địa bàn huyện Hòa Vang vẫn còn cảnh chở cơm, chở cháo từ điểm trường chính đến điểm trường phụ. Câu chuyện mới nghe qua không có gì to tát nhưng đã phần nào nói lên nỗ lực, sự quan tâm của ngành giáo dục đối với sự phát triển toàn diện cho trẻ độ tuổi mầm non.

Dù mưa hay nắng, bảo vệ Trường Mầm non Hòa Ninh vẫn cần mẫn chở cơm đến các điểm trường lẻ cách xa chục cây số. (Ảnh nhà trường cung cấp)
Dù mưa hay nắng, bảo vệ Trường Mầm non Hòa Ninh vẫn cần mẫn chở cơm đến các điểm trường lẻ cách xa chục cây số. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Nỗ lực tổ chức bữa ăn bán trú

Năm 2015, nằm trong mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cơ sở chính Trường Mầm non Hòa Nhơn được đầu tư xây mới trên diện tích 13.053m2 gồm 16 phòng học đạt chuẩn theo quy định, công trình vệ sinh khép kín, có đủ đồ dùng, dụng cụ học tập. Đặc biệt, một căn bếp rộng 180m2 xây dựng đúng quy cách và trang bị từ vật dụng nấu nướng, tô, muỗng bằng i-nox nhằm hướng tới việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh toàn trường.

Hiệu trưởng Đỗ Thị Thạnh cho biết 2016-2017 là năm học đầu tiên nhà trường tổ chức 100% bếp ăn bán trú cho 600 trẻ đang học tập, sinh hoạt tại các điểm trường Hòa Nhơn. So với thời điểm cách đây 4 năm - toàn xã có 11 điểm trường và hoàn toàn không có bếp ăn bán trú - thì đây là bước ngoặt lớn của ngành giáo dục địa phương.

Khi chúng tôi đến, đội ngũ cấp dưỡng Trường mầm non Hòa Nhơn (cơ sở chính ở thôn Phước Thái) đang tập trung chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ. Ngoài suất cơm phục vụ công tác bán trú tại chỗ, hơn chục thùng i-nox mang theo cơm nóng, canh ngọt được buộc chặt trên yên xe máy, chuẩn bị đưa đến 6 điểm trường lẻ nằm cách xa điểm trường chính chừng 5-6 cây số.

Sở dĩ có những chuyến xe chở theo thức ăn bán trú đến điểm trường lẻ vì theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 7-4-2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, độ dài đường đi của trẻ em đến nhà trường, nhà trẻ khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu tái định cư, khu vực ngoại thành, nông thôn không quá 1km, đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 2km. Do đó, dù muốn dù không, với địa bàn tương đối rộng, xã Hòa Nhơn vẫn phải giữ điểm trường lẻ, dù có điểm chỉ chừng 20 – 30 học sinh. Và, để bảo đảm nhân sự chuẩn bị bữa ăn cho từng đó trẻ, lãnh đạo nhà trường phải tuyển 10 cấp dưỡng với mức lương hợp đồng trung bình 3 triệu đồng/tháng, tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh nông thôn mỗi tháng từ 70.000 - 80.000 đồng.

Đó không là câu chuyện của riêng một trường mầm non nào ở huyện Hòa Vang. Chuyến đi của xe thức ăn dài hay ngắn, tùy thuộc vào địa bàn xã rộng hay hẹp. Trường Mầm non Hòa Ninh có 314 trẻ học tập tại 3 điểm trường khác nhau là Đông Sơn, Hòa Trung và Sơn Phước. Bếp ăn bán trú được đặt tại điểm trường chính nằm ở thôn Đông Sơn và từ đó, vào các buổi trưa, cơm được chở đến Hòa Trung và Sơn Phước.

Cô Đỗ Thị Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tiết kiệm một phần kinh phí, ngoài 4 cấp dưỡng, nhà trường nhờ thêm bảo vệ chở cơm đến điểm trường Hòa Trung cách Đông Sơn chừng 10km. Cứ thế, mỗi ngày, sau 9 giờ 30, dù nắng, dù mưa, bữa trưa của 93 đứa trẻ Hòa Trung được bác bảo vệ cần mẫn đưa đi. “Nhiều lúc chở cơm đi một quãng đường xa, dù là thùng i-nox, nhưng không tránh khỏi có lúc cơm canh bớt nóng, có lúc vì lý do xe cộ, thức ăn đưa đến điểm trường hơi trễ. Thật lòng, nhà trường cũng muốn có thêm 1 bếp ăn nữa đặt ở Hòa Trung, nhưng theo quy định, cứ 60 trẻ là 1 cấp dưỡng thì việc mở thêm bếp ăn Hòa Trung đồng nghĩa với việc phải tuyển thêm 2 cấp dưỡng, sẽ tốn thêm kinh phí xây dựng bếp ăn, cơ sở vật chất đi kèm và đẩy phụ huynh vào thế khó”, cô Tuyết trăn trở.

Vì sức khỏe của trẻ nông thôn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền ăn bán trú của học sinh các xã nông thôn gói gọn 18.000 đồng/ngày. Trong đó có 14.000 đồng tiền ăn và 4.000 đồng tiền sữa. Dù kinh phí không quá cao nhưng không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện cho con tham gia bữa ăn bán trú.

Đơn cử, vợ chồng chị Đinh Thị Nghiêu (1982), thôn Phú Túc, xã Hòa Phú có con trai đang theo học tại lớp mẫu giáo Phú Túc cho biết gia đình chị thuộc diện cận nghèo, không có đất rừng, đất rẫy nhưng đang nuôi 3 đứa con, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất tuổi cũng vừa lên 4. Là đồng bào dân tộc Cơtu nên hai đứa lớn tiền ăn học đã có Nhà nước trợ cấp. Đứa nhỏ đi học bán trú 398.000 đồng/tháng nhưng đầu năm dẫn con đi học, cô giáo thông báo phải nộp 1,2 triệu đồng để nhà trường mua vật dụng bán trú cho trẻ, vợ chồng chị không có tiền, đành đăng ký cho con sáng đi, trưa về nhà ăn cơm. Cứ thế, buổi trưa, chị Nghiêu lại thấp thỏm canh đến giờ trường sắp cho trẻ ăn để đến đón con về, tầm 14 giờ mang con đến trường gửi cô. Nhìn thằng bé gầy đét, đen nhẻm, về về đi đi dưới cái nắng hầm hập, chị Nghiêu bảo mình xót lắm, nhưng ở lại thì tiền đâu trả phí bán trú cho trường.

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Nhà nước sẽ có những hỗ trợ cụ thể cho cha mẹ thuộc diện hộ nghèo 120.000 đồng/tháng (một năm học 9 tháng) để duy trì bữa ăn trưa tại trường. Đồng thời, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường mầm non tư thục được nhà nước hỗ trợ một phần học phí, nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường. Với quy định này, những hộ gia đình khó khăn như chị Nghiêu không thể tiếp cận được.

Ở vùng nông thôn, nơi đa số phụ huynh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, để tổ chức thành công bếp ăn bán trú cho trẻ, lãnh đạo nhà trường tổ chức hàng chục cuộc họp, nói lên chủ trương, tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ nhằm thuyết phục phụ huynh cho con ở lại trường. Ví như Trường Mầm non Hòa Phú, từ 7 điểm trường lẻ, Hòa Phú đã thực hiện một “cuộc cách mạng bán trú” bằng cách dồn các điểm trường lại để bảo đảm số lượng học sinh cần thiết cho tổ chức bếp ăn, như dồn trẻ 3 thôn An Châu, Hòa Phước và Hòa Thọ để mở bán trú Hòa Thọ, dồn Hòa Phát về điểm trường chính Đông Lâm.

Nghe qua tưởng chỉ làm trong nháy mắt, nhưng “cuộc cách mạng” này diễn ra ròng rã từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014 mới hoàn thành. Không những thế, cũng trong thời gian này, khi Công ty TNHH Đắc Vinh từ chối chở hàng lên tận Hòa Phú vì đường sá xa xôi, giao thông không thuận lợi, các cô cấp dưỡng phải về tận xã Hòa Nhơn để lấy thực phẩm do công ty này cung cấp.

Bởi theo các cô, tất cả nỗ lực, cố gắng của nhà trường, của phụ huynh đều vì sức khỏe của những đứa trẻ nông thôn. Nếu cha mẹ nhất quyết đưa con em mình về trưa, thì chuyện trẻ ăn uống thất thường, lên lớp ngủ gục không thể tập trung cho việc học sẽ gây không ít khó khăn cho giáo viên trong việc điều hành lớp học cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe và không gian vui chơi, sinh hoạt của con em mình.

Có thể nói, từ ngày các trường mầm non ở Hòa Vang thực hiện tốt bếp ăn bán trú, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm rõ rệt, trẻ đến trường đều đặn hơn, chất lượng giáo dục nâng cao, góp phần vào việc xóa bỏ ranh giới giữa trẻ em vùng nông thôn và khu vực đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

TIỂU YẾN

.