Đà Nẵng cuối tuần

Loanh quanh chuyện rượu

08:50, 25/12/2016 (GMT+7)

Không biết tự bao giờ, rượu trở thành một phần tất yếu của đời sống người Việt. Rượu là một trong những đề tài được văn chương bình dân nhắc đến nhiều nhất.

Dâng rượu cúng Thành hoàng tại Hội làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) năm 2013. Ảnh: V.T.L
Dâng rượu cúng Thành hoàng tại Hội làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) năm 2013. Ảnh: V.T.L

Sách sử xưa ghi rằng, rượu được dùng trong việc lễ, “vô tửu bất thành lễ”. Chung quanh thứ nước thần thánh ấy là vô vàn những câu chuyện khổ đau và hạnh phúc. Song không ai có thể phủ nhận rằng, từ hàng nghìn năm nay, nhân loại đã sở hữu một nền văn hóa rượu đầy màu sắc.

“Vô tửu bất thành lễ” nguyên là câu nói sách vở giờ đã bình dân hóa, dùng nhấn mạnh về vai trò quan trọng của một trong ba lễ phẩm trong các nghi thức tế lễ ngày xưa và cả đến bây giờ. Trong các lễ cúng, như cúng Thành hoàng ở đình làng, học trò lễ ba lần dâng cúng hoa, rượu và trà lên tổ tiên; sau đó mới tiến hành đọc và hóa (đốt) chúc văn. Trong đời người thì cả 4 lễ trọng quan, hôn, tang, tế (lễ đội mũ thành nhân, lễ cưới, lễ tang, lễ tế) cũng đều không thể thiếu rượu.

Trong các nghi lễ thông hiệp với thế giới thần linh đó, rượu không để uống mà mang ý nghĩa văn hóa tâm linh. Ngay cả bạn bè quý trọng nhau, nhất là giới văn nghệ sĩ, cũng dùng rượu để tưởng nhớ anh hồn người đã khuất. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mỗi khi ra viếng mộ người bạn vong niên là nhạc sĩ Văn Cao bao giờ cũng mang theo bình rượu, vừa rưới lên mộ vừa tưởng nhớ kỷ niệm xưa...

Thế nhưng, đời nay lắm người viện lý do “vô tửu bất thành lễ” để bù khú với nhau bất kể vì nguyên do gì. Tiễn cũ đón mới (tống cựu nghinh tân), gặp mặt, sinh nhật, hội hè, lên lương, thăng chức,... thậm chí sau khi đi viếng đám tang, thảy đều lấy rượu/bia làm “cầu nối” cho nghĩa tình nồng thắm.

Rượu, lắm khi ban đầu chỉ chúc tụng nhau, về sau trở thành “mai mối” cho những “phi vụ” làm ăn như ký kết hợp đồng ngay tại bàn nhậu.

Cũng không ít người mượn rượu để phô trương thói hợm hĩnh, trưởng giả. Trong nhà họ, bày biện ở nơi trang trọng nhất là tủ rượu với đầy đủ các loại! Nhiều màu sắc, lắm mẫu mã, đông tây, kim cổ đều đủ. Có người còn kể vanh vách xuất xứ, cách bảo quản, pha chế, thưởng ngoạn... của từng loại rượu một cách rành rẽ còn hơn về một nhân vật lịch sử dân tộc nào đó.

Cũng có những người vì quá lạm dụng rượu nên hại sức khỏe và làm mất tư cách con người khi say. Lắm anh ghiền rượu quá, gặp khi bạn bè, khách khứa tới thăm thì lăng lăng líu xíu hối vợ chạy đi kiếm mồi đặng làm một xị, vì “khách đến nhà không trà thì rượu”.

Một khi đã để cho rượu “uống” người rồi thì người bị “mất tần số”, không kiểm soát được hành động, lời nói của mình. Say rượu thường dẫn đến gây gổ, ẩu đả, làm mất trật tự và an ninh xã hội. Dân gian kể rằng, có một anh nọ bị quỷ chặn đường, buộc anh phải làm một trong ba điều: uống rượu, đốt nhà, giết vợ. Anh chọn cái ít xấu nhất là uống rượu. Nào ngờ, khi say rượu, anh ta mất hết lý trí nên nổi lửa đốt nhà mình. Vợ ra can ngăn, anh ta điên tiết giết luôn cả vợ!

“Hãy đứng cách xa con voi bảy bước, cách con trâu mười bước và cách người say... ba mươi bước”. Không biết có phải xuất phát từ chuyện trên hay không mà Ấn Độ có câu ngạn ngữ khuyên các “đệ tử Lưu Linh” về rượu. Ca dao Việt Nam có câu “Ở đời chẳng biết sợ ai/ Sợ người say rượu nói dai nói khùng”. Nói dai nói khùng còn đỡ. Đốt nhà giết vợ mới kinh.

Cuối tháng 9-2016 vừa rồi, tại hội thảo về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ một thông tin đáng giật mình: Ở Việt Nam có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới nếu tính riêng nam giới. Lãnh đạo Bộ Y tế đã cảnh báo, mức độ tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. Dự báo đến năm 2025, sẽ tăng lên đến 7 lít/người/năm. Tỷ lệ tiêu thụ bia rượu của Việt Nam hiện nằm trong top 25 của thế giới.

Rượu là một thức uống... xưa như trái đất. Và, say vì rượu cũng xưa không kém. Ca dao Việt Nam có một câu rất hay, Rượu ngon chưa uống đã say/ Lựu, lan chưa bẻ đã bay mùi nồng. Đó là một cái say (trong thơ ca) làm đẹp mình và làm đẹp người. Thế nhưng, ngoài đời đã có không ít người lạm dụng chất có cồn, say bí tỉ và “bay” tứ tung trong khi lái xe, nên xin được nhại lại câu ca như thế này: Rượu bia đừng uống đến say/ Chạy xe trên phố dễ bay… vô hòm!

VĂN THÀNH LÊ
 

.