Đà Nẵng cuối tuần

Định hướng nghề cho sinh viên

10:20, 15/01/2017 (GMT+7)

Nhiều sinh viên ra trường loay hoay mãi vẫn không tìm được việc làm, hoặc tìm được việc rồi thì lại “nhấp nhổm” với tâm lý làm “tạm” để chờ có cơ hội “nhảy” việc. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng doanh nghiệp cũng như đơn vị sử dụng lao động. Nhiều đơn vị tuyển dụng cho rằng nhà trường cần sớm định hướng nghề cho sinh viên, để các em sớm hình dung được tính chất công việc các em sẽ làm sau này.

Việc định hướng nghề tốt sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu được công việc mình sẽ làm sau này. TRONG ẢNH: Sinh viên một số trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn thành phố tham quan cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016 khu vực miền Trung-Tây Nguyên đang tìm hiểu về các gia vị. Ảnh: H.K
Việc định hướng nghề tốt sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu được công việc mình sẽ làm sau này. TRONG ẢNH: Sinh viên một số trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn thành phố tham quan cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016 khu vực miền Trung-Tây Nguyên đang tìm hiểu về các gia vị. Ảnh: H.K

Đang học năm thứ 4 Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, T.V.N có thể nói thành thạo tiếng Anh và có trình độ sơ cấp của một ngoại ngữ thứ hai. Bản thân N. mong muốn sẽ được thực tập ở một khách sạn 4-5 sao, theo lý giải của N. khi thực tập ở khách sạn lớn, chuyên nghiệp các em sẽ có cơ hội được học hỏi ở một môi trường thực tế, chuyên nghiệp, bài bản.

Không ít sinh viên hiện nay đều có tâm lý muốn được thực tập ở những khách sạn lớn như N. bởi sau thực tập, nếu làm tốt, đạt đủ các tiêu chuẩn thì cơ hội được giữ lại, có việc làm của những sinh viên này rất rộng mở.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng, nhiều sinh viên trình độ ngoại ngữ rất hạn chế nhưng khi đi phỏng vấn thực tập hoặc phỏng vấn xin việc chỉ nhắm đến những khách sạn lớn 4-5 sao dù một số tiêu chuẩn không đạt yêu cầu.

Chủ một khách sạn 1 sao trên đường Bạch Đằng từng phàn nàn rằng khách sạn của chị rất khó tuyển được lao động vì tâm lý của sinh viên mới ra trường không thích làm ở những khách sạn nhỏ, ngay cả sinh viên thực tập cũng không chọn những khách sạn ít sao.

Bà Dương Thị Thơ, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh tập đoàn FiviGroup cho rằng khi tuyển dụng đầu vào, các trường cao đẳng, đại học đào tạo ngành du lịch chưa quan tâm đến ngoại hình của các em khi chọn ngành nghề vì với ngành du lịch, nhà tuyển dụng rất quan tâm đến ngoại hình ở các vị trí như buồng, bàn, lễ tân… nhưng nhiều em học xong ra trường không được tuyển dụng thì rất thiệt thòi cho các em.

Tâm lý chung của những người mới đi làm thường không chọn những doanh nghiệp nhỏ mà thường chọn những khách sạn lớn để có những trải nghiệm thực tế và cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, ông Trần Xuân Mới, Đào tạo viên Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam - VTOS cho rằng, nhà trường và doanh nghiệp cần có một tiêu chuẩn đào tạo để có tiếng nói chung, định hướng chung. Phải định hướng cho sinh viên ngay từ đầu vào vì đôi khi các em đi học theo tâm lý đám đông, đi học vì bạn bè rủ rê…

Chính định hướng không tốt dẫn đến tình trạng đi học tạm, đi làm tạm. Vì vậy, ngay từ khi tuyển chọn đầu vào đừng vội thu hút cho đủ chỉ tiêu mà phải định hướng để các em xác định rõ ràng công việc của mình sau này, có như vậy khi ra trường, đi làm các bạn sẽ làm tốt công việc của mình.

“Khi đi tư vấn, tuyển dụng, nhiều sinh viên nghĩ rằng mình học quản lý du lịch nên khi vào sẽ được làm từ trưởng, phó bộ phận trở lên. Suy nghĩ này cho thấy định hướng của các em đang bị thiếu vì các em cần hiểu rằng muốn làm được vị trí đó các em cần qua các vị trí  thấp hơn, cần tích lũy kinh nghiệm để lên được vị trí đó. Các em có kiến thức nhưng thiếu thực tế thì rất khó làm việc”, ông Mới chia sẻ.

Tiến sĩ Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho rằng, đi thực tập cũng là đi học, với những khách sạn hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản các em sẽ học được những kỹ năng nghề tốt ngay từ khi mới bắt đầu bước vào nghề.

Nhà trường vẫn định hướng cho sinh viên nếu yếu ngoại ngữ thì nên đầu tư học thêm cho thành thạo, và nên thực tập ở những đơn vị được quản lý bài bản, chuyên nghiệp vì đây chính là cơ hội của các em.

“Bên cạnh đó trường cũng cố gắng thay đổi trong công tác đào tạo để phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, như trong chương trình đào tạo hiện nay trong các học phần sinh viên sẽ phải đi thực tế ở cơ sở, làm bán thời gian ở đó, các em sẽ phải đề ra kế hoạch muốn học gì, làm gì ở cơ sở và hoàn thành kế hoạch của mình, cứ đủ 150 giờ đi làm thực tế, có xác nhận của doanh nghiệp, cơ sở thì sẽ đủ điều kiện thi qua môn. Các em tự liên hệ được chỗ để đi làm bán thời gian thì tốt, còn không nhà trường sẽ hỗ trợ để các em được học tập và thực hành tại cơ sở. Điều này sẽ giúp cho các sinh viên có thể học và làm được việc khi ra nghề”, tiến sĩ Trương Sỹ Quý cho biết.

HÀ KHUÊ

.