Đà Nẵng cuối tuần
Bước đệm tới… doanh nhân
Khởi nghiệp khi còn là sinh viên (SV) chưa phải là con đường của số đông SV, nhưng chính môi trường giáo dục khai phóng của trường học sẽ là nơi thúc đẩy cho những sáng tạo - yếu tố rất cần cho khởi nghiệp.
Sản phẩm Nôi đa năng tham dự Chương trình 100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng. |
Dự án Nôi đa năng của nhóm SV gồm 8 thành viên đến từ Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và một số bạn SV vừa ra trường đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh là một trong hai dự án của chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng” được đưa vào Vườn ươm thành phố Đà Nẵng.
Ngoài được hỗ trợ không gian làm việc, kết nối với các chuyên gia tư vấn giúp hoàn thiện dự án, nhóm còn được hỗ trợ kết nối mạng lưới các nhà đầu tư, hỗ trợ trong quá trình thương mại hóa sản phẩm và được Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ.
Các ông bố bà mẹ thay vì phải bỏ mất nhiều thời gian và tiền bạc để đi mua từng loại sản phẩm như nôi, ghế rung, ghế ăn, xe đẩy, xe tập đi trong khi mỗi sản phẩm chỉ dùng được trong vòng khoảng 3 - 5 tháng theo từng giai đoạn phát triển của trẻ thì nôi Tob đa năng là sự kết hợp tất cả trong một với chi phí phải bỏ ra chỉ bằng 30% số tiền cho tất cả các sản phẩm đó.
Trịnh Thị Như Phượng - thành viên của nhóm cho biết: “Từ khi có ý tưởng cho đến việc xây dựng dự án, cho ra đời chiếc nôi Tob, nhóm em phải mất 2 năm cật lực làm việc với rất nhiều khó khăn vì thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm”. Ngoài số tiền thưởng mà nhóm có được thông qua các cuộc thi startup, các thành viên của nhóm phải dành dụm tiền ăn sáng để góp lại. Từ những lần thất bại cũng như tan rã thành viên đã cho các bạn nhiều kinh nghiệm, tạo động lực cho nhóm tiếp tục hoàn thành sản phẩm sau nhiều lần tưởng như hụt hơi.
Dự án “Nông nghiệp sạch và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản” đến từ các trường: ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm và ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) hình thành từ kinh nghiệm của những ngày lăn lộn trên đồng ruộng hỗ trợ nông dân ra sản phẩm sạch, đưa rau sạch ra chợ bán.
Đến nay nhóm khởi nghiệp này thành lập được chuỗi cung ứng rau sạch, giúp kết nối giữa nhà nông và người tiêu dùng. Nhóm đã tìm hiểu, liên hệ với anh Mạc Trang (huyện Hòa Vang) để xây dựng trang trại mẫu rau “5 không” (không thuốc trừ sâu, không thuốc trừ bệnh, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng hạt giống biến đổi gen). Nhờ có sự giúp đỡ của các bạn SV mà vườn rau của anh Trang sau 6 tháng thử nghiệm, đã tăng diện tích lên 5.000m2.
Ở một khía cạnh khác, ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, để có thể tìm kiếm được nhà đầu tư, thì những dự án khởi nghiệp của SV cần phải tạo ra được giá trị, có nhiều sáng tạo, thiên về trí tuệ, khả năng mở rộng dễ do ít sử dụng nguồn lực tài sản hữu hình.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thì cho rằng: “Khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là startup (doanh nghiệp khởi nghiệp), tức là tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới mà suy cho cùng là tự tạo công ăn việc và thu nhập cho bản thân, nếu cao hơn nữa, có thể tạo được công ăn việc làm cho người khác hay còn gọi là nhân viên. Chính vì vậy, việc các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng nên tinh thần khởi nghiệp cho SV là rất quan trọng trong việc giúp SV kiến tạo tương lai”.
HÀ TRẦN