Đà Nẵng cuối tuần

Nỗ lực tạo dựng thương hiệu

09:00, 20/02/2017 (GMT+7)

Không có địa điểm trưng bày, thiếu những kiến thức cơ bản về tiếp thị cũng như chưa được thành phố định hướng, tìm lối ra cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ  là một số nguyên nhân chính khiến các cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng hoạt động cầm chừng, chưa “đủ sức” đầu tư để tạo dựng một thương hiệu bền vững.

Dù sản phẩm mô hình cầu quay Sông Hàn của Lê Quang Huy được lãnh đạo thành phố chọn tặng nhưng điều này vẫn chưa thể tạo được sự bứt phá trong sản xuất của cơ sở này.
Dù sản phẩm mô hình cầu quay Sông Hàn của Lê Quang Huy được lãnh đạo thành phố chọn tặng nhưng điều này vẫn chưa thể tạo được sự bứt phá trong sản xuất của cơ sở này.

Trăn trở cho dòng sản phẩm “made in Đà Nẵng”

Dù nổi tiếng là người Việt Nam đầu tiên in ảnh lên đá nhưng kỷ lục gia Lê Nguyên Vỹ (tên thật là Lê Đức Vỹ) phải lặng lẽ gói ghém hàng trăm sản phẩm thạch ảnh, diệp ảnh (ảnh in trên vân lá) rời không gian trưng bày mặt hàng lưu niệm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm vào một chiều cuối năm 2015 sau vài năm gắn bó. Vốn là người nặng lòng với mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ “made in Đà Nẵng”, Nguyên Vỹ cảm thấy bất lực trước sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm Trung Quốc ngay tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Ông cho rằng, với một không gian tuyệt vời để giới thiệu sản phẩm lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Đà Nẵng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, không có lý do gì để hàng Trung Quốc trà trộn vào. Cùng với đó, theo ông, hiện nay Đà Nẵng đang thiếu một hệ thống thuyết minh, giới thiệu sản phẩm cụ thể, nên du khách rất khó nhận ra đâu là mặt hàng truyền thống địa phương, đâu là hàng nhái, dẫn đến hàng thủ công mỹ nghệ địa phương luôn “bị du khách chê” vì cho rằng giá thành cao hơn mặt bằng chung.

Hơn 30 năm qua, Lê Nguyên Vỹ miệt mài tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm thạch ảnh, diệp ảnh và điều khiến ông tự hào là mỗi sản phẩm hiện nay là “độc bản”, không trùng lắp. So với sản phẩm thạch ảnh thì diệp ảnh có ưu thế về kích thước, trọng lượng vì nó rất nhẹ, dễ dàng đóng thành tập, phù hợp với nhiều hình thức trưng bày và lưu trữ. Sau khi thử nghiệm trên các loại lá, Lê Nguyên Vỹ nhận ra rằng lá bồ đề và lá phong đáp ứng được yêu cầu làm diệp ảnh vì sau khi loại bỏ “cơm lá”, vân lá còn lại khá dày, đường vân hiện lên rõ nét… Với thành công này, ông từng nuôi hy vọng sản phẩm diệp ảnh sẽ góp phần vào mặt hàng lưu niệm vốn đang rất khan hiếm tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là cho đến hiện nay, sản phẩm thạch ảnh, diệp ảnh vốn rất nổi tiếng của Lê Nguyên Vỹ vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. Ông vừa làm vừa chơi, vẫn trong tư thế “nhởn nhơ” nghệ sĩ bởi thị trường tiêu thụ chưa có sự thúc ép về số lượng.

Lê Nguyên Vỹ từng nói rằng, ông đến với thạch ảnh như một nghề mưu sinh trong hàng chục nghề ông từng trải qua trong cuộc đời. Nhìn bốn cây bồ đề mà Lê Nguyên Vỹ trồng trước sân nhà để lấy lá làm diệp ảnh, mới thấy rằng, đằng sau nét cười ngạo nghễ của người nghệ sĩ, ông luôn đau đáu về tương lai của dòng sản phẩm thạch ảnh, diệp ảnh mà mình tạo dựng. Trong nỗ lực tạo ra dòng sản phẩm độc, lạ cho Đà Nẵng, mới đây, một lần nữa Nguyên Vỹ quyết định thuê lại một gian hàng trưng bày dưới đường hầm thông ra biển thuộc khách sạn Holiday những mong sản phẩm của mình được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè trong và ngoài nước. Và dường như trong sự nỗ lực gần như cuối cùng của người nghệ sĩ già, thạch ảnh gia Lê Nguyên Vỹ đang cố gắng hoàn thành 3 dòng sản phẩm phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 gồm một sản phẩm tổng hợp ghi lại đặc trưng cơ bản của 21 quốc gia tham dự APEC và riêng có của Đà Nẵng, một sản phẩm in trên phiến đá và một in trên vỏ ốc giác để giới thiệu về thành phố biển, nơi ông sinh ra và lớn lên.

Cần lắm một không gian trưng bày

Rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm trên địa bàn thành phố cho rằng, họ đang thiếu (và rất cần) một không gian trưng bày tập trung, lâu dài để sản phẩm của mình có đủ thời gian tiếp cận người tiêu dùng. Ngay cả một trong 8 cơ sở sản xuất hàng TCMN được UBND thành phố Đà Nẵng đưa vào danh sách đơn vị, cơ sở được gia công sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch trên địa bàn thành phố cũng đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường.

Còn nhớ, năm 2015, ngay khi được thành phố Đà Nẵng đưa vào danh sách trên, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Lê Quang Huy ngay lập tức đăng ký số lượng 6.050 sản phẩm/năm gồm mô hình thuyền buồm, các cây cầu, trống rượu… làm từ gỗ, mây, tre. Kể từ giây phút đó, Giám đốc Lê Văn Phiếu bắt tay vào cải tiến chất lượng, mẫu mã dòng sản phẩm này. Ví như, trước đây mô hình cầu Rồng đầu tiên do cơ sở này sản xuất dài 78cm, nay được rút ngắn còn 52cm. Làm được điều này, anh mất gần 3 năm điều chỉnh thiết kế cho thân cầu Rồng được hài hòa, cân đối, trọng lượng các mảng gỗ phù hợp, phối đèn nhấp nháy, tự động hóa bằng bộ điều khiển từ xa. Cũng trong tâm trạng phấn khích ấy, Lê Văn Phiếu tiếp tục cải tiến mô hình cầu Sông Hàn bằng việc cho thân cầu quay chậm một góc 90o rồi quay trả về vị trí ban đầu, có thêm đèn nhấp nháy, đổi màu theo đúng thiết kế cầu Sông Hàn thật (trước đây mô hình này cố định, không quay). Với mỗi mô hình, Lê Văn Phiếu trải qua đầy đủ các
công đoạn từ vẽ thiết kế, sau đó chọn nguyên liệu, sản xuất thử, đưa ra thị trường cho khách hàng góp ý rồi mới tới giai đoạn hoàn thiện sản phẩm… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc sản xuất của Quang Huy hoàn toàn phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ lãnh đạo thành phố làm quà biếu cho doanh nhân, lãnh đạo các nước, dù con số này rất khiêm tốn, chưa đến 100 sản phẩm từ đầu năm 2016 đến nay.

Cùng với việc thiếu không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, anh Phiếu cho biết cơ sở đang trong giai đoạn hoạt động cầm chừng, có tất cả 5 công nhân nhưng hôm chúng tôi đến - gần nửa tháng sau thời gian nghỉ Tết - xưởng sản xuất vẫn chưa đi vào hoạt động. Hiện cơ sở đang sản xuất 5 dòng sản phẩm bằng gỗ dựa trên các mô hình cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, Trung tâm Hành chính, Vòng quay Mặt trời, mỗi năm sản xuất chừng 1.500 sản phẩm, bán ra thị trường từ 750 đến 1.000, còn lại tồn kho nơi góc xưởng.

Sản phẩm thạch ảnh, diệp ảnh Lê Nguyên Vỹ và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Lê Quang Huy chỉ là 2 trong hàng chục cơ sở sản xuất hàng TCMN tại Đà Nẵng đang trong tình trạng “chết yểu”, chưa tìm được hướng đi phù hợp. Họ cho rằng, sự hỗ trợ của thành phố hiện nay chưa đáp ứng được sự mong đợi của các cơ sở sản xuất, chưa trở thành cầu nối giúp mặt hàng này có cơ hội tồn tại trên thị trường. Anh Phiếu cho biết mình đang rất cần thành phố hỗ trợ về mặt tư vấn hướng đi cho sản phẩm, kể cả mẫu mã, bao bì, chiến lược quảng bá một cách chuyên nghiệp, điều mà một cơ sở sản xuất nhỏ như anh không có đủ điều kiện về kinh nghiệm lẫn kinh phí để thực hiện một cách bài bản.

Có thể nói, nếu thời gian tới Đà Nẵng vẫn chưa hình thành một không gian trưng bày thường xuyên và nằm ở vị trí phù hợp cho du khách nhìn thấy, chưa được tiếp thị hình ảnh đến đông đảo khách hàng thì câu chuyện du lịch Đà Nẵng có những mặt hàng lưu niệm tạo nên thương hiệu “made in Đà Nẵng” cụ thể, độc đáo, có chỗ đứng riêng trên thị trường vẫn là mơ ước xa vời, khó thành hiện thực.

TIỂU YẾN

.