Đà Nẵng cuối tuần

Nơi đi nhớ về thương

07:48, 05/02/2017 (GMT+7)

Hơn 10 năm trước, từ Sài Gòn về Quảng Trị, Quát đều ghé thăm tôi tại Đà Nẵng. Trong những lúc uống
cà-phê với nhau dọc đường, Quát vẫn vội vội vàng vàng rồi xách máy ảnh lên đường… Hỏi, chỉ nghe trả lời về Quảng Trị chụp ảnh. Anh trở lại vùng đất ấy rất dài ngày, ăn dầm ở dề lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để săn ảnh. Tôi  hỏi: Sẽ làm gì với nghìn bức ảnh như thế, rõ ràng đầu tư cho một cuộc chơi như thế - quá tốn kém, thời gian và sức lực của một người đã bước qua tuổi 65. Ngày ấy anh chẳng nói gì, chỉ cười… chụp để chơi thôi, chơi cho vui ấy mà.

Vào làng Phương Lang.
Vào làng Phương Lang.

Nói vậy nhưng không hề “chơi cho vui” chút nào mà nghiêm túc, rất nghiêm túc là đằng khác. Có lẽ anh giữ bí mật trước khi có một sản phẩm trình làng. Anh đã chịu khó lặn lội khắp Quảng Trị, từ Ô Lâu, Thạch Hãn, Hiền Lương, sông Hiếu từ đầu sông đến cuối sông, chợ quê, làng quê, lễ hội, những vùng trời yên ả còn lưu giữ dù rất mong manh nét xưa cũ, kể cả những quán nhỏ trong mưa bay, con đường hiu hắt sương mù, em gái đạp xe về dưới mưa…

Cái cách anh đi “săn ảnh” cũng vội vàng cấp tập như sợ trễ, sợ không kịp nữa, sợ mốt mai mất đi không còn gì để lưu giữ. Trời mưa bão, bão ngoài mình thì kinh hoàng biết chừng nào, chân thì đi cà nhắc vì cái bệnh gout hành hạ, thế mà anh vẫn xách máy về cho được, cố “canh” cái thời điểm thích hợp nhất để lấy ảnh dù trời có dông gió bão bùng.

Có người cho là điên. Còn anh thì dứt khoát - chụp ảnh Quảng Trị phải chụp cho được khoảng khắc của mưa gió bão lụt mới đúng cái hồn Quảng Trị, ra cái chất đặc trưng của vùng đất này. Biết nói sao được thời trẻ thơ của một người từng lớn lên trên vùng đất này, mưa lụt bão bùng là một ám ảnh đè nặng lên cuộc sống của người dân, dưới cái nhìn của tuổi nhỏ cũng lắm buồn vui với những khóc cười.

Mưa lụt trong góc nhìn của nghệ thuật với Quát không phải là nét đẹp hiển thị mà chính là cái sâu thẳm ẩn ức của cảm xúc, cái đẹp trong sự liên tưởng gợi mở, dù đôi khi chụp toàn cảnh nhưng lại được nhìn rõ hơn ở những chi tiết như những góc khuất được mở ra bằng những câu chuyện về làng quê, sông nước với không gian mênh mang thấm đẫm tình cô lữ.  

Và rồi, Quảng Trị -  Đi nhớ về thương (*) tập vựng ảnh ra mắt với công chúng với gần 180 bức tuyển chọn từ hơn 1.000 bức ảnh của gần 6, 7 năm trời thực hiện, in couché màu sang trọng, được chăm chút công phu theo từng chủ đề: Sông suối, lễ hội, đồi cát, di tích chiến tranh, vùng quê yên bình, bà mẹ quê… Anh không có tham vọng “làm một tập kỷ yếu hay địa phương chí bằng hình ảnh và cũng không nhằm giới thiệu những điểm đến cho du khách”. Mà chỉ với “mong muốn sẻ chia cảm xúc với người Quảng Trị sống xa quê” “những rung động” của một người xa quê trở về nhớ lại một thời đã xa… như lời tâm tình của tác giả.

Phạm Đình Quát làm báo đã nhiều năm, cầm máy cũng đã hơn 30 năm nhưng Quảng Trị - Đi nhớ về thương không hề là ảnh báo chí thời sự, nó là ảnh nghệ thuật. Ảnh của anh tự nhiên trung thực không cắt cúp, không photoshop, không sắp đặt. Vì thế những tác phẩm của anh có chiều sâu và sự mềm mại. Hình như mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện trộn lẫn giữa ký ức, giữa giấc mơ và thực tế của một người đã lớn lên giữa những năm tháng đầy đạn bom trên vùng đất này.

Mỗi bức ảnh của anh trong khát vọng từ ký ức, kỷ niệm trong khi khai thác chất liệu hiện thực hôm nay. Anh luôn ý thức bởi “sự nhìn lại, nhớ lại” bằng hình ảnh trong tâm tưởng của một người xa quê trở về nên sẽ đánh động vào tâm thức của người cùng cảnh ngộ.

Ví như khi chụp ảnh về đề tài làng, vẫn là đụn rơm, bến nước, đồi cát, đàn bò, miếu mạo… Ảnh về sông nước cũng thế, dù không trực diện với chiến tranh nhưng nó khơi gợi những tháng năm chia cắt đạn bom mất mát, những dòng sông Hiền Lương, Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hiếu trong tâm thức về nguồn cội, gốc rễ của con người Quảng Trị hôm nay.

Dòng sông  quê có lúc ấm nồng hương vị quê hương, có khi hiu hắt xa ngái trong nỗi cô đơn không thèm nói ra, có khi lại dữ dội, bạo liệt. Chùm ảnh Chợ Tỉnh, chợ quê thật sinh động, quê kiểng, chi tiết, đặc biệt những “chân dung” những mẹ, những chị, người bán bánh bao dạo, ông già may áo… với những nải chuối, nhúm ngũ cốc, mấy quả dưa và phiên chợ ngày Têt. Chao ôi - những cảnh đời, thân phận, hình ảnh gợi nhớ thao thiết một thời quá vãng, nó bâng khuâng ấm áp.

Anh như kẻ phong trần lãng tử trở về ngồi lại nơi bến sông xưa, nhìn sông nước cảnh vật - thật ra để nhìn lại mình bằng thái độ của một người đã thấm một nỗi đau luân lạc. Nhiếp ảnh nói cho cùng là điểm nhìn của cá nhân, là cái tôi của thị giác, chụp cái gì cũng là chụp mình mà thôi.

Yêu thương đắm đuối một đời với vùng đất nắng lửa mưa dầm, chụp ảnh Quảng Trị với Quát là chụp lại bóng mình, chuyện đời mình cả thôi. Quảng Trị-Đi nhớ về thương trong một tình yêu dâng hiến, đối với Quát còn là sự tri ân đầy ơn nghĩa với người và đất Quảng Trị.  Ai đi xa cố hương mà không khỏi bùi ngùi thương nhớ khi giở từng trang sách ảnh của anh.

HỒ SĨ BÌNH


(*) Quảng Trị - Đi nhớ về thương. Phạm Đình Quát. NXB Hội Nhà văn 2016.

.