Đà Nẵng cuối tuần

Vẽ nên những ước mơ

14:46, 26/02/2017 (GMT+7)

Cùng với âm nhạc, hội họa đang là phong trào được nhiều phụ huynh và bạn trẻ quan tâm. Đằng sau những lớp học vẽ, những bức tranh về cảnh và người là một thế giới sắc màu đầy sống động của bé, là những tâm hồn đẹp biết sống vì cộng đồng.

Các bạn trong nhóm Kiến Kì rất nỗ lực đi tìm nguồn thu từ các dự án tranh tường cho trường mẫu giáo, nhà hàng, quán cà-phê... để làm từ thiện, công tác xã hội.
Các bạn trong nhóm Kiến Kì rất nỗ lực đi tìm nguồn thu từ các dự án tranh tường cho trường mẫu giáo, nhà hàng, quán cà-phê... để làm từ thiện, công tác xã hội.

Thế giới sắc màu của bé

“Vui nhộn, sống động, ồn ào nhưng có lúc tĩnh lặng” là những gì tôi cảm nhận khi tham gia lớp học vẽ dành cho trẻ em tại nhà của cô Hoàng Nguyên Hương (đường Lê Độ, quận Thanh Khê). Lớp học với vỏn vẹn 8 em nhỏ từ 5-10 tuổi được kê xếp bàn ghế gọn gàng, xung quanh bày la liệt nào giấy trắng, bút chì, màu nước…

“Ngày Tết với các con là gì nào? Là được ba mẹ cho mặc quần áo mới, là được ăn bánh chưng, đi chợ hoa, ngắm hoa mai, hoa đào nở… có phải không? Vậy, bây giờ các con hãy vẽ những gì các con cảm thấy là Tết nhất, gần gũi với mình nhất nhé”, cô Hương khơi mào bài học. Vì lớp học nhiều thành phần nên có bé tập trung vào vẽ ngay, có bé cứ ngước mắt nhìn ra cửa sổ để cố tưởng tượng, có bé cứ ngọ nguậy, loay hoay trên ghế, nghệch ngoạc những nét bút ngộ nghĩnh trên giấy…

Cô Hương cho biết, chủ đề về Tết là chủ đề chính của tháng Giêng này. Những em lớn hơn, có khả năng diễn đạt hình ảnh tốt, đa phần chọn thể hiện lại những khoảnh khắc vui vẻ, ấm cúng cùng với người thân. Những bạn nhỏ hoặc những bạn khả năng vẽ hạn chế hơn thì vẽ những gì đặc trưng của ngày Tết, ví dụ như hoa mai, hoa đào, ngũ quả... Hoặc có bạn sẽ tái hiện sự tích bánh chưng bánh dầy.

Trong khi những đứa trẻ ở bên trong căn phòng nhỏ chứa đầy họa cụ, sắc màu kia đang say sưa sáng tạo, khám phá thì ở bên ngoài, một vài phụ huynh lặng lẽ ngắm con. Chị Hà Thị Phương (có con 5 tuổi đang theo học lớp vẽ) chia sẻ, ai cũng biết, đặt một đứa trẻ 5-6 tuổi ngồi vào bàn học là chuyện không tưởng.

Thế nhưng, nếu cho bé tiếp xúc trước tiên với màu sắc thì bé sẽ hứng thú hơn. Chị cho con đến với lớp học không phải mang ý định to tát là hướng con sau này trở thành họa sĩ, kỹ sư, mà chỉ muốn tập cho con thói quen ngồi vào bàn học, bước đầu tiên để tiếp cận việc học chữ.

Theo số liệu từ Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, số lượng trẻ em đăng ký học vẽ tăng lên qua mỗi năm. Năm 2016, số trẻ theo học là hơn 400 em, tăng gấp đôi so với năm 2015, đủ thấy sức hấp dẫn mà bộ môn này mang lại.

Thêm vào đó, mỗi năm, các đơn vị như Thành Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa-Thể thao, Công ty Công viên cây xanh… đều phối hợp tổ chức các cuộc thi vẽ dành cho thanh thiếu nhi. Và những đề tài được các em thể hiện nhất là: Thành phố biển quê em, núi Ngũ Hành Sơn, cáp treo Bà Nà, núi Sơn Trà và những cây cầu bắc qua sông Hàn.

Những bức tranh ấy qua nét vẽ ngây thơ, ngộ nghĩnh, hồn nhiên của các em bỗng sinh động, đầy ắp sắc màu tuổi thơ. Các em đã tạo nên hình ảnh thành phố quê hương với nhiều sắc màu, nhiều mơ ước khác nhau.

Nhiều bức tranh của các tác giả nhỏ tuổi nhưng đã thể hiện thông điệp khá rõ ràng, như: kêu gọi mọi người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; không vứt rác bừa bãi, không phá hoại cây xanh… Sau mỗi cuộc thi, các bức tranh đoạt giải đều được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng hoặc con đường hoa Bạch Đằng để người dân và du khách chiêm ngưỡng.

Bà Nguyễn Thị Vân, Phó phòng Nghiệp vụ Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, bày tỏ: môn vẽ là bộ môn khuyến khích các em thể hiện trí tưởng tượng bay bổng và sáng tạo. Những hình hoạ bé tạo ra không phải là không có ý tưởng mà nó chính là cách trẻ lấy từ trong trí nhớ, trí tưởng tượng của mình để làm ra những gì mà trẻ nhìn thấy hoặc gặp trong ngày.

“Ngay từ những năm đầu đồng hành với các cuộc thi vẽ, chúng tôi luôn hướng tới việc tạo ra một sân chơi bổ ích, giúp phát huy sức sáng tạo và khơi dậy niềm đam mê cho các em. Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn các em học sinh sẽ có thật nhiều những ý tưởng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó tạo bước khởi đầu cho việc thực hiện những ước mơ khi các em trưởng thành”, bà Nguyễn Thị Vân cho biết.

Vẽ - vì cuộc sống tươi đẹp hơn

Có lẽ, những ai cập nhật thông tin về thành phố bên sông Hàn sẽ biết đến dự án “Một bức tranh-nhiều hy vọng” (MBTNHV) tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ra đời cách đây hơn 2 năm, dự án bắt đầu từ cuộc thi vẽ tranh, chụp ảnh của sinh viên Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, sau 6 tháng, đã huy động được hơn 200 bức treo khắp 10 tầng Bệnh viện Ung bướu.

Đây có lẽ là một trong những dự án tranh ảnh thiện nguyện có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất. Đội ngũ tình nguyện viên lúc đầu chỉ có sinh viên Trường ĐH Bách khoa, thì nay dự án thu hút đông đảo sinh viên của hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Phạm Lập (sinh viên năm thứ hai khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa tâm sự, lúc đầu thì em cũng đi cho vui để biết thêm bạn bè; nhưng sau khi đến bệnh viện, nhìn thấy cảnh những bệnh nhân nhận thức ăn từ ống dẫn vào cổ họng thì em muốn làm việc gì thiết thực để giúp bệnh nhân...

Từ đó, Lập kêu gọi các bạn trong lớp tổ chức một nhóm với tên gọi: “Vẽ - Tặng bà con Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng”. “Hằng tuần, tụi em đều đến bệnh viện để vẽ và chủ yếu vẽ chân dung bệnh nhân, nắm bắt cho được khoảnh khắc vui vẻ của bệnh nhân để thể hiện. Đây là món quà tinh thần để bệnh nhân khi xem lại khoảnh khắc tươi cười của mình mà có động lực chữa trị, sống lạc quan hơn”, Lập cho biết.

Dự án MBTNHV đã truyền cảm hứng đến nhiều SV đang theo học các ngành kiến trúc, mỹ thuật. Các bạn dùng chính những bức tranh, nét vẽ của mình để tạo niềm vui cho cuộc sống. Nhóm Kiến Kì (tập hợp các sinh viên năm thứ ba khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa) nhận làm các dự án tranh tường cho các nhà hàng, quán cà-phê, nhà ở.

Quách Minh Tiến, thành viên của nhóm, chia sẻ, việc lập nhóm đã tạo một sân chơi để các bạn khoa kiến trúc có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Sau 1 năm tạo lập, nhóm đã nhận được 5 công trình tranh tường và để dành được một nguồn quỹ riêng. Trong tương lai, nhóm sẽ tích cực tìm thêm nguồn thu từ các dự án vẽ tranh chân dung, tranh tường, mở rộng thành viên… để có đủ nhân lực, vật lực theo đuổi một dự án lớn hơn, đó là sửa chữa nhà miễn phí cho bà con nghèo.

Ngoài Trường ĐH Bách khoa, tại một số trường có ngành kiến trúc hoặc đồ họa như Trường ĐH Kiến trúc, Trường ĐH Duy Tân, các bạn sinh viên thường để lại nét cọ của mình cho những chương trình từ thiện ý nghĩa.

QUỲNH TRANG

.