Đà Nẵng cuối tuần

Khi nghệ thuật chạm cửa học đường

08:46, 26/02/2017 (GMT+7)

Ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng chú trọng việc đưa các loại hình nghệ thuật vào trường phổ thông nhằm tạo sân chơi bổ ích cho học sinh (HS), góp phần nâng cao kỹ năng sống, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng tiềm ẩn trong các em, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc...

Truyền thông bằng loại hình tiểu phẩm của học sinh Trường THPT Thanh Khê. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Truyền thông bằng loại hình tiểu phẩm của học sinh Trường THPT Thanh Khê. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Vụ việc “bốn trăm ngàn”

Tiết sinh hoạt đầu tuần đang diễn ra trang trọng thì bất ngờ một chiếc xe máy rú ga lao ra, trên xe là 3 HS làm ra vẻ “ta đây” lắm. Lạ một điều là tất cả – từ thầy, cô giáo đến học sinh dự lễ – đều bình chân như vại trước cảnh chướng tai gai mắt đó. May quá, một cảnh sát giao thông kịp thời xuất hiện, tuýt còi chặn xe máy lại và tiến hành xử phạt hành chính “ba chàng ngự xe” vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ này.

Thật ra, đó là tình huống giả định trong cảnh 1 của tiểu phẩm về an toàn giao thông do liên quân lớp 12/3 – 12/4 Trường THPT Thanh Khê biểu diễn trong chương trình “Sân khấu hóa sinh hoạt dưới cờ” năm học 2016 – 2017. Ba cảnh tiếp đó là HS được bố đưa đến trường bằng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm; đi xe máy vượt đèn đỏ; sử dụng ô dù, điện thoại, thiết bị âm thanh khi đang điều khiển xe. Sau mỗi tình huống, người dẫn chương trình (một thành viên lớp 12/4) đều nêu câu hỏi về mức xử phạt bằng tiền đối với từng hành vi vi phạm luật, HS nào trả lời đúng sẽ được tặng một phần quà.

Theo Hiệu phó Trường THPT Thanh Khê Lê Văn Huỳnh, chương trình “Sân khấu hóa sinh hoạt dưới cờ” sau một năm thử nghiệm thành công, năm học này đã được nhà trường nâng lên thành mô hình. Mỗi tiết sinh hoạt đầu tuần, Ban giám hiệu chỉ dành một ít thời gian nhắc nhở HS những điều cần thiết, còn lại giao cho các lớp tiếp quản sân khấu, chuyển tải các nội dung như: Năm văn hóa văn minh đô thị; An toàn giao thông; Phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường,...

Những năm trước, mỗi khi sinh hoạt dưới cờ là giáo viên chủ nhiệm “bở hơi tai” nhắc nhở HS lớp mình giữ yên lặng, giờ thì tất cả “nín thở” theo dõi các tiết mục bất ngờ, mang phong cách rất học trò diễn ra trên sân khấu. Khi thì múa lân, Táo quân, dân vũ, lúc thì tiểu phẩm, nhảy hiện đại, biểu diễn thời trang... Các lớp thi nhau đưa các chi tiết mới lạ, hấp dẫn, đầy sáng tạo vào phần diễn của lớp mình. Ví như tiểu phẩm về an toàn giao thông nói trên, trong lúc HS bị cảnh sát giao thông xử phạt vì vượt đèn đỏ, người dẫn chương trình đọc câu thơ ngắn gọn, dễ nhớ “Lao qua đèn đỏ xin mời/ Bốn trăm ngàn đó, bạn thời nộp cho”.

HS nhà trường sau đó mỗi khi chạy xe thấy đèn tín hiệu giao thông bật sang màu đỏ là nhớ ngay vụ việc “bốn trăm ngàn” đó.

Khơi dậy văn hóa - nghệ thuật dân gian

“Phong trào văn hóa, văn nghệ trong trường học đã được Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học triển khai thực hiện từ năm học 2008 - 2009, thời điểm Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Đà Nẵng) cho biết.

Nếu mô hình “Sân khấu hóa sinh hoạt dưới cờ” của Trường THPT Thanh Khê mới nổi lên trong vài năm trở lại đây thì mô hình “Ngày hội văn hóa dân gian” không còn xa lạ với học sinh các trường THPT ở Đà Nẵng, trong đó “đình đám” nhất là Trường THPT Phan Châu Trinh... Mỗi đơn vị trường học sắp xếp thời gian, bố trí giáo viên tổ chức sưu tầm, tập dượt các trò chơi và các loại hình nghệ thuật dân gian ở địa phương, đưa các hình thức này vào các hoạt động trong nhà trường và trong các dịp lễ, Tết của địa phương một cách thường xuyên, liên tục.

Với cái “bắt tay” giữa Bộ GD&ĐT và Bộ VH-TT&DL, công tác Giáo dục di sản - đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường thời gian qua đã giúp các thầy giáo, cô giáo và HS nâng cao vốn hiểu biết về hát dân ca, duy trì các bài hát dân ca, tạo nên một sức sống mới nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc âm nhạc của dân tộc.

Ở huyện Hòa Vang, theo bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, từ năm học 2009 - 2010, đã triển khai thực hiện thí điểm chủ trương này tại 3 trường THCS (Nguyễn Phú Hường, Trần Quốc Tuấn, Phạm Văn Đồng) với các làn điệu như bài chòi, hò ru con, vè Quảng, các điệu hò, điệu lý đặc trưng của xứ Quảng.

Một năm sau đó, Phòng GD&ĐT phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) huyện tổ chức bồi dưỡng các lớp dân ca cho giáo viên âm nhạc và nhân rộng tất cả các trường Tiểu học và THCS. Từ đó mỗi trường đều thành lập các CLB Em hát dân ca, tiêu biểu nhất là Trường tiểu học Lâm Quang Thự (xã Hòa Phong) và Trường THCS Nguyễn Bá Phát (xã Hòa Liên).

Cần lắm những sân chơi

Theo thầy Nguyễn Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bá Phát, trường đã mở được nhiều lớp dạy hát dân ca thu hút trên 500 HS tham gia. Trong số đó đã nổi lên những em thực sự có năng khiếu, được nhà trường phối hợp với Phòng VH-TT huyện tổ chức bồi dưỡng riêng để các em phát huy năng khiếu. Điển hình như em Ngô Văn Hậu từng là thành viên đội hát dân ca của huyện đại diện thành phố dự thi hát dân ca toàn quốc tại tỉnh Lâm Đồng năm 2015 (đoạt Huy chương vàng); em Võ Thị Tính dùng năng khiếu hát dân ca để thi phần tài năng tại Miss Áo dài Việt Nam năm 2014. Đội hô hát bài chòi của trường tham gia Hội thi “Em đi trong nắng xuân năm 2016” đoạt Huy chương vàng,...

Từ lâu nhà trường đã ấp ủ và lên kế hoạch xây dựng đội bài chòi học sinh nhưng vì nhiều lý do khách quan nên chưa thể thực hiện được. Thầy Tùng mong muốn không chỉ huyện Hòa Vang mà thành phố quan tâm nhiều hơn nữa về việc tổ chức thường xuyên những sân chơi, các hội thi về nghệ thuật dân ca nói chung và hô hát bài chòi nói riêng để các em học sinh có dịp tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân gian lâu đời của ông cha.

Cũng nhằm tránh xói mòn văn hóa dân tộc, năm học 2017 – 2018, Trường THPT Thanh Khê sẽ hướng HS thể hiện các nội dung mô hình “Sân khấu hóa sinh hoạt dưới cờ” bằng các làn điệu dân ca. Trước mắt, Ngày hội văn hóa dân gian diễn ra vào các ngày 24 và 25-3 này, trường sẽ khuyến khích HS tìm về nghệ thuật tuồng, bài chòi, dân ca 3 miền... những loại hình nghệ thuật không chỉ tạo nên sân chơi hấp dẫn cho các em mà còn góp phần nâng cao kỹ năng sống, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng tiềm ẩn trong HS, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc…

“Các đơn vị, trường học đã triển khai tốt các hội thi văn hóa, văn nghệ; các trò chơi dân gian với nhiều hình thức phong phú và sinh động. Đây là hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh, bổ ích, thu hút được đông đảo HS tham gia, tạo sự thân thiện, gần gũi giữa thầy và trò. Thông qua đó, nhà trường, giáo viên tăng cường việc giáo dục truyền thống văn hóa, dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước cho HS; giáo dục HS sẽ là người nuôi dưỡng và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là người phổ biến những giá trị văn hóa của dân tộc”.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ

.