Đà Nẵng cuối tuần

Quảng Trị - miền nhớ thương trong thơ Tố Hữu

09:02, 26/02/2017 (GMT+7)

Quảng Trị, vùng đất gợi nhiều cảm hứng cho các nhà thơ hiện đại. Nơi ấy, nói như nhà thơ Chế Lan Viên: Những đồi tranh ăn độc gió Lào/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người / Cuộc sống gian lao, ít tiếng nói cười / Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng. Nhưng, cũng vùng đất ấy, suốt đời nặng nợ “Một tên làng Quảng Trị / Suốt đời đâu dám quên” (Phạm Ngọc Cảnh).

Tố Hữu, nhà thơ sinh ra tại Huế, lại duyên nợ với Quảng Trị và có những câu thơ, bài thơ đầy da diết viết về miền thương nhớ này. Tố Hữu gắn với Quảng Trị ngay từ thời Từ ấy, thời kỳ hoạt động sôi nổi trước 1945. Tháng 6 năm 1938, khi mới 18 tuổi, Tố Hữu viết bài thơ Lao Bảo, một trại tù khắc nghiệt:

Là Lao Bảo, chốn này đây, Lao Bảo
Tên đun sôi, sùng sục tủy xương tàn
Là nơi đây, nấm mồ bao khối não
Là nơi đây, huyết ứ dưới lời than!...

Vùng đất hiu quạnh, âm u, “pháp trường thân chiến sĩ” cũng là nơi mà người chiến sĩ trẻ tuổi ước nguyện: “Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/ Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai”. Trải qua những ngày bị giam cầm, từ nhà ngục này, Tố Hữu có những bài thơ như Năm xưa, Con cá chột nưa, rồi đến Đôi bạn, Trăng trối, Châu Ro, Đông,…

Sau này, đến với Quảng Trị, Tố Hữu có nhiều thơ hay để lại. Quả vậy, có thể nói, những đoạn thơ hay nhất, ấn tượng nhất, ghi lại đúng nhất những gì đau thương của đất nước trong những năm chiến tranh, chính là phần viết về vùng đất của Quảng Trị trong Nước non ngàn dặm.

Khi tóc đã ngả màu sương, người con quê hương mới có dịp “tìm đường thăm quê”. “Bước chân bồi hồi”, quá khứ và hiện tại trộn lẫn, xen nhau. Đứng trước dòng sông chia đôi đất nước, lòng nhà thơ xao xuyến: “Sông Bến Hải bên bồi bên lở / Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương / Cách ngăn mười tám năm trường / Khi mô mới được nối đường vô ra? / Bây giờ cầu lại bắc qua/ Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình”.

Từ đây, những hình ảnh về Quảng Trị dần hiện ra, đầy đau thương, bi tráng:

Anh về Quảng Trị... Gio Linh
Trèo lên dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang
Bời bời cỏ lút đồng hoang
Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn
Tả tơi mấy ấp khu dồn
Mái tôn, rào kẽm, tháp đồn chơ vơ!

Đoạn thơ ngắn, nhiều từ láy: bời bời, chang chang, tả tơi, chơ vơ làm cho ý thơ tăng thêm phần khốc liệt của vùng đất dữ dội, tang thương. Những hình ảnh sau đây mới thực ấn tượng về sự hủy diệt:

Xe lên đường 9 cheo leo
Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau
Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu
Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh

Đường 9 là con đường chiến lược, dài chừng 83,5 km, nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nối từ Cửa Việt đến Khe Sanh, cắt ngang dãy Trường Sơn và đường vận tải bắc - nam, qua hai nước Việt - Lào từ đông sang Tây. Con đường này đi vào lịch sử bằng nhiều chiến dịch quân sự từ 1960 đến 1975.

Đường 9, con đường cheo leo, ngược dốc, hai bên là những hố bom. Những hố bom như bao con mắt đỏ, ngước nhìn trời trong cái nắng chang chang của gió Lào. Hình ảnh gây nhức nhối nhất, đấy là hàng nghìn cây khô chết cháy, chết mà chưa kịp nghiêng đầu, đen như cánh tay than, bấu vào trời xanh, vẽ ra cảnh tượng hãi hùng của một bức tranh thời chiến. Hình ảnh chân thực chiếu theo phương thẳng đứng, làm liên tưởng đến mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thi trong bài thơ Đất nước: Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều.

Qua đường 9, nơi có khu Nhà đày Lao Bảo, quá khứ thức dậy, nhà thơ: “Chợt nghe... từ tuổi hai mươi / Tiếng xiềng Lao Bảo gọi người bạn xưa”. Giữa cảnh hoang tàn, đổ nát, Tố Hữu bùi ngùi nhớ các đồng đội, đồng chí ngày xưa: “Bâng khuâng nhớ bóng các anh những ngày... Có qua những bước đi đày/ Càng thêm ấm những bàn tay giữa đời” ...

Có thể nói, bước chân về Nam, như nhà thơ viết: “Sông Hương đành nhớ, chưa qua sông Bồ”.
Sau ngày đất nước thống nhất, trong nhiều bài thơ, câu thơ, Quảng Trị vẫn để lại dấu ấn trong các chặng đường sáng tác của Tố Hữu. Không chỉ cảnh trí, con người Quảng Trị cũng ghi đậm cảm xúc. Mẹ Diệm là một điển hình. Người mẹ vá cờ có tên Ngô Thị Diệm, suốt 15 năm vẫn âm thầm, cần mẫn với từng đường kim mối chỉ để giữ cho ngọn cờ Tổ quốc vẫn tung bay bờ bắc. Có những ngày gió lớn, phải đến 7, 8 lần thay cờ, người mẹ Vĩnh Linh kiên gan, bền bỉ: “Hầm sâu mẹ Diệm lặng im / Khéo tay, sợi chỉ cây kim vá cờ / Mẹ ơi! Bom đạn bất ngờ / Sao không tạm lánh xa bờ ít lâu? / Mẹ rằng: “Mẹ chẳng đi đâu!” / Còn anh bộ đội canh cầu ngày đêm!”.  

Câu chuyện ngỡ như huyền thoại này đã thành thơ, thành nhạc, ngợi ca một con người.     

Nhớ về Anh, bài thơ viết riêng cho đồng chí Lê Duẩn, người con Quảng Trị, ra đi ở tuổi tám mươi, nhớ một thời nghèo khó:

Nóng bỏng cát đồi Triệu Hải
Bữa cháo bữa rau, đùm bọc nhau lá rách lá lành

Bài thơ như lý lịch một đời hoạt động cách mạng sôi nổi, vì Nước vì Dân, ra Bắc vào Nam, “Xóm thợ Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội” rồi “Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo / Xiềng lạnh năm canh / Không giết được Anh”... “Anh Ba ơi ! Nhớ mãi ngày vui lớn ấy/ Sáng tháng Năm / Mừng kháng chiến thành công / Tâm hồn Anh / Vừa long lanh cuộc sống / Vừa bay bổng ước mơ / Một đời Anh / Thanh thản lương tâm”.

Tuổi thanh xuân gắn liền với Quảng Trị, vì thế, vào những năm 80 tuổi, quay về vùng đất này, qua lại bao con đường ngày trước, nhà thơ không khỏi xúc động. Giữa khung trời Quảng Trị hôm nay, giữa nghĩa trang thơm ngát khói hương, hàng hàng lớp lớp ngôi mộ, nhà thơ vẫn nhận được tiếng vọng đồng đội:

Nghe gió hú Trường Sơn nghìn dặm
Tưởng quân đi, rầm rập chiến trường.

(Nghĩa trang Trường Sơn)

Đến Đông Hà, không thể không nhớ đến Đường Chín, Đường Chín ta sức lưỡi gươm thần (Đường Chín). Qua cầu mới Hiền Lương, không thể không nhớ cầu xưa, nhớ hai mươi năm chia cắt:

Chao ôi! Trời đất nơi đâu
Một cây cầu nhỏ, mà đau một đời!

(Cầu Hiền Lương)

Ngày trước, Cầu Hiền Lương ấy, lưỡi cưa xé lòng, thì nay qua cầu mới, vẫn không quên: Ngày vui, ai nỡ quên thời nhớ thương. Đêm Vĩnh Linh, bài thơ có 8 khổ với 32 câu, thể thơ 5 chữ, là những dòng thơ vừa nhớ về quá khứ, vừa thao thức hôm nay, không ngủ, nghe nhịp đời như sóng biển rì rào, từ Vĩnh Linh, Hồ Xá, sang Vịnh Mốc, Cồn Cỏ, rồi tự hỏi:

Lạ thay đất nước mình
Không trường thành vạn lý
Một vùng đồi thanh bình
Vững hơn bao chiến lũy!

Vĩnh Linh ngày ấy “bom đạn dội trên đầu” và Vĩnh Linh bây giờ “Rười rượi gió khơi xa”.

Đất và người Quảng Trị để lại nhiều cảm xúc trong thơ Tố Hữu. Trên các chặng đường sáng tác, những khoảng trời trong veo, xanh thẳm đầy thương nhớ về Quảng Trị đã được Tố Hữu khắc ghi. Có lẽ, ít vùng đất nào vào thơ Tố Hữu như vùng đất gió Lào, cát trắng yêu thương này.

Cảm ơn nhà thơ đã gửi lại cho chúng ta những sắc màu lấp lánh ấy qua bao tháng năm gian khổ, anh hùng của Quảng Trị.

HUỲNH VĂN HOA

.