Đà Nẵng cuối tuần

Nhà ở và quán trà của người Nhật

15:47, 26/03/2017 (GMT+7)

Căn nhà là nơi chốn của nghệ thuật. Qua kiểu thiết kế, các kiến ​​trúc sư có tầm nhìn xa trông rộng, đã định hình dáng vẻ nước Nhật. Một quán trà nhỏ nằm trên đỉnh thân cây, một mặt tiền của một ngôi nhà mang hình khuôn mặt người...

“Quán trà trên cao” của Fujimori ở Nagano.
“Quán trà trên cao” của Fujimori ở Nagano.

Trung tâm Barbican ở thành phố London là trung tâm nghệ thuật lớn nhất ở châu Âu chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển và hiện đại, biểu diễn sân khấu, chiếu phim và triển lãm nghệ thuật vừa tổ chức triển lãm về những ngôi nhà đã tạo cảm hứng cho kiểu dáng kiến ​​trúc khác thường nhất của Nhật Bản.

Terunobu Fujimori, nhà sử học, kiến trúc sư người Nhật Bản, được người Nhật đặt tên “Người tinh nghịch” đã thiết kế và thực hiện những ngôi nhà lý thú, hấp dẫn mà không tuân theo bất kỳ quy tắc thông thường nào. Tác phẩm của Fujimori trông giống như tổ chim hay cái kén của các sinh vật kỳ dị, “công trình” được cắt, dán, đan kết bằng vật liệu hữu cơ, những thứ đơn giản từ thiên nhiên.

Fujimori đã tự xây dựng một “Quán trà nhỏ” ở Nagano, thủ phủ của tỉnh Nagano Prefecture, thuộc vùng Chūbu của Nhật Bản. “Quán trà nhỏ” đặt giữa hai thân cây, thay vì  “một chân rất nguy hiểm và ba chân quá ổn định và nhàm chán”, trông có phần chênh vênh nhưng vững chắc. Ngoài ra, Fujimori làm thêm một “Quán trà nhỏ” khác nữa, tên là Flying Mud Boat (Thuyền đất bùn bay) treo trên dây trông giống như cái kén đang bay.

Quán trà “Thuyền đất bùn bay” của  Fujimori.
Quán trà “Thuyền đất bùn bay” của  Fujimori.

Các tòa nhà do Fujimori thiết kế, sáng tạo và thực hiện phần đẽo khắc mang  sự quyến rũ như truyện tranh dành cho trẻ em, với những mái nhà quá khổ, những ống khói thì nhỏ bé, chật chội, rải rác chung quanh “Quán trà nhỏ” là một vài cánh cửa nắp đậy, cửa sổ bằng gỗ rừng, tất cả như thể được vận chuyển từ một bộ phim hoạt hình manga.

Công trình làm bằng vật liệu của rừng này là một phần của sự chuẩn bị của Fujimori cho một cuộc triển lãm ở Barbican nói về ngôi nhà Nhật Bản từ sau năm 1945. Tại phòng trưng bày, Fujimori xây dựng một quán trà, sử dụng miếng gỗ cháy, phủ sơn lên để ghi tên tác phẩm của mình.

Đến quán trà này, du khách bước vào khoảng không thông qua một ngưỡng cửa thấp, theo con đường quanh co đi qua những đồi cỏ để đến căn phòng nhỏ, màu đen, rồi phải kiễng chân lên để qua một lỗ nhỏ ở trên cùng bậc thang. Đối với khách thì lối vào quán trà khá rắc rối. Fujimori giải thích: “Phải luôn lúng túng khi bước vào quán trà. Kiến trúc khác thường này sẽ làm bạn quỳ xuống, hoặc bò, vì như thế bạn thể hiện sự tôn trọng đối với buổi lễ trà đạo”.

Ngôi nhà “Khuôn mặt người” của Kazumasa Yamashita ở Kyoto, Nhật Bản.
Ngôi nhà “Khuôn mặt người” của Kazumasa Yamashita ở Kyoto, Nhật Bản.

Các bức tường bê-tông gồ ghề của Trung tâm triển lãm Barbican sẽ mang lại sự tương phản đáng hài lòng với màu da cá sấu đen nâu của các tấm tường nhà bằng than củi của Fujimori. Nhuộm gỗ bằng than, cách thực hành của người Nhật thời cổ đại đã được sử dụng trong hàng trăm năm trước để bảo vệ gỗ chống mục rữa và mưa.

Cách thức này xuất hiện trước khi sơn chống thấm nước, chống ẩm được phát minh. Và nó là một loại kỹ thuật nguyên thủy thu hút được trí tưởng tượng của Fujimori, nằm bên ngoài quy tắc, kỹ thuật kiến ​​trúc truyền thống.

“Lịch sử kiến ​​trúc có tuổi cao hơn nhiều so với lịch sử của kiến ​​trúc sư - Fujimori giải thích rằng chính nhờ được đào tạo để trở thành một sử gia nên điều này đã giúp ông cố gắng để loại bỏ bất kỳ ảnh hưởng của những gì đã đi trước - Tôi đã có một quy tắc rằng công trình của tôi không nên dính dáng tới bất cứ điều gì khác trong lịch sử kiến ​​trúc”.

Say mê trong vai trò của một kiến trúc sư “nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp”, Fujimori xây dựng cấu trúc của mình với sự giúp đỡ của một nhóm bằng hữu nhiệt tình thuộc công ty mang tên Jomon- thời kỳ đồ đá mới trong lịch sử Nhật Bản.

Cùng với một nhóm người tình nguyện bao gồm nhà văn, họa sĩ, nhà làm rượu sake, nhà xuất bản và linh mục, họ sử dụng các công cụ cơ bản để tạo cho tòa nhà cảm giác ấm cúng, thô ráp, cách tiếp cận của họ dẫn đến những chi tiết kỳ lạ như tỏi tây trồng trên mái nhà và các khối u nổi bằng củi ép vào trần nhà thạch cao.

Ở đây, người ta còn chú ý đến thiết kế ngôi nhà ấn tượng khác “Nhà khuôn mặt người” của Kazumasa Yamashita, một nghệ sĩ người Nhật Kazumasa Yamashita đã có một số triển lãm trưng bày tại các bảo tàng, bao gồm cả Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại thế kỷ 21.

Yamashita cho biết: “Tôi đã cố gắng tìm ra giải pháp bằng cách sử dụng một cấu trúc hộp đơn giản và kinh tế (bê-tông cốt thép), thêm các phụ kiện nhỏ nhưng có hiệu quả, nhất là cho mặt tiền”. Chức năng chiếc mũi trên khuôn mặt chỉ cốt lấy ánh sáng vào một trong các phòng của trẻ em.

Lối vào chính, đạt tới cầu thang bên ngoài, nằm ở tầng một, được cho vào phòng ngủ, phòng tắm và phòng tatami (lát sàn bằng tatami). Phòng khách và bếp nằm trên tầng cao nhất. Tầng trệt, bao gồm hai xưởng độc lập dành cho khách hàng đến làm việc. Lối đi trực tiếp, từ đường phố vào nhà thì đi thông qua ‘miệng cười’.

Cuộc triển lãm mang tên The Japanese House: Architecture and Life after 1945 (Nhà ở của người Nhật: Kiến trúc và Đời sống sau 1945) diễn ra từ 23-3 đến 25-6. Triển lãm cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thiết kế Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai.

HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)

.