Đà Nẵng cuối tuần
Lấy vợ xem tuổi
Dân gian có câu: “Lấy vợ xem tuổi đàn bà/ Làm nhà xem tuổi đàn ông”, mới biết khi tính chuyện trăm năm, người ta đặc biệt coi kỹ tuổi tác của người con gái. Để từ cái tuổi hiền, hợp với người chồng, người phụ nữ như linh hồn của gia đình, giữ cho bếp luôn đỏ lửa, nhà ấm êm.
Tập tục xem tuổi vợ, chồng trước khi quyết định ngày cưới vẫn được hầu hết gia đình Việt Nam gìn giữ. (Ảnh mang tính minh họa cho bài viết). |
Dựng vợ, gả chồng từ xưa đến nay vốn là chuyện hệ trọng của cả đời. Đôi trẻ yêu nhau, đến khi tính chuyện về chung một mái nhà thế nào, cha mẹ đôi bên cũng hỏi han tuổi tác xem có phạm xung khắc không, rồi đem tuổi đôi trẻ đến để thầy xem có hợp không, năm nào cưới thì tốt... Nhà trai thường coi kỹ hơn nhà gái, bởi quan niệm người con dâu ấy về sau sẽ sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống cho dòng tộc. Theo các cụ, “Lấy vợ xem tuổi đàn bà/ Làm nhà xem tuổi đàn ông” và “1, 3, 6, 8 Kim lâu/ Dựng nhà, lấy vợ, tậu trâu thì đừng!”. Theo lệ, người ta lấy tuổi của người con gái để chọn năm cưới. Tuổi đẹp có thể cưới được là những tuổi không phạm tới tuổi Kim lâu(*).
Chị Quỳnh Phương (27 tuổi, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) kết hôn được 4 năm, kể lại, khi đang học năm cuối đại học thì ba mẹ chồng chị đánh tiếng “nhất định trong năm nay phải cưới vì năm nay rất tốt, năm sau là năm tuổi sẽ không cưới được, năm sau nữa lại không tốt”. Vậy là đang học ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị thu xếp về đám hỏi, chụp ảnh cưới, làm đám cưới xong lại vào học tiếp. Đến nay, trong khi nhiều bạn bè còn đang mải mê rong ruổi cho hết tháng ngày tuổi trẻ, chị Phương đã là mẹ của cậu con trai 3 tuổi và cả hai vợ chồng đều đang có công việc ổn định. Lúc nghe ba mẹ chồng bảo cưới, chị mới 22 tuổi. Chị đã phân vân rất nhiều, sợ cảnh làm dâu khi còn chưa biết cách làm con. Nhưng chị đã được chồng và gia đình động viên, nên mới vững dạ kết hôn. Nhưng, không vì “cưới nhau trong năm tốt”, mà vợ chồng chị luôn tin rằng mọi điều tốt sẽ được cuộc đời ban tặng. “Đến nay, trong cuộc sống vợ chồng, không tránh khỏi những mâu thuẫn, nhưng chúng tôi luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực, luôn nỗ lực vượt qua mọi thử thách để cùng nhau đi đến cuối cuộc đời này”, chị Phương trải lòng.
Ở góc độ tâm linh và tâm lý mà xét thì khi muốn kết hôn, việc xem tuổi vợ chồng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi ông bà tin, nếu hợp tuổi, cuộc hôn nhân sẽ trọn vẹn và hạnh phúc. Còn ngược lại, cuộc sống gia đình về sau sẽ gặp trắc trở, có thể dẫn đến chia ly. Anh Phạm Hải (sinh năm 1986, đường Lê Lai, quận Hải Châu) vẫn nhớ những nhiêu khê để được cùng nhau “đầu gối tay ấp” với người vợ anh bây giờ. Ngày anh dẫn người yêu về ra mắt, ba mẹ anh rất vui vì anh đã chọn được một cô gái nết na. Nhưng đến khi biết cô gái tuổi Tỵ, trong khi anh con trai tuổi Dần (phạm phải tứ hành xung Dần-Thân-Tỵ- Hợi), ba mẹ anh đã ra sức khuyên can. Dù ông bà khuyên bảo tế nhị là “Sách vở nói thế, ông bà ta đã đúc kết như vậy, tùy ở con” nhưng anh Hải vẫn không sao vui nổi vì biết cha mẹ đã bận lòng. Không đành lòng nhìn mối lương duyên của con có bề tan vỡ, người cha đã quyết tìm ra cách hóa giải. Ông tự mình tìm hiểu sách vở xem nên tổ chức cưới vào giờ nào, lễ gia tiên giờ nào, đi rước dâu hướng nào, về nhà trai lúc mấy giờ, ai là người dẫn cô dâu vào nhà… Rồi ông “phân công” cho vợ gọi con dâu tương lai đến nhà thường xuyên để làm quen với lề lối gia đình, bày cho con cách ăn cách ở để mai này giữ gia đạo bình yên… “Ngày cha mẹ đồng ý để chúng tôi kết hôn, tôi nhận ra rằng, tình thương con của cha mẹ dành cho con cái là vô bờ bến. Chúng tôi đã “đền bù” cho ông bà bằng 2 đứa cháu đủ nếp đủ tẻ kháu khỉnh”, anh Hải cười.
Trong cuộc sống hiện nay, rất nhiều tập tục ông bà để lại đã phai nhạt, nhưng riêng việc coi ngày tháng, tuổi tác khi cưới xin vẫn được lớp trẻ giữ lại, nhưng linh hoạt hơn. Theo kinh nghiệm dân gian, nếu tuổi tác, năm tháng không “thuận” cũng không nhất thiết là không được cưới gả. Ông bà cũng để lại nhiều cách hóa giải bởi “có đóng, có mở”. Việc cưới xin nếu gặp Kim lâu thì “xin dâu hai lần” để hóa giải việc “đứt gánh giữa đường”. Như chị Hạ Vy (sinh năm 1990, đường An Cư 7, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) kể, tuổi chị và chồng được xem là khắc (Mẹo-Ngọ) nhưng vì yêu nhau, hai người quyết đến với nhau, dù gia đình bên chồng chị người Huế, vốn rất kỹ lưỡng, nhưng cũng không phản đối. Trước và sau khi cưới nhau, mẹ chồng chỉ luôn dặn dò cả hai vợ chồng cách sống, sao cho “cơm sôi nhỏ lửa”, xấu tốt do mình, nếu chịu khó, thì một tháng ăn chay vài ngày cho thanh tịnh. Chị Vy nói rằng, đôi khi, nhờ cái sự lo vì không hợp tuổi, luôn buộc vợ chồng phải luôn cố sống sao cho hòa thuận.
Ông B., một người xem tử vi có tiếng ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) thủng thẳng, chuyện tuổi tác xung khắc hay hòa hợp đã được ông bà ta đúc kết hàng trăm, hàng nghìn năm và được giữ lại qua nhiều đời. Từ lúc xem ngày tháng đến giờ tôi chưa phán chia lìa lứa đôi nào vì lý do tuổi tác. Bởi cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là tuổi tác. Ngoài tuổi thì còn có cung, mạng. Rồi cùng cái tuổi đó nhưng ngày, giờ khác thì số mệnh cũng khác. Ví dụ, cùng là tuổi Ngọ nhưng có người sướng, người khổ vì kiếp con ngựa cũng vậy, có tháng nó nhởn nhơ ăn cỏ nhưng có tháng nó hì hục làm việc. Hay cùng mạng nhưng cũng khác nhau. Ví dụ cùng mạng hỏa nhưng có ngọn lửa bùng lên cháy dữ dội, thiêu đốt tất cả, có ngọn lửa xẹt lên cũng là lửa nhưng không đốt được. Đó là lý do vì sao có những cặp vợ chồng xem tuổi thì rất hợp nhưng khi về sống thì bếp núc lạnh tanh, gia đình xào xáo. Lại có những đôi đến xem, thầy phán 2 tuổi này lấy nhau thì rất khắc khẩu nhưng đến giờ sau 10 năm, họ vẫn hạnh phúc. Ấy là bởi người vợ biết nhẫn nhịn, biết tuổi 2 vợ chồng khắc khẩu nên mỗi khi tranh luận xảy ra, người vợ luôn bớt lời. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Hương Việt chia sẻ, tập tục “Lấy vợ xem tuổi đàn bà…” nhằm đề cao vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình. Gia đình có ấm êm hay không, sự nghiệp của chồng có vượng hay không phụ thuộc phần lớn vào người phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ nên coi đó là một kênh tham khảo chứ không nên quá lệ thuộc.
QUỲNH TRANG
(* ) Cách tính Kim lâu trong hôn nhân, chỉ áp dụng cho phái nữ: Lấy số tuổi âm của người nữ, chia cho 9, nếu dư 1, 3, 6, 8 là phạm kim lâu, không nên tổ chức đám cưới vào năm đó. Số dư 1, bản thân có những bất lợi về sức khỏe, công danh; dư 3, dễ gặp tai nạn, chia ly, gãy đổ cho gia đạo, hôn nhân không hạnh phúc; dư 6, bất lợi cho con cái; dư 8, các loài vật nuôi trong nhà sẽ bị bệnh dịch mà chết, gây thiệt hại đến sản xuất và kinh tế. (nguồn: http://phongthuyso.vn)