Đà Nẵng cuối tuần
Lá diễn hay Rau gan heo
Một lần cùng lương y Lâm Quang Thành đến thăm một ngôi chùa ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), thấy vườn chùa có trồng vạt rau lạ, nghe nói nấu canh ăn ngon như rau ngót, tôi đã xin mẫu đem về TP Hồ Chí Minh, nhờ TS Võ Văn Chi, tác giả Từ điển cây thuốc Việt Nam, định danh mới biết đó là cây Lá diễn.
“Lá diễn thanh nhiệt tiêu sưng/ Mát gan lợi tiểu, lại dùng nấu canh”. Ảnh: P.C.T |
Cây Lá diễn còn gọi rau gan heo, hay rau gan chó, vì tiếng Trung gọi phổ biến là Cẩu can thái (狗肝菜); tên khoa học Dicliptera chinensis (L.) Ness, thuộc họ Ô rô - Acanthaceae.
Mang cây lá diễn đó về Đà Nẵng, trồng ở chậu kiểng được một thời gian, cây ra hoa. Tình cờ có dịp về quê, ngang nhà ông anh ở thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, tôi chợt thấy cả một đám lá diễn mọc hoang dưới lùm tre râm mát. Hóa ra cây thuốc mình cất công mang cả ngàn cây số về trồng có đầy đồng bãi quê hương mà lâu nay tôi không biết. Quả đúng như người ta nói: chúng ta sống trên đống cây thuốc mà nhiều lúc chẳng hay.
Lá diễn là cây thảo sống hằng năm hay vài ba năm, cao 30-80cm. Thân và cành non có 4 cạnh, có lông tơ, các mấu phình to tựa như đầu gối. Lá mọc đối, màu xanh lục, phiến lá hình trứng thuôn, dài 2-7cm, rộng 2-4cm, đầu và gốc đều nhọn, có lông thưa. Hoa màu trắng hồng, mọc thành xim ở nách lá và ở đầu cành. Các lá bắc hình trái xoan dài 8-11mm, các tiền diệp hẹp. Quả nang ngắn có lông tơ ở phía đầu. Hạt dẹt. Ra hoa từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau.
Cây khá phổ biến ở Việt Nam, còn có ở Trung Quốc. Thường mọc hoang ở ven đường, ven suối, bãi trống hoặc thành đám ở dọc bờ mương, rãnh nước, nơi ẩm mát và cũng được trồng để lấy lá nấu canh hay làm thuốc. Có thể thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Theo Đông y, Lá diễn có vị ngọt nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, làm mát máu, sinh tân dịch.
Thường dùng trị: Cảm mạo, sốt cao; Viêm phổi nhẹ, viêm ruột thừa cấp; Viêm gan cấp, viêm kết mạc; Viêm ruột, lỵ; Phong thấp viêm khớp; Giảm niệu, đái ra dưỡng trấp. Dùng 30-60g cây khô hay 60-120g cây tươi sắc uống. Dùng ngoài trị lở sưng, rôm sẩy, mụn nhọt, bỏng rạ, dùng lá tươi giã nát xoa. Ngoài ra cũng dùng lá nấu canh ăn với thịt lợn, ngon như rau Bồ ngót.
Ðơn thuốc:
1. Cảm mạo và sốt: Dùng toàn cây lá diễn 100g, sắc chia 3-4 lần uống trong ngày; hoặc dùng Lá diễn, Ðơn buốt, Rau má, mỗi vị 40g sắc uống.
2. Sốt phát ban kèm tiêu chảy: Lá diễn 60-90g, Đậu xị 10g, Trứng vịt vỏ xanh 1 quả (cho vào sau). Cho 3 chén nước, sắc còn 1 chén, ăn trứng, uống thuốc cho hết 1 lần.
3. Tiểu ra máu: Lá diễn và Rau sam, mỗi thứ 100g, đổ 2 lít nước sắc còn 1 lít, thêm chút muối chia uống 2-3 lần trong ngày.
4. Tiểu nhỏ giọt, không thông: Lá diễn 500g, giã vắt nước cốt hòa với 50g mật mía uống.
5. Bệnh lỵ: Lá diễn 30g, Cỏ sữa lá nhỏ, Tước sàng mỗi thứ 15g. Sắc uống.
6. Trẻ em đi lỵ: Lá diễn 60g, sắc chia 3-4 lần uống trong ngày.
7. Mắt đỏ sưng đau: Lá diễn 30g, Cúc hoa dại 30g. Sắc uống.
8. Hầu họng sưng đau: Lá diễn tươi 30-60g, giã vắt nước ngậm nuốt từ từ. Hoặc dùng: Lá diễn 30g, Thù lù cái 15g, sắc uống.
9. Viêm xoang miệng: Lá diễn, Rau má, lá rau muống, mỗi thứ 30g, sắc uống.
10. Viêm phổi: Lá diễn, Dâu núi mỗi thứ 30g, Ba chạc 24g. Sắc uống.
11. Viêm túi mật: Lá diễn, Bòng bong đều 30g; Bồ công anh 15g. Sắc uống.
12. Viêm niệu đạo: Lá diễn 30g, Bán biên liên, Rau mã đề, Cỏ bờm ngựa đều15g. Sắc uống.
13. Đinh nhọt: Lá diễn tươi 50-100g, sắc uống. Dùng thêm lá diễn tươi giã đắp lên nhọt.
14. Mụt nhọt lở loét: Lá diễn, Cải rừng tía. Giã nhuyễn đắp lên mụt lở.
15. Phong dời (Zona): Lá diễn tươi 100-150g, thêm chút muối giã vắt nước bôi, hoặc trộn thêm ít bột hùng hoàng bôi càng hay.
Chú ý: Không nhầm lẫn cây Lá diễn với hai cây cùng họ là Lá cẩm hay Cẩm (Peristrophe bivalvis L.) thường dùng để nhuộm xôi cho màu tím và cây Thuốc trúng dại – Cỏ sư tư tử chín đầu mà chúng tôi đề cập trong một số báo trước.
PHAN CÔNG TUẤN