Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Đơn rau má

18:21, 25/06/2017 (GMT+7)

Nhân lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần đầu được tổ chức ở huyện Nam Trà My, cùng DS. Đặng Ngọc Phái, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam và DS. Hồ Thị Bích Hường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Danapha, tôi có một chuyến hành hương thú vị về thăm trạm dược liệu Trà Linh trên điểm cao 1.800m của ngọn “linh sơn” này. Nói “hành hương” hay “hồi hương” cũng được, bởi lẽ DS. Phái và DS. Hường từng là cán bộ y tế hoạt động trên chiến khu Trà My trước và sau năm 1975. Với tôi, tuy là lần đầu mới đến, nhưng chào đón tôi trên suốt chặng đường mấy mươi cây số cuốc bộ, có rất nhiều cây thuốc quen thân nên cũng có cảm giác như đang trở về quê hương yêu dấu của mình.

Đơn rau má - Pratia nummularia.  Ảnh: P.C.T
Đơn rau má - Pratia nummularia. Ảnh: P.C.T

Một điều khá ấn tượng với tôi là một số cây như rau mã đề, rau diếp cá, cơm cháy,… thường chỉ gặp cây trồng ở Đà Nẵng thì trên núi Ngọc Linh lại mọc hoang khá nhiều. Đặc biệt, có một loài cây mọc bò trên mặt đất ven các lối đi thu hút sự chú ý của tôi do có quả như viên bi màu đỏ tím như mận chín trông rất hấp dẫn. Tôi đã chụp ảnh và hạ quyết tâm sẽ tìm hiểu xác định chính xác cây gì.

Vừa trở về nhà, mặc dù cả người còn rã rời, nhưng được Giám đốc Bệnh viện YHCT Đà Nẵng cho biết Công ty Kim châm cứu Khánh Phong có gửi biếu bộ sách “Thực vật bậc cao Trung Quốc”, tôi nghe như hết cả mệt mỏi, nên vội xuống cơ quan nhận quà.

Nhìn bộ sách đồ sộ gồm 14 tập, ngót một vạn trang chữ Hán chi chít, tôi cầm thử một tập mở ra xem. Kỳ lạ thay, vừa lật mấy trang ảnh màu phụ lục cuối sách, đập vào mắt tôi là bức ảnh số 180 của tập 10, chính là cây có quả màu mận chín tôi đang tìm, có tên chữ Hán là Đồng chùy ngọc đới thảo (铜锤玉带草), tên khoa học là Pratia nummularia, thuộc họ Hoa chuông – Campanulaceae.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, cây này có tên Đơn rau má, còn gọi Vẩy ốc đỏ, Cây quả bi, bản in năm 1997 ghi thuộc họ Hoa chuông, nhưng bộ mới tái bản năm 2012 ghi thuộc họ Lô biên - Lobeliaceae.

Đây là cây thảo mọc nằm, bò, dài 30-50cm, bám rễ vào đất. Lá mọc so le, có phiến mỏng, mép lượn tai bèo hay có răng, nom như vẩy ốc hay lá rau má; cuống lá và mặt dưới lá có lông. Hoa màu hồng, trắng hay vàng ở nách lá, thường đơn độc, có 5 lá đài gắn liền với bầu; tràng hình môi có 5 thùy mà 2 cái trong hẹp, 3 cái ngoài hình trái xoan, nhị 5, bầu dạng trứng. Quả mọng, màu đỏ tím, tròn, to bằng quả bi, bao bởi 5 lá đài tồn tại. Hạt nhiều và nhỏ, hình trứng hẹp, nhẵn. Ra hoa tháng 4-6, quả tháng 6-8.

Đơn rau má phân bố ở nhiều nước châu Á. Ở nước ta, nó thường mọc ở nơi ẩm mát, ven rừng nương rẫy, nhất là dọc các lối đi vào rừng ở các vùng núi cao từ 700-2.000m của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc vào tận Lâm Đồng. Có thể thu hái cây vào mùa hạ-thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Lá nấu canh ăn được. Thành phần lá có nước 88,2%; protid 2,3%, glucid 6,9%, xơ 1,2%, tro 1,4%, caroten 3,6mg% và vitamin C 5mg%.

Theo Đông y, Đơn rau má có vị ngọt và đắng, tính bình; có tác dụng trừ phong thấp, giải độc, hoạt huyết, tiêu sưng.

Kinh nghiệm dân gian Việt Nam thường dùng để chữa ngứa trong người, chữa đau dạ dày, chữa viêm thanh quản, sưng mắt. Cũng dùng giải nhiệt, chữa sốt, chữa đái buốt, đái vàng. Ngày dùng 20-30g.
Ở Inđônêxia, người ta dùng chữa bệnh sprue (bệnh ỉa chảy mỡ kéo dài).

Ở Trung Quốc, người ta dùng chữa: đau thấp khớp; kinh nguyệt không đều, khí hư, di tinh. Liều dùng 30-60g, dạng thuốc sắc. Không dùng cho người có thai. Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, vết thương chảy máu, áp xe vú, đinh nhọt, viêm mủ da; lấy cây tươi giã đắp.

Đơn thuốc:

1. Đau thấp khớp, chấn thương: Đơn rau má 20g sắc uống. Hoặc dùng 120g Đơn rau má ngâm trong 500ml rượu trắng. Uống mỗi lần 10-15ml; ngày 3 lần; liên tục trong 2-5 ngày.

2. Kinh nguyệt không đều: Đơn rau má 20g, Ích mẫu thảo 15g, Hương phụ 9g. Sắc uống.

3. Sa tử cung: quả Đơn rau má, Dâu núi, Lưu ký nô mỗi thứ 10g. Hầm chung với dạ dày heo, ăn dạ dày, uống nước canh.

4. Thoát vị bẹn: Quả đơn rau má 30g, Xuyên luyện tử 12g, Tiểu hồi hương 12g. Sắc uống.

5. Di tinh, khí hư: Dùng quả Đơn rau má, quả Kim anh, rễ Bạch đồng nữ (hoặc Xích đồng nam) mỗi vị 12g, sắc uống.

6. Trẻ em suy dinh dưỡng: Lá Đơn rau má hầm với gan heo ăn thường xuyên.

7. Gãy xương, té ngã sưng đau: Đơn rau má tươi giã nhuyễn, đắp ngoài.

PHAN CÔNG TUẤN

.