Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Lá lốt - rau ngon, thuốc quý

22:56, 19/08/2017 (GMT+7)

Lá lốt không chỉ là cây thuốc quý giúp giảm đau, chống viêm, chữa  các bệnh thấp khớp, phong thấp,... mà còn là một loại rau làm gia vị và chế biến nhiều món ăn chay mặn thơm ngon, bổ dưỡng, hương vị đậm đà “không thể nào quên”.

“Lá lốt tiến thực, ăn ngon/ Phong thấp tê bại, mửa nôn chữa lành”. Ảnh: P.C.T
“Lá lốt tiến thực, ăn ngon/ Phong thấp tê bại, mửa nôn chữa lành”. Ảnh: P.C.T

Lá lốt là loài cây đặc hữu của Ðông Dương, mọc hoang và cũng được trồng bằng mấu thân, giâm vào nơi ẩm ướt. Có thể thu hái cây quanh năm, đem rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi nắng hay sấy khô dùng dần.

Lá lốt tên khoa học là Piper lolot L., thuộc họ Hồ tiêu - Piperaceae.

Lưu ý có rất nhiều sách dược liệu ở nước ta ghi nhầm Lá lốt có tên chữ Hán là Tất bát (荜拔). Bác sĩ Trần Văn Tích trên tạp chí Đông y số 166 (năm 1980) đã viết bài “Thử bàn về một vị thuốc miền Nam, cây Tiêu lốt”, đã chỉ rõ  “Cây Lá lốt không có tên khác là Tất bát. Tất bát là tên Hán của cây Tiêu lốt (Piper longum L.) ở miền Nam. Các tài liệu dược liệu học của ta cần xét lại vấn đề này”. Rất tiếc, đến nay vẫn còn nhiều tài liệu in lại vẫn không đính chính và nhiều người còn tiếp tục nhầm lẫn.

Lá lốt là cây thảo sống lâu, cao 30-40cm hay hơn, mọc bò. Thân phồng lên ở các mấu, mặt ngoài có nhiều đường rãnh dọc. Lá đơn, nguyên, mọc so le, hình tim, có 5 gân chính tỏa ra từ cuống lá; cuống có gốc bẹ ôm lấy thân. Cụm hoa dạng bông đơn mọc ở nách lá. Quả mọng chứa một hạt. Mùa hoa quả tháng 8-10.

Phân tích thành phần hóa học cho thấy trong lá, thân và rễ chứa alcaloid và tinh dầu. Tinh dầu có 35 thành phần trong đó có 25 thành phần đã được nhận dạng, thành phần chủ yếu là β-caryophylen.

Theo Đông y, Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng trừ hàn, làm ấm tì vị, giáng khí, giảm đau. Thường được dùng trị phong hàn thấp, tay chân lạnh, tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, sình bụng, đau bụng ỉa chảy, thận và bàng quang lạnh, đau răng, đau đầu, chảy nước mũi hôi. Ngày dùng 6-12g hay hơn, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Nghiên cứu dược lý hiện đại chứng minh lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, gây giãn mạch ngoại biên và ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn ruột của histamin và acetylcholin.

Ðơn thuốc:

1. Chữa phong thấp đau nhức xương: Lá lốt 16g, Tầm gởi cây dâu 12g, Tục đoạn 12g. Sắc 250ml nước còn 150ml, chia uống 2 lần sáng và tối.

2. Tê thấp đau lưng, đau gấp ngang lưng, sưng đầu gối, bàn chân tê buốt: Lá lốt cả dây, rễ 8-12g, Dây đau xương, rễ Cỏ xước, củ Cốt khí, mỗi vị 8g, sắc uống. Đồng thời dùng: Lá lốt và Ngải cứu, liều lượng bằng nhau, giã nát, chế thêm giấm, xào nóng đắp, chườm.

3. Chữa phù thũng: Lá lốt, rễ Cà gai leo, rễ Mỏ quạ, rễ Gai tầm xoọng, lá Đa lông, Mã đề, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

4. Chữa đái tháo đường: Rễ Lá lốt, rễ Rau ngót, rễ Cườm gạo, Cối xay, mỗi vị 20g. Các vị băm nhỏ, sao qua, cho 4 bát nước, sắc nhỏ lửa, còn 1 bát chia uống 2 lần trong ngày.

5. Chữa đau răng: Lá lốt 1 nắm lớn, sắc nước đặc, ngậm.

6. Chữa đau bụng, đau lưng, buồn nôn, nấc cụt: Lá lốt tươi, rửa sạch, nhai nuốt.

7. Giải độc say nấm, rắn cắn: Lá lốt tươi giã nát, phối hợp với lá Khế, lá Ðậu ván trắng mỗi vị 50g, thêm nước, lọc nước cốt uống.

8. Chữa bệnh tổ đỉa: Lá Thanh yên nấu nước để nguội rửa. Sau lấy Lá lốt và Cà gai leo đều bằng nhau, giã nhỏ, trộn với giấm, bôi.

9. Chữa ong bò vẽ đốt: Lá lốt, quả Cà dại hoa trắng. Giã nát, lấy nước bôi.

10. Chữa mũi chảy nước hôi: Lá lốt vò nát nhét vào lỗ mũi hay tán bột thổi vào.

PHAN CÔNG TUẤN

.