Đà Nẵng cuối tuần
Báo chí bám sát mỗi bước đi lên, thúc đẩy xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội
Sau 9 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, thủ đô Hà Nội có diện tích 334.470,02 ha; và dân số tăng từ 6,23 triệu người (năm 2008) lên 7,6 triệu người hiện nay. Thành phố chịu áp lực rất lớn từ di cư tự do nên số người thực tế sinh sống, lao động và làm việc trên địa bàn hiện là khoảng 10,5 triệu.
Phố mẫu Lê Trọng Tấn. |
Cùng với áp lực tăng dân số, lượng xe cơ giới của Hà Nội cũng tăng nhanh. Thống kê đến tháng 9-2016, Hà Nội đã có 5,4 triệu xe máy, 600 nghìn ô tô (chưa kể xe của lực lượng vũ trang) tập trung chủ yếu trong nội đô. Dân số tăng nhanh, lượng phương tiện giao thông quá lớn và hoạt động xây dựng diễn ra liên tục chính là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị ở thời điểm hiện tại và tương lai. Ngoài ra, trong quy hoạch và phát triển đô thị của Hà Nội cũng có đặc điểm vừa là “siêu đô thị” lại vừa có vùng nông thôn, đồi núi rộng lớn. Do đó, vấn đề vừa bảo tồn những nền tảng kiến trúc đã được khẳng định vẻ đẹp qua thời gian như kiến trúc Pháp cổ, khu phố cũ với những khu phố mới hiện đại và vùng nông thôn rộng lớn là điều không hề đơn giản.
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình “chùm” đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh. Đô thị trung tâm là khu vực nội đô hiện tại được phát triển mở rộng về phía Tây, Nam đến đường Vành đai 4; về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông với khu vực Gia Lâm và Long Biên; phân cách với các đô thị vệ tinh và thị trấn bằng hành lang xanh, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố. 5 đô thị vệ tinh của thành phố gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Đến nay, 4/5 đô thị vệ tinh đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chung là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Đô thị vệ tinh Hòa Lạc đang thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trong những nhiệm kỳ gần đây, Thành ủy Hà Nội luôn xem nhiệm vụ quy hoạch và phát triển đô thị là vấn đề quan trọng. Trong nhiệm kỳ khóa XVI hiện nay (2015-2020), Thành ủy đã ban hành chương trình công tác số 06 về“Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại” để định hướng cho công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý đô thị. Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước để định hướng phát triển, ngay sau khi Quy hoạch chung được phê duyệt, thành phố đã đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đến hết năm 2016, công tác quy hoạch phân khu 1/2.000 và quy hoạch chi tiết 1/500 cơ bản được hoàn thành và phủ khắp các địa phương, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân có thể tham khảo và thực hiện.
Trên cơ sở quy hoạch, thành phố tập trung đầu tư các công trình hạ tầng khung tạo động lực trong phát triển đô thị. Thời gian gần đây, thành phố đã hoàn thành nhiều dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất kết nối, mở rộng đô thị, như: Đại lộ Thăng Long, đường Nhật Tân - Nội Bài, Vành đai 3, cầu Nhật Tân… Hay những dự án hạ tầng kết nối với khu vực, như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình… Thành phố đang tiếp tục quy hoạch và thực hiện bước đầu xây dựng hạ tầng giao thông đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4.
Bên cạnh đó, một điểm nhấn trong phát triển đô thị những năm gần đây là Thành phố đẩy mạnh thí điểm triển khai cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường; ứng dụng khoa học - công nghệ mới kết hợp đổi mới phương thức hoạt động một số đơn vị cung cấp dịch vụ công ích trong lĩnh vực môi trường, thủy lợi… nhằm vừa tiết kiệm chi phí, song lại quản lý đô thị khoa học, bài bản, tiếp cận hiện đại, bền vững hơn. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã thực hiện rà soát các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực dịch vụ công ích, thực hiên cắt giảm, điều chỉnh 130 quy trình, 454 định mức, 1.071 hạng mục đơn giá đối với 9 lĩnh vực (vệ sinh môi trường, thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, đê điều, tưới tiêu, hạ tầng đường bộ, xe buýt, quan trắc) tiết kiệm 167 tỷ 532 triệu đồng. Đồng thời thông qua triển khai công tác đấu thầu tập trung đối với dịch vụ công ích vệ sinh môi trường (với 26 gói thầu) đã tiết kiệm được 170 tỷ 268 triệu đồng trong giai đoạn 2017 – 2020.
Nhiều chủ trương, chương trình công tác lớn được triển khai để tạo những đổi thay mạnh mẽ bộ mặt đô thị như: tăng cường quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị, giai đoạn 2016 – 2020 trồng thêm 1 triệu cây xanh (để đạt 10 -11m vuông/ người năm 2020) và xây dựng 25 công viên, có 5 công viên đạt tiêu chuẩn thế giới, 70% nước thải trong khu vực nội thành được xử lý triệt để… Nhiều quy định mới được ban hành nhằm tăng cường quản lý đô thị như: quy định về quản lý các cửa hàng bán hoa quả có đăng ký kinh doanh (với mục tiêu 2017 đạt 60%, 2018 – 100%), quy định quy tắc ứng xử trong cơ quan đơn vị và nơi công cộng, ban hành bộ tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại các địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh; thí điểm xây dựng tuyến phố mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân)…
Tất cả những công việc ấy nhằm hướng tới xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị XANH - VĂN HIẾN - VĂN MINH - HIỆN ĐẠI và là thành phố đáng sống.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, TP. Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ các cơ quan quản lý mà còn từ các cơ quan báo chí và nhân dân cả nước. Hiện nay, Hà Nội có 22 cơ quan báo chí (1 đài phát thanh truyền hình; 12 báo in; 9 tạp chí chuyên ngành). Ngoài ra, có khoảng 500 cơ quan báo chí của Trung ương, bộ, ngành, địa phương có trụ sở, văn phòng đại diện đóng trên địa bàn. Vì thế, mọi diễn biến của đời sống, đặc biệt là vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị luôn được báo chí quan tâm, phản ánh và được dư luận cả nước đón nhận.
Chỉ tính trong khoảng 5 năm trở lại đây, một loạt vấn đề đã làm được và chưa làm được trong quy hoạch và phát triển đô thị của Hà Nội được các cơ quan báo chí đề cập với mật độ dày đặc. Tiêu biểu như việc giới thiệu các quy hoạch mới, các tuyến đường giao thông khang trang, hiện đại mới mở v.v… Ngoài ra còn là những bài toán đối với Hà Nội trong quá trình phát triển như: Bảo tồn và phát triển như thế nào khi các công trình hạ tầng bắt buộc phải đi qua những địa điểm khảo cổ (dự án xây dựng Nhà Quốc hội liên quan đến di tích Hoàng thành Thăng Long; mở rộng đường Kim Liên - Xã Đàn liên quan đến đàn Xã Tắc; nút giao Đào Tấn và đường Liễu Giai- Văn Cao liên quan đến đoạn đường đê cổ của thành Thăng Long xưa…). Đó còn là những áp lực của Hà Nội trong quá trình phát triển đô thị với quy mô rộng lớn như: Phát triển hạ tầng cây xanh, hạ tầng ngầm, hạ tầng giao thông, hạ tầng tiêu thoát nước đô thị, xây dựng quản lý các khu chung cư cũ - mới… Đặc biệt là những vụ việc nổi cộm liên quan đến những vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng như: Mất an toàn phòng cháy chữa cháy tại 75 tòa chung cư trên địa bàn; xử lý các công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh trong quá trình chỉnh trang đô thị; “cắt ngọn” công trình số 8B Lê Trực và một số chung cư do nhà đầu tư có sai phạm… luôn được dư luận hết sức quan tâm.
Thực tế cho thấy, việc phản ánh về quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội của các cơ quan báo chí là rất thuận lợi. Đó là thường xuyên được tiếp cận các nguồn thông tin từ cấp Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và chính quyền cơ sở. Đặc biệt, TP Hà Nội cũng rất cởi mở thông tin với các báo chí. Định kỳ chiều thứ 3 hằng tuần, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức giao ban báo chí dành cho tất cả các cơ quan báo chí có thể tham dự. Trong đó, chủ đề chính là vấn đề nổi bật thành phố thành phố muốn tuyên truyền cũng như những vấn đề dư luận đang quan tâm. Trong các buổi giao ban, vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị ở mức độ khái quát hoặc cụ thể luôn được các phóng viên đặt rất nhiều câu hỏi và được các đồng chí lãnh đạo thành phố, sở, ngành chức năng nhanh chóng trả lời…
Báo Hànội mới là cơ quan của Thành ủy Hà Nội; tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Báo có lịch sử phát triển đến nay là 60 năm. Hiện chúng tôi tập trung phát triển 4 ấn phẩm: Hànộimới hằng ngày (số lượng phát hành 64.000 tờ/kỳ); Hànộimới Cuối tuần (12.000 tờ/kỳ); Hà Nội Ngày nay (10.000 tờ/kỳ); Hànộimới điện tử (khoảng 500.000 lượt truy cập/ngày)...
Tuân thủ tôn chỉ, mục đích của mình, Báo Hànộimới đã thực hiện nhất quán công tác tuyên truyền về quy hoạch và phát triển đô thị của thành phố theo các định hướng sau:
Thứ nhất: Bám sát các sự việc, vấn đề xảy ra trên địa bàn thành phố để phản ánh kịp thời đến bạn đọc. Nếu trên trang 4 các số báo ra hằng ngày (do Ban Kinh tế thực hiện) là những bài phản ánh mang tính chất khái quát vấn đề, đưa ra cách giải quyết hoặc từ phía cơ quan chức năng, thì trên trang 6 số báo ra ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy (do Ban Bạn đọc thực hiện) là bài phản ánh những sự việc, hiện tượng cụ thể, kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết, xử lý. Cùng với đó, những vấn đề lớn được dư luận quan tâm cũng được Báo Hànộimới đưa thành bài “đinh” của số báo trên trang thời sự 1-2 và 7. Đi kèm những bài “đinh” luôn là chuyên mục “Luận bàn và Hành động”, được viết dưới thủ pháp chính luận, thể hiện quan điểm của Báo Hànộimới về vấn đề nêu trên, góp phần định hướng dư luận.
Ví dụ: Báo Hànộimới là một trong những cơ quan báo chí lên tiếng mạnh mẽ trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực (thuộc khu đất của Công ty CP May Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình); việc di chuyển cây xanh trên một số tuyến đường để phục vụ các dự án phát triển hạ tầng đô thị thời gian qua…
Thứ hai: Dùng nhiều hình thức tuyên truyền, có sự phối hợp điều tiết giữa các ấn phẩm của báo. Điều này xuất phát từ quan điểm mỗi đối tượng độc giả khác nhau sẽ có cách tiếp cận thông tin một cách khách nhau. Ví dụ: Ấn phẩm báo ngày có tính chất đọc chậm, phù hợp với lứa tuổi trung và cao tuổi nên thường đi sâu vào phân tích, định hướng. Báo điện tử phù hợp với độc giả đọc nhanh, độc giả trẻ nên việc dùng những cách tiếp cận truyền thông hiện đại được ưu tiên hàng đầu.
Từ quan điểm trên, Báo Hànộimới xác định, với những vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị đòi hỏi sự chuyên sâu, cần phân tích kỹ lưỡng hơn, tạo sự đồng thuận trong dư luận, Báo đặt hàng với chuyên gia, nhà quản lý tham gia trao đổi, cộng tác trên chuyên mục “Đối thoại chủ nhật”; hoặc mang đến góc nhìn mới trên chuyên mục “Suy ngẫm đầu tuần”; hoặc phê phán nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc tại chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện”... Có khi chúng tôi lại sử dụng phóng sự ảnh, tin ảnh trên báo giấy, báo điện tử; video clip, infographic trên báo điện tử; chuyên trang về việc giữ gìn trật tự văn minh đô thị: Kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở Hà Nội trên báo cuối tuần và Hà Nội ngày nay. Tất cả với mục tiêu đa dạng thông tin và góp phần định hướng dư luận, cổ vũ cách làm mới sáng tạo, phê bình những sai phạm và kiến nghị phải xử lý công bằng tùy mức độ vi phạm nếu có.
Có thể thấy rằng cách làm trên của Báo Hànộimới là rất hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc tuyên truyền phát triển đô thị. Từ ngày 21-4-2016, Báo đã mở chuyên trang “Vì Hà Nội xanh - sạch- đẹp” (đăng trên ấn phẩm báo ngày vào các ngày thứ ba, năm, bảy), nội dung tập trung bàn vào giải pháp để xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp. Năm 2017, thực hiện Kế hoạch 01/KH-BCĐ197 ngày 3-3-2017 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, ngày 7-3-2017, Báo mở chuyên mục “Để đường thông, hè thoáng” để cổ vũ động viên những nơi làm tốt, phê bình những nơi làm chưa tốt, trao đổi kinh nghiệm trong quả lý đô thị. Chúng tôi cũng mở chuyên mục tin, ảnh “Điểm đen lấn chiếm lòng - lề - đường” duy trì gần như đều đặn tất cả các ngày trong tuần… Điều đáng mừng là ngay sau khi báo đăng tải, các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc và có phản hồi tích cực đến báo, từ đó báo được nhân dân tin tưởng, trở thành kênh giám sát quan trọng đối với việc thực hiện chỉ đạo của thành phố ở cấp cơ sở. Có thể nói đây là những đóng góp nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực của những người làm báo Đảng Thủ đô đối với công cuộc lập lại trật tự đô thị đang được thực hiện rất nghiêm.
Thứ ba: Tăng cường tính tương tác, phản biện và định hướng dư luận trên tinh thần xây dựng. Phải nói rằng với sự phát triển “nóng” của mạng xã hội và thiết bị di động cầm tay hiện nay thì đây là một công việc khó nhưng không thể không làm, đặc biệt là với tờ báo Đảng Thủ đô đòi hỏi tính định hướng dư luận luôn ở mức “chuẩn” hơn so với các cơ quan báo chí khác. Cụ thể là đầu tháng 8-2017, mạng xã hội rộ lên tin đồn “lấp Hồ Tây” và chúng tôi nhanh chóng cử phóng viên vào cuộc, xác định rằng đây là thông tin thất thiệt. Sự thực thì đây hoạt động nằm trong kế hoạch nạo vét Hồ Tây của cơ quan chức năng… Chính việc thông tin nhanh, kịp thời, chính xác của Báo Hànộimới đã góp phần giải tỏa “sức nóng” từ mạng xã hội trong vấn đề nêu trên.
Có thể nói, sự vào cuộc của Báo Hànộimới cũng như các cơ quan báo chí khác đã giúp lãnh đạo TP. Hà Nội phát hiện và xử lý rất nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng. Chỉ trong 1 năm qua, các đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 18 cán bộ thuộc diện quản lý của Thành ủy, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện phụ trách trực tiếp lĩnh vực này; lãnh đạo sở, ngành... TP. Hà Nội cũng đã quyết liệt chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Nếu như trước năm 2015, toàn thành phố có trên 300 trường hợp vi phạm xây nhà “siêu mỏng, siêu méo”, thì sau khi xử lý, hiện chỉ còn 132 trường hợp. Cùng với đó, thành phố làm được rất nhiều việc như: Trồng mới được khoảng 400.000 cây xanh trong chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2020; hoạt động thu gom và xử lý rác, chăm sóc cây xanh được cơ giới hóa và có nhiều chuyển biến tích cực.
Từ thực tế của Báo Hànộimới, chúng tôi có một số kinh nghiệm trong phát huy vai trò của báo chí trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị:
- Một là, luôn xác định “việc của thành phố cũng là việc của mình” nên Báo Hànộimới luôn bám sát các chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị, từ đó có kế hoạch tuyên truyền phù hợp với từng tuần, từng tháng và những nhiệm vụ đột xuất.
- Hai là, luôn xây dựng các phương án chủ động và dự phòng, “đấu tranh” với ngay cả thông tin của một số cơ quan báo chí có cái nhìn thiếu thiện cảm về Hà Nội. Cụ thể là ngoài phóng viên theo dõi chuyên ngành, khi cần, Báo Hànộimới chúng tôi đã thành lập Tổ chính luận của báo gồm những cây viết có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tay nghề cao để tác chiến nhanh những vấn đề đòi hỏi định hướng dư luận cao, trong đó bao gồm cả những vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị. Điển hình là gần đây chúng tôi đã có loạt bài viết 5 kỳ “Phát triển, quản lý cây xanh: Vấn đề lớn của đô thị văn minh”, góp phần định hướng dư luận có nhiều ý kiến khác nhau trước chủ trương thành phố di dời kết hợp loại bỏ bớt một số cây xà cừ khi mở rộng tuyến đường Phạm Văn Đồng ra Sân bay quốc tế Nội Bài.
- Ba là, luôn phấn đấu để thông tin nhanh, thông tin chuẩn về những sự kiện “nóng” – không chỉ thời sự chính trị mà cả thời sự trong đời sống xã hội, cả vấn đề người dân quan tâm. Do phải cạnh tranh gay mắt với mạng xã hội cũng như các báo và trang thông tin điện tử khác nên báo chủ trương ngay sau khi sự kiện diễn ra 30 phút, phóng viên tác nghiệp hiện trường phải có tin trên báo điện tử. Cách làm này giúp thông tin của Báo được “phủ sóng” liên tục. Bạn đọc có thể đọc thông tin nhanh trên báo điện tử, bài phản ánh trên báo in ngày hôm sau hoặc chuyên đề có chiều sâu thông tin trên ấn phẩm cuối tuần…
Quy hoạch đô thị ở nước ta hiện tồn tại 2 hạn chế lớn về chất lượng và tầm nhìn. Trong đó, tầm nhìn quy hoạch chưa bảo đảm. Về chất lượng quy hoạch, tính khớp nối và đồng bộ chưa cao, việc tính toán các điều kiện, nguồn lực thực hiện chưa bảo đảm dẫn tới nhiều quy hoạch treo... Đây là một câu chuyện dài kỳ mà Hà Nội cũng như các thành phố trực thuộc Trung ương như chúng ta sẽ còn phải đối mặt trong quá trình phát triển.Và thông tin trung thực, khách quan, có tính định hướng và mang tính xây dựng là trách nhiệm, nghĩa vụ mà những người làm báo Đảng như chúng ta cần đặc biệt quan tâm.
Cuối cùng, cho phép tôi được gửi lời kính chúc sức khỏe các quý vị đại biểu. Chúc Hội thảo Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ 6 năm 2017 của chúng ta thành công tốt đẹp.
Nguyễn Hoàng Long
Tổng Biên tập Báo Hànộimới