Cậu bé ấy tên là Farhad Nouri, người tị nạn, tròn 10 tuổi, đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, vì tài năng nghệ thuật và được giới truyền thông đặt tên “Picasso bé con”. Farhad Nouri đang tổ chức triển lãm đầu tiên của mình, và sẽ quyên góp tất cả số tiền thu được từ sự kiện này dành cho một chú bé khác, người Serbia, cũng là người tị nạn, đang bị bệnh.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đón tiếp Farhad Nouri. |
Tám tháng qua, Farhad Nouri cùng với cha mẹ và hai em trai đã sống trong một trại tị nạn tại khu phố Krnjača ở Belgrade, thủ đô Serbia. Hai năm trước, gia đình Farhad buộc phải chạy trốn cuộc xung đột và đói nghèo ở Afghanistan, quê hương của họ. Trong thời gian đó họ đã đi qua Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến Serbia với hy vọng được bắt đầu cuộc sống mới yên bình.
Góc triển lãm tranh của Farhad Nouri ở Belgrade, Serbia. |
Farhad cố gắng sử dụng nghệ thuật như là một sự giải thoát khỏi đau khổ. “Chỉ có những người ở đây thực sự có thể hiểu được cuộc sống thế nào. Thật tệ đối với tôi” - Farhad nói với tờ The Independent- “Nếu bạn dành một tuần trong trại này bạn sẽ bị điên nhưng tôi cảm thấy rất tốt khi tôi vẽ. Những khi ấy, tôi không nghĩ về chuyện gì đang xảy ra ở Afghanistan. Tôi cảm thấy thư giãn khi tôi đang vẽ”.
Tranh chân dung Picasso. |
Cậu bé 10 tuổi học tiếng Anh chỉ trong vòng một năm, bắt đầu vẽ lúc 6 tuổi sau khi chứng kiến cảnh người cha tạo ra nghệ thuật arabesque, nghệ thuật khiêu vũ tương tự như vũ ba-lê ở Afghanistan. Farhad khám phá ra mình có một phong cách vẽ và từ đó chú bé bắt đầu vẽ liên tục và đã bán tác phẩm nghệ thuật ở Hy Lạp và Serbia. Farhad tiếp tục trau dồi kỹ thuật và dành cả ngày để phác họa chân dung những người truyền cảm hứng cho mình, bao gồm Novak Djokovic- vận động viên quần vợt chuyên nghiệp người Serbia. Hiện anh đang là tay vợt đương kim số 4 thế giới;Cristiano Ronaldo- cầu thủ bóng đá người Bồ Đào Nha, tiền đạo cho Câu lạc bộ Tây Ban Nha Real Madrid và đội Bồ Đào Nha; Angela Merkel-Thủ tướng đương nhiệm của Cộng hòa Liên bang Đức; Salvador Dali- họa sĩ trường phái siêu thực nổi tiếng của Tây Ban Nha; và chân dung họa sĩ lẫy lừng mà chú bé xem như “vị anh hùng” của mình: Pablo Picasso. “Khi tôi bắt đầu vẽ lúc 6 tuổi tôi không thể vẽ như bây giờ”, Farhad nói. “Bây giờ điều tôi thích nhất vẽ khuôn mặt, đặc biệt Picasso, bởi vì ông ấy là nghệ sĩ rất yêu thích và mến mộ của tôi”.
Tranh voi. |
Triển lãm tranh của Farhad Nouri mở cửa tại Slow Café ở Belgrade từ giữa tháng tám đến cuối tháng mười, được tổ chức phối hợp với Tổ chức Trợ giúp Người tị nạn và trường nhiếp ảnh Serbian Foto Fabrika. Cuộc trưng bày lần này là thành công lớn đối với “Picasso bé con”.
Đối với Farhad, triển lãm không chỉ là phương tiện chia sẻ hình và tranh vẽ với thế giới. Cậu bé ấy muốn sử dụng nó để thay đổi cách mọi người suy nghĩ về hoàn cảnh người tỵ nạn, và điều đó là lý do tại sao việc chọn tên cuộc triển lãm lại quan trọng. Cuối cùng Farhad quyết định gọi tên là “Chúng ta cần sự tử tế - Ước mơ của một đứa trẻ mười tuổi”.
Ngoài hành động cao quý này, Farhad cũng muốn sử dụng chương trình nghệ thuật để tạo sự khác biệt cho cuộc sống của một cậu bé bảy tuổi người Serbia, trong đó gia đình họ đang gây quỹ để giúp trả tiền điều trị cứu sống cậu bé ấy tại phòng khám chuyên khoa ở Paris.
Farhad Nouri, (thứ hai từ bên phải) và gia đình tại Trung tâm tị nạn ở Krnjaca, Serbia. |
Sau cuộc triển lãm, Farhad và gia đình được ông Aleksandar Vucic, Tổng thống Serbia mời đến dinh thự. Farhad tặng bức tranh chân dung Tổng thống mà “Picasso bé con” đã vẽ. Đáp lại, trước sự hiện diện của báo giới, Tổng thống Aleksandar Vucic hứa sẽ trao tặng quyền công dân cho Farhad và gia đình nếu họ muốn định cư tại Serbia:“Nếu các bạn tìm thấy tương lai ở đất nước này, chúng tôi xin hoan nghênh đón tiếp”. Farhad trả lời chậm rãi, cẩn thận bằng ngôn ngữ Serbia: “Xin cảm ơn đất nước đã giúp đỡ gia đình chúng tôi, chúng tôi rất muốn sống ở Serbia, một quê hương rất tốt đẹp”.
Sian Pilkington, đại diện Help Refugees-Tổ chức Giúp đỡ Người tỵ nạn, cho biết: “Farhad là một cậu bé thông minh với tài năng phi thường, chúng tôi rất vui mừng được tổ chức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của cậu bé. Đó là một cơ hội tuyệt vời để suy nghĩ về sự tích cực hơn là những câu chuyện tiêu cực qua cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra trên các phương tiện truyền thông. Chúng tôi hy vọng rằng không những riêng Farhad Nouri mà sẽ có tất cả những cơ hội cho bất kỳ cậu bé ở tuổi lên mười nào, luôn luôn nỗ lực để xứng đáng ước mơ của mình đạt được trong tương lai”.
HOÀNG ĐẶNG (Theo Independent)