Để có được một mảnh đất, căn nhà nhỏ nơi thành phố lớn không hề đơn giản, nhiều cặp vợ chồng, chủ yếu là người ngoại tỉnh phải trải qua chặng đường thuê nhà-chuyển nhà đầy vất vả mới mong tìm được nơi ở ưng ý.
Căn nhà của vợ chồng anh Khôi hiện tại nằm trong khu tập thể trên đường Đống Đa, thuận tiện cho công việc của hai vợ chồng. Ảnh: H.A |
Tìm nhà cho tổ ấm
Anh Nguyễn Khôi (công chức, đang sống trong căn nhà khá xinh xắn nằm trên đường Đống Đa, quận Hải Châu) vẫn không sao quên được những tháng ngày long đong đi tìm nhà của hai vợ chồng. 2 năm trước, sau khi cưới nhau, vợ chồng anh tiếp tục thuê lại căn nhà mà vợ anh ở trọ từ hồi học đại học trên địa bàn quận Liên Chiểu. Sau một năm, nhận thấy điều kiện đi lại khó khăn, anh chị quyết định tìm thuê nhà ở trung tâm để thuận tiện cho công việc. Thời điểm đó, vợ chồng anh gặp người quen nào cũng nhờ họ để ý giúp khu mình ở có nhà cho thuê không, nhưng vì chỉ có thể giới hạn số tiền nhất định nên cũng khó tìm nhà phù hợp. Có nhiều nhà đáp ứng điều kiện thì không đủ khả năng chi trả. Tranh thủ những lúc nghỉ trưa hay buổi tối, hai người đi tìm khắp nơi. Đến cơ quan, anh chị cũng ngó nghiêng qua các website về bất động sản hay đăng tin rao vặt để tìm.
“Tôi mất 2 tháng để tìm ra căn nhà đang ở hiện tại.
Khi đi tìm nhà thì tôi có một vài tiêu chí: Giá cả đủ khả năng chi trả (không quá 2 triệu đồng/tháng),
bảo đảm an ninh và vệ sinh tốt và trong khu vực trung tâm để thuận tiện cho công việc của hai vợ chồng. Tìm ra nhà ưng ý rồi thì cũng nơm nớp lo chủ nhà sẽ tăng giá hoặc lấy lại để bán. Phận ở nhà thuê luôn phải vậy”, anh Khôi nói.
Nếu như sinh viên thường chọn thuê nhà với tiêu chí giá rẻ, gần trường học thì hầu hết những cặp vợ chồng đều đặt tiêu chí vệ sinh, an ninh lên hàng đầu. Là người gốc Quảng Bình, vào Đà Nẵng lập nghiệp đã 3 năm nay, chị Trần Thị Nhàn (chung cư Vicoland, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) kể, trong 3 năm ở Đà Nẵng, chị chuyển nhà 3 lần.
Mỗi lần chuyển nhà đồng nghĩa phải chuyển trường cho con. Cho con vào trường công thì bị từ chối vì trái tuyến, cảnh nay thuê chỗ này, mai ở chỗ khác lấy đâu ra hộ khẩu hay tạm trú, gửi con ở trường tư thì quá đắt.
“Yêu cầu tìm nhà của tôi khi nào cũng là an toàn hàng đầu, sạch sẽ và giá hợp lý nhất. Vì chúng tôi có con nhỏ nên đồ đạc khá lỉnh kỉnh, mỗi lần chuyển là một lần khó. Có con, đi tìm nhà trọ phải để ý thật kỹ, phải thuê chung cư hoặc nhà nguyên căn, chứ không thuê phòng trọ kiểu cho sinh viên được. Khi thì giá rẻ nhưng không an toàn, không sạch và ngược lại. Khó khăn nữa là phần lớn là chúng tôi tự đi khắp nơi, vô từng con hẻm, hỏi dò từng nhà mới có, chứ đa phần nhà trọ tại các trang bất động sản trên mạng luôn trong tình trạng đã có người thuê, hoặc sai địa chỉ, sai số điện thoại. Vì vậy, kinh nghiệm thuê nhà của tôi là muốn thuê được nhà phù hợp để có thể ở lâu dài phải chịu khó đi lùng, không bỏ sót đường hẻm nào, có nhiều nhà cho thuê rất ổn mà chủ nhà lại không đăng rao trên mạng”, chị Nhàn chia sẻ.
Ước mơ về một căn nhà nhỏ
Có “an cư” mới “lạc nghiệp” là quan niệm sống từ bao đời nay của ông bà ta. Trong hoàn cảnh không dễ để sở hữu nhà riêng thì mong muốn thuê được một căn nhà vừa túi tiền, ổn định, lâu dài là mơ ước của bao người. Từ quê nghèo ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) vào Đà Nẵng lập nghiệp, chị Nguyễn Thị Liên (33 tuổi, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho hay, chị may mắn hơn nhiều người xa quê khác khi đến Đà Nẵng đã thuê được căn nhà ưng ý và sống ổn định 5 năm nay.
Hiện tại, gia đình chị gồm 4 thành viên đang ở trong căn nhà rộng 65m2, tiền thuê mỗi tháng 3 triệu đồng. Nói về “lịch sử” ở nhà thuê của mình, chị cho biết, cưới nhau xong, anh chị cùng đứa con nhỏ dắt díu nhau vào đây. Hồi đó, vì có con dại nên chị phải nghỉ làm, cả gia đình trông chờ vào một suất lương của anh. Chủ nhà lại yêu cầu trả tiền nhà 6 tháng/lần chứ không cho trả từng tháng. Anh chị phải bóp chặt chi phí ăn uống, sinh hoạt để “đắp” vào tiền nhà.
Tuy vậy, với chị, số tiền ấy khá xứng đáng vì nhà rộng rãi, khu vực an ninh, hàng xóm tốt bụng. Đã ở đây 5 năm nhưng chị chưa từng nghe thấy một vụ trộm cắp, gây rối trật tự nào. Hiện tại, anh chị đã có 2 mặt con.
Chi phí sinh hoạt tốn kém hơn trước nên chị tận dụng khoảng sân trước nhà để bán bánh cuốn, món đặc sản quê nhà vào mỗi sáng. “Cuộc sống ở nhà thuê của chúng tôi không “ác mộng” như nhiều người. Tuy chỉ là nhà thuê nhưng tôi rất gắn bó. Từng góc nhà, bờ tường, chậu cây đều tự tay chúng tôi bày biện, chăm sóc. Tuy vậy, về lâu dài, tôi cũng mong ước có một ngôi nhà riêng để tạo tương lai vững chắc cho con cái. Tương lai ấy có lẽ không còn xa nữa vì sau 5 năm bám trụ lại thành phố, chúng tôi đã mua được miếng đất 100m2 ở ngoại thành”, chị Liên nói.
Gia đình chị Liên là 1 trong 10 hộ đang thuê nhà nguyên căn tại đường Thủ Khoa Huân (thuộc TDP 40, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà). Ông Ngô Trường Đệ (tổ trưởng TDP 40) cho biết, ngoại trừ số sinh viên thuê nhà trên con đường này “nay đi mai ở” thì hầu hết các hộ gia đình đều ở cố định vài ba năm trở lên. Họ sống ổn định, giao lưu với bà con lối xóm, nộp các khoản tiền phí theo quy định của nhà nước. Như nhà chị Liên đã ở đây trên 5 năm, giờ không ai nghĩ họ là dân nhập cư nữa mà thân thuộc như người địa phương rồi. Mới đây, gia đình họ còn đưa em út từ ngoài quê vào học hành, làm việc trong này.
Còn với anh Khôi thì, ước mơ hiện tại của vợ chồng anh là mong muốn thuê được chung cư để giảm tiền thuê nhà, ổn định cuộc sống trước mắt. Ước mơ “xa xa” hơn là mong muốn có một căn nhà nhỏ khoảng vài chục mét vuông. “Để thực hiện ước mơ này thì 2 vợ chồng ráng tiết kiệm chi tiêu để có khoản kinh phí dành dụm. Có thể sẽ kiếm một việc làm thêm nào đó để tăng thu nhập, có thêm kinh phí để biến ước mơ thành sự thật”, anh chia sẻ.
HẢI ÂU