Cuộc chiến mới về nước ở châu Á

.

Trung Quốc đang nắm giữ quyền kiểm soát nguồn nước của hàng triệu sinh mạng và sinh kế con người ở châu Á.

Xây đập là cách Trung Quốc chiếm lợi thế trong cuộc chiến về nước ngọt ở châu Á.
Xây đập là cách Trung Quốc chiếm lợi thế trong cuộc chiến về nước ngọt ở châu Á.

Trung Quốc chiếm tới 20% dân số thế giới nhưng chỉ giữ 7% nước ngọt trên hành tinh khiến cho họ trở thành một trong những quốc gia có lượng nước ngọt trên đầu người thấp nhất thế giới. Hơn một nửa dân số nước này uống nước bị ô nhiễm với chất thải hữu cơ. 75% bề nước mặt không an toàn. Ít nhất 30% nguồn nước không thích hợp cho nông nghiệp và công nghiệp. Nói như thế để thấy Trung Quốc rất “khát” nước ngọt.

Về mặt địa lý, Trung Quốc là quốc gia có nguồn cung cấp dòng chảy qua nhiều quốc gia khác lớn nhất thế giới, nên đã tận dụng lợi thế này như vũ khí chiến lược ứng xử với các nước lân cận. Trong những năm gần đây, Trung Quốc gây sức ép lên các nước khác thông qua việc xây các đập trên thượng nguồn ở những con sông xuyên quốc gia. Họ đang là nước có số lượng đập nhiều hơn phần còn lại của thế giới. Trung Quốc là một trong ba quốc gia bỏ phiếu chống lại Công ước về Nước hồi năm 1997 của LHQ. Đó là công ước yêu cầu có trao đổi thường xuyên các dữ liệu thủy văn và các dữ liệu khác giữa các tiểu lưu vực. Đồng thời, họ vẫn từ chối tham gia vào hiệp ước chia sẻ nguồn nước với bất cứ quốc gia nào.

Trung Quốc hiện đang giữ số liệu về dòng chảy thượng nguồn để gây áp lực cho các nước hạ lưu sông Mekong, Nepal, Kazakhstan và đặc biệt là Ấn Độ. Chính vì thiếu việc chia sẻ thông tin mà các bang Arunachal và Himachal của Ấn Độ chịu những trận lũ quét kinh hoàng; hệ thống cảnh báo lũ sớm của Ấn Độ cũng kém hiệu quả. Việc xả lũ đột ngột đã khiến cho lũ quét kinh hoàng ở miền Bắc Ấn Độ, trong đó có lần gây thiệt hại 30 triệu USD và làm hơn 50 nghìn người mất nhà cửa… Ngược lại, mùa khô thì họ giữ chặt nước ở thượng nguồn khiến các nước vùng hạ lưu rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Không giống như một số quốc gia khác, cung cấp dữ liệu thủy văn cho các quốc gia hạ lưu miễn phí thì Trung Quốc đều yêu cầu trả phí. Ấn Độ đồng ý trả phí và chuyển tiền cho phía Trung Quốc nhưng đáp lại Trung Quốc không cung cấp với lời giải thích đang nâng cấp, cải tạo. Cách đây ba tuần, tờ Global Times của Trung Quốc giải thích rằng việc nước họ không cung cấp dữ liệu như cam kết bởi vì hai nước có căng thẳng ở vùng biên giới. Trung Quốc đang chỉnh dòng chảy của sông Xiabuqu. Đây là con sông chảy ra sông xuyên quốc gia Brahmaputra. Sông Brahmaputra khởi nguồn ở Tây Tạng, qua Đông Bắc Ấn Độ, các thung lũng Bangladesh trước khi đổ ra vịnh Bengal. Trung Quốc xây hai đập thủy điện trên sông Xiabuqu càng làm cho cuộc chiến nước ở châu Á càng thêm căng thẳng mà quốc gia đông dân nhất thế giới nắm lợi thế.

ANH THƯ (Theo Gulfnews, Globalriskinsights)

;
.
.
.
.
.