Đà Nẵng cuối tuần

Mỹ cần trở lại "cuộc chơi" châu Á - Thái Bình Dương

08:08, 29/10/2017 (GMT+7)

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên ngồi vào Nhà Trắng hồi tháng Giêng 2017 bởi ông cho rằng đó là hiệp định thương mại vô lý. Khi ông công du 5 nước châu Á và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam vào tháng 11 tới, có thể ông sẽ chứng kiến TPP vẫn còn tốt đẹp. 11 thành viên còn lại của TPP vẫn đang làm việc để đạt thỏa thuận cuối cùng. Rất có thể Mỹ sẽ phải hối tiếc vì quyết định rút lui của mình.

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP hồi tháng Giêng 2017.
Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP hồi tháng Giêng 2017.

Các nước nằm trong TPP đều không muốn Mỹ rút lui nhưng vẫn có nhiều sự lựa chọn khác để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ba dự án lớn đang được xúc tiến mà không có sự góp mặt của Mỹ, thay vào đó là ba nền kinh tế lớn mạnh khác Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Ba dự án này tác động vào khu vực chiếm tới một nửa dân số thế giới và 1/3 sản lượng toàn cầu. Đầu tiên là TPP-11 khi mà các thành viên đã gặp nhau nhiều lần và có thể thông báo thỏa thuận về nguyên tắc vào tháng 11 tới, trùng với chuyến thăm của Tổng thống Trump. Ước tính TPP-11 sẽ tạo ra thu nhập tăng 147 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 từ thương mại và đầu tư. Thứ hai là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), gồm 10 nước Đông Nam Á và 6 nước khác, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Hiệp định này còn “khổng lồ” hơn cả TPP-11 bởi sẽ tạo ra lợi nhuận tới 284 tỷ USD mỗi năm. Thứ ba là dự án do Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và sáng kiến “Một con đường, một vành đai” do Trung Quốc lãnh xướng nhằm tạo sự liên kết về giao thông đường sắt, đường bộ, vận chuyển và năng lượng giữa các nước.

TPP ban đầu dự kiến sẽ tăng thu nhập cho Mỹ lên tới 131 tỷ USD mỗi năm từ năm 2030. Một khi TPP-11 đi vào thực tiễn thì Mỹ sẽ nhìn thấy những bất lợi, chẳng hạn như chuyện xuất khẩu thịt bò, thịt heo, sữa và ngũ cốc của Mỹ sẽ lép vế trước Úc và Canada… Bao trùm lên tất cả, những dự án nói trên có thể biến Mỹ từ người chiến thắng lớn nhất của TPP trở thành kẻ thất bại với thu nhập giảm 6 tỷ USD mỗi năm. Mỹ dự tính rút khỏi TPP để thay bằng hiệp định thương mại song phương mới với Nhật Bản nhưng đất nước Mặt trời mọc cho tới bây giờ vẫn từ chối đàm phán. Ngay cả khi Nhật Bản đạt thỏa thuận với Mỹ thì các công ty Mỹ vẫn có quá ít cơ hội làm ăn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Châu Âu sẽ điền vào chỗ trống mà Mỹ để lại thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương trong khu vực, bao gồm các đối tác của Mỹ như Canada, Hàn Quốc, Mexico và đang tiến hành đàm phán với 6 nước khác, có cả Ấn Độ và Nhật Bản.

Chính vì thế, Mỹ cần phải trở lại “cuộc chơi” ở châu Á – Thái Bình Dương. Bởi tới năm 2030 thì châu Á – Thái Bình Dương sẽ sản xuất một nửa sản lượng toàn thế giới, sử dụng hầu hết các nhân tài công nghệ cao và lao động giá rẻ. Để liên kết châu Á với Mỹ tan rã là sai lầm lịch sử.

ANH THƯ (Theo The Hill)

.