Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ

Quà cho con

22:05, 01/10/2017 (GMT+7)

Bữa cơm ngày cuối tuần của cả nhà xôn xao vì một chương trình truyền hình kéo dài gần 60 phút. Hai cô con gái ăn cơm mà muốn nghẹn ngào vì thương anh Nguyễn Quốc Tuấn, một nghệ sỹ gạo cội của điện ảnh Việt Nam, người đã dành hơn 15 năm chữa chạy cho cậu con trai tên Bôm mắc hội chứng “Xương cứng sớm cục bộ” APERT.

Rớt trúng con số 1 trong tỷ lệ 1/88.000 trẻ em mắc chứng APERT, Bôm được sinh ra với khuôn mặt dẹt, trán gập, mắt lồi, tay chân dính vào nhau. 15 năm nuôi Bôm là 10 lần anh Tuấn đưa con đi qua những cơn đại phẫu thuật ở Hà Nội, Hàn Quốc, Úc… Có những lần gia đình tuyệt vọng, nhưng niềm tin của người cha vẫn không cho phép anh dừng lại. Niềm tin ấy đã được đáp trả khi cậu bé từng có bàn tay với các ngón dính chặt lại nằm trong số 5 sinh viên giỏi nhất kỳ thi đầu vào khoa Jazz Piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào năm 15 tuổi. Khoảnh khắc con trai tự tin bước lên sân khấu Học viện chơi tiểu phẩm Ragtime của nhà soạn nhạc Manfred Schmitz, anh Tuấn bật khóc dưới ghế khán giả.

Bữa cơm gia đình cũng lặng đi vì xúc động. Bỗng tự hỏi: Một cậu bé như Bôm, với gương mặt không bình thường, nói năng vất vả, đã lấy đâu ra niềm tự tin để theo đuổi đam mê, để biểu diễn trước hàng nghìn khán giả - điều mà không phải cậu bé 15 tuổi bình thường nào cũng làm được? Câu trả lời chợt đến khi tôi nhìn thấy anh Tuấn. Anh và vợ đã không ngừng tin tưởng vào con, để rồi niềm tin ấy thấm nhuần qua cậu bé, giúp cậu xây dựng niềm tin vào bản thân và cuộc sống.

Các nhà khoa học cho rằng tâm lý của cha mẹ - dù vô tình hay hữu ý – đều có tác động lớn đến tâm lý của con trẻ. Trong Mạng lưới trẻ tự kỷ Việt Nam, chị Nguyễn Tuyết Hạnh – phụ huynh của một bé gái tự kỷ - Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ quốc gia từng có lần tâm sự: “Khi nuôi con, mình chỉ mong giúp con có được một cuộc sống bình thường như bao bạn nhỏ khác, được học, được chơi, được có cảm xúc, có bạn bè, còn bao nhiêu khổ nhọc mình đều ráng đi qua hết. Không ngờ con còn làm được hơn cả mong đợi của mình. Có lẽ vì con thấy mình tin vào con, nên con cũng luôn tin vào bản thân và cuộc sống.” Cô bé con chị Hạnh từng bị gần 10 trường tiểu học ở Hà Nội “đuổi học”, từng ngây ngô đứng giữa lớp kéo áo chính mình lên cho các bạn xem, từng vô cảm khi thấy người thân của mình gặp nạn… Vậy mà với lòng tin của mẹ, sau gần 20 năm, cô bé ấy nay đã thành trợ giảng cho nhiều lớp học trẻ tự kỷ, có thể cầm micro đứng hát và thuyết trình trước những khán giả người lớn.

Giai thoại về nhà phát minh thiên tài Thomas Edison cũng xoay quanh niềm tin của người mẹ. Chuyện kể rằng, giáo viên tiểu học của Edison viết thư cho mẹ cậu bé. Mắt nhòe lệ, bà đọc cho con nghe: “Con trai bà là một thiên tài. Trường học này quá bé và không có giáo viên đủ tốt để đào tạo cháu. Xin hãy để cháu tự dạy chính mình.” Rất nhiều năm sau, khi mẹ đã qua đời và Edison đã trở thành nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ, ông mới được biết sự thật những gì đã ghi trong tờ giấy: “Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không cho nó đến trường nữa.” Ông vừa khóc vừa ghi vào nhật ký: “Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ.”

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, trẻ con đều thường bắt chước tâm lý của những người lớn gần gũi với mình. Trẻ con tự kỷ, trẻ con mắc chứng APERT hay trẻ con có hoàn cảnh như thế nào đi chăng nữa cũng không là ngoại lệ. Xin đừng nói với con những câu như “Dễ thế mà con cũng không làm được”, “Con thấy bạn con chưa, việc gì bạn cũng làm được”… Những câu nói ấy vô tình chụp cho con trẻ cái mũ về sự kém cỏi, thiếu tự tin, không làm gì nên hồn. Con sẽ ngại không bao giờ dám thử làm điều gì mới, dần dà, niềm tin thơ ngây trong con sẽ bị hủy hoại.

Niềm tin mà cha mẹ đặt vào con, con sẽ cảm nhận được và bắt chước theo để tự xây dựng cho mình một niềm tin vào bản thân và cuộc đời. Có lẽ đó chính là món quà quý giá nhất mà cha mẹ dành tặng cho con cái.

PHONG LAN

.