Rời núi về thành

.

Hơn 40 năm qua, ông Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh văn phòng Đặc khu Quảng Đà vẫn nhớ như in buổi chiều cuối cùng (28-3-1975) rời núi về thành. Một cuộc hành quân tiến về thành phố, trên ba lô là “cả văn phòng” tài liệu và vài vật dụng cá nhân, chân như đi trên mây bởi bao nhiêu khó khăn mệt nhọc, bao nhiêu thử thách hy sinh đều đã vượt qua.

 Ông Phạm Thanh Ba (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội cũ về thăm lại căn cứ Hòn Tàu tháng 10-2017...
Ông Phạm Thanh Ba (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội cũ về thăm lại căn cứ Hòn Tàu tháng 10-2017...

1. Tính đến nay là vừa tròn 70 năm ông Phạm Thanh Ba bước chân theo cách mạng. Từ làng Ngân Hà, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, ông được giao làm chân liên lạc ở huyện đội Điện Bàn. Ba năm sau, năm 1950, ông chuyển sang làm nhiệm vụ đánh máy, văn thư ở văn phòng Huyện ủy Điện Bàn. Rồi cơ quan cho ông đi học thêm 3 năm văn hóa để lấy bằng lớp 10. Cũng năm đó ông được kết nạp vào Đảng.

Ông xuống tàu tập kết ra miền Bắc năm 1955, đi xây dựng các công trình thủy lợi ở Hà Đông, Sơn Tây suốt 8 năm. Đến năm 1963, ông và hàng trăm người con miền Nam khác được Ban Tổ chức Trung ương điều về, quyết tâm giành lại quê hương. Xe vô đến Quảng Bình thì cả đoàn xuống đi bộ. Con đường Trường Sơn lúc đó vẫn còn đơn sơ lắm. Đoàn vừa đi qua, giao liên phải xóa ngay dấu vết để giữ bí mật. Đoàn vào đến Tây Giang, trạm tiền phương của Tỉnh ủy Quảng Đà mất 2 tháng 10 ngày. Bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu gian khổ, đói, rét, đặc biệt là thiếu muối, ngày 3 bữa sắn cứ triền miên. Từ Tống Cói, làng Xuồng (Nam Giang), ông Ba cùng bao nhiêu đồng chí, đồng đội đặt chân hết bản làng này qua bản làng khác để nắm tình hình, tổ chức cơ sở. Năm 1965 ông làm Phó Văn phòng, đến năm 1972 làm Chánh văn phòng Đặc khu ủy.

Ngoài công tác nghiên cứu, biên tập những văn bản của Thường vụ gồm những báo cáo tình hình, chỉ thị, nghị quyết… hằng ngày, Văn phòng còn phải giao ban với các bộ phận Cơ yếu, Thông tin Vô tuyến điện, Cảnh vệ để nắm tình hình công việc và tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh; theo dõi chặt chẽ những diễn biến của các hoạt động của địch, hằng ngày giao ban ở Bộ Tư lệnh Mặt trận 4, nghiên cứu các điện báo của các đơn vị, địa phương; theo dõi các tin tức báo chí, đài phát thanh của địch để đối chiếu, xác minh các nguồn tin, tổng hợp lại báo cáo với đồng chí Bí thư và Ban Thường vụ.

Để đảm bảo hoạt động bí mật, Văn phòng Đặc khu ủy thay đổi toàn bộ mật danh, phiên hiệu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Đặc khu và các huyện, thị; soạn lại bản mật mã mới dành riêng cho việc liên lạc trao đổi giữa Văn phòng với các huyện, thị và các quận của thành phố Đà Nẵng. Tổ chức lại mạng lưới các trạm giao liên với cả nghìn giao liên từ miền núi đến các huyện đồng bằng, phục vụ cho công tác vận chuyển công văn tài liệu và đưa đón cán bộ đi công tác huyện, xã. Riêng số giao liên hợp pháp ở nội thành hoạt động từ thời chống Pháp đã lên đến khoảng 50 người. Xây dựng thêm nhiều hành lang hợp pháp mới ra vào thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An. Nhờ hệ thống giao liên hợp pháp và bất hợp pháp lớn mạnh này nên suốt cả quá trình trước, trong và sau chiến dịch Mậu Thân 1968 cũng như những năm sau đó mà sự chỉ đạo của Đặc khu ủy được thông suốt, giữ được bí mật tuyệt đối; nhiều cán bộ lãnh đạo của Đặc khu ủy như Hồ Nghinh, Trần Thận, Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng… đã đột nhập vào nội thành trực tiếp chỉ đạo cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Tháng 12-1967, đồng chí Tư Thuận (Trương Chí Cương), Bí thư Đặc khu ủy chỉ đạo Văn phòng Đặc khu ủy nghiên cứu, tổ chức xây dựng cơ sở nơi đứng chân của Thường vụ Đặc khu ủy ở đồng bằng để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Địa điểm được chọn là vùng B Điện Bàn và vùng Trung Duy Xuyên. Sau đó, Văn phòng cử 2 tổ cảnh vệ xuống đào hầm bí mật, hầm tránh pháo ở thôn La Hòa xã Điện Phước, Điện Bàn làm chỉ huy sở của Thường vụ Đặc khu ủy; xây dựng hầm hào ở thôn Thanh Châu và Châu Phong thuộc xã Xuyên Thanh (nay là Duy Châu), huyện Duy Xuyên làm nơi dự bị.

...và thăm một gia đình cơ sở cách mạng ở Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam. (Ảnh nhân vật cung cấp)
...và thăm một gia đình cơ sở cách mạng ở Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam. (Ảnh nhân vật cung cấp)

2. Ông Phạm Thanh Ba vẫn còn nhớ rất rõ quá trình chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong bối cảnh địch tăng cường đánh phá quyết liệt, cơ sở của ta ở bên trong thành phố, ở vùng ven bất chấp khó khăn, bom đạn của kẻ thù, đã hăng hái tham gia cất giấu, vận chuyển vũ khí; nuôi nấng, che chở bảo vệ cán bộ, bảo vệ lực lượng hoạt động ở bên trong thành phố; xuống đường đấu tranh chính trị, làm binh vận, tham gia nổi dậy phối hợp với tấn công quân sự giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Để chuẩn cho chiến dịch, Ngành Giao bưu đã lập thêm các trạm đầu mối và các trạm liên lạc ở các huyện, hình thành mạng lưới rộng khắp. Ban Lương thực đẩy mạnh thu mua và tổ chức nhiều điểm chôn giấu lương thực ở vùng giáp ranh miền núi và tại các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, các khu của huyện Hòa Vang. Ban Dân y tăng cường cán bộ chuyên môn, lập các trạm phẫu ở các huyện đồng bằng, hình thành các cụm chăm sóc thương binh tại chỗ khi chưa chuyển kịp về các trạm xá, bệnh xá ở căn cứ Hòn Tàu và các trạm xá ở vùng giáp ranh miền núi của các huyện Hòa Vang, Đại Lộc… Hội đồng cung cấp tiền phương và Ban Giao vận phối hợp với Ban Cán sự miền núi (Ban Cán sự Lam Sơn) và các huyện tổ chức lực lượng dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược, thuốc men từ đường Hồ Chí Minh xuống đồng bằng. Ban Tuyên huấn củng cố tổ chức và hoạt động của Ban Biên tập Báo Quảng Đà, củng cố các đội chiếu bóng lưu động, đội văn nghệ, các cơ sở in ấn, phát hành báo.

Sau chiến dịch Mậu Thân, địch tấn công mạnh, Khu ủy chuyển dần về Hòn Tàu. Một ngọn núi cao 953 mét so với mực nước biển, cây cối rậm rạp, rất gần đồng bằng, vấn đề thông tin liên lạc hằng ngày tương đối thuận lợi. Khu căn cứ phải gánh chịu nhiều đợt oanh kích, rải thảm của Mỹ suốt những năm chiến tranh. Cơ quan Văn phòng Đặc khu ủy có 6 người hy sinh, 25 người bị thương; 5 cán bộ ban Tuyên huấn bị mắc kẹt trong hang đá do B52 đánh sập tháng 5-1972 dưới chân núi Mặt Rạng. Phải đến năm 2013 nhờ công binh đánh mìn và những người thợ chẻ đá mới đưa được các anh về quê…

3. Không trực tiếp cầm súng chiến đấu, song những người làm công tác văn phòng, hậu cần phía sau cũng làm việc trên một mặt trận gian khổ không kém, khi hằng ngày xử lý hàng trăm tin tức, tài liệu, bảo đảm thông tin liên lạc, các đường dây vận chuyển vũ khí, khí tài, con người an toàn. Ông Phạm Thanh Ba nhấn mạnh: làm gì cũng phải giữ cho được tài liệu. Quyển sổ tay đâu dám ghi nhiều, có nhiều đoạn ghi bằng ký hiệu, nhiều nghị quyết phổ biến xong là phải đốt!

Cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc giành lại độc lập, tự do nhờ rất nhiều vào công lao của những gia đình, cơ sở cách mạng. Đặc biệt là những nơi từng là căn cứ của Đặc Khu ủy Quảng Đà. Đầu tháng 10-2017, những người còn lại của Khu ủy hiện đang sống ở Đà Nẵng, còn đủ sức khỏe đã trở lại vùng B Đại Lộc thăm 13 gia đình ở Điện Thắng, Điện Thọ, Điện Hòa (huyện Điện Bàn), Đại Thắng (huyện Đại Lộc), những gia đình từng nuôi giấu cán bộ năm xưa. Được biết, năm nào, họ cũng có những chuyến đi như thế. “Mấy năm trước còn lên giúp gia đình họ làm hồ sơ gia đình có công với cách mạng. Hồi trước nhà nào cũng có hầm để tài liệu, hầm chứa người. Chuyện ở dưới hầm 2-3 ngày, bà con nuôi ăn hầu như nhà nào cũng có. Mình giờ không có nhiều để giúp, chứ nhiều hoàn cảnh rất thương”, ông Ba trầm giọng kể.

Cũng ở giữa núi rừng, cận kề giữa cái sống và cái chết, ông Ba và vợ, bà Phạm Thị Tuyết Hồng, cô nữ sinh làm giao liên nội thành bỏ học giữa chừng để thoát ly từ năm 1966, đã gặp nhau. Họ nên duyên vợ chồng vào năm 1972, nhưng phải đến sau ngày giải phóng, về phố mới dám sinh con, để dốc hết sức phụng sự cách mạng.

Về thành, ông tiếp tục làm công tác văn phòng. Giải phóng rồi mà chẳng mấy khi được ngủ ngon giấc, với hàng núi công việc cần giải quyết. Đến năm 1977 ông làm Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam-Đà Nẵng, năm 1983 ông được cử sang Lào làm chuyên gia giúp tỉnh Sanavan, tự học tiếng Lào để nói chuyện với dân. Năm 1986 ông Ba về làm Phó Chủ tịch tỉnh cho đến khi về hưu năm 1995.

Mùa hè vừa qua, trở lại Hòn Tàu lần đầu khi đường lên núi đang thi công, nhớ về người em, người đồng đội hy sinh còn nằm đâu đó giữa rừng, ông cảm tác: Bốn hai năm rời núi về thành/ Nhớ mùa dâu chín, nhớ rừng xanh/ Thương em nằm đó, chưa tìm thấy/ Để đón em về với các anh. Và cách đây mấy ngày, cũng khi trở lại Hòn Tàu, ông tiếp: Ngồi xe lên núi thăm chốn cũ/ Thỏa lòng mong ước bấy lâu nay/ Kẻ còn, người mất tìm đâu thấy/ Chỉ thấy cây rừng với lá bay…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.