Đà Nẵng cuối tuần
Khánh "phản ứng nhanh"
Võ Phước Khánh (SV năm 5, ngành Công nghệ chế tạo máy, khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) được thầy cô và bạn bè gọi là… “Khánh phản ứng nhanh” vì bất cứ khi nào bác sĩ hay người bệnh cần máu là Khánh sẵn sàng hỗ trợ, chẳng ngại thời gian hay thời tiết.
Khánh (bên phải) trong 1 lần đi hiến máu. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Khánh kể, ngay từ những năm đầu SV của mình em đã tham gia các hoạt động nhân đạo, ở trong và ngoài trường. Trong một lần tình cờ nghe thông tin về chương trình Hành trình Đỏ xuyên Việt (HTĐXV) từ một cô bạn, em đã đăng ký phỏng vấn và tham gia hành trình.
Em may mắn được chọn là một trong 120 tình nguyện viên (TNV) khởi hành vào tháng 7-2014. Trải qua một thời gian tham gia hành trình, được tập huấn, tuyên truyền cho người dân về công tác hiến máu nhân đạo (HMNĐ) nên hơn ai khác, bản thân em nắm rõ tầm quan trọng của việc hiến máu.
Sau khi kết thúc hành trình trở về, em đã huy động các bạn thành lập CLB Trái tim tình nguyện, nhằm mục đích hỗ trợ các bệnh nhân khó khăn về máu trong điều trị, đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về công tác HMNĐ.
“Chuyến đi xuyên Việt ấy đã mang đến cho em một nguồn cảm hứng cực kỳ lớn. Em nhận ra, bản thân mình không cần quá giàu có, giỏi giang, chỉ cần mình có ý thức đóng góp cho xã hội, giúp đỡ cho mọi người là mình sẽ làm được. Với em, đó là việc mỗi năm sẽ hiến máu từ 3-4 lần”, Khánh nói.
Hiện tại, sau gần 4 năm thành lập, CLB Trái tim tình nguyện có 20 hội viên cơ hữu và hơn 100 TNV luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào bác sĩ gọi. CLB đã vận động được hơn 3.000 đơn vị máu, 200 đơn vị tiểu cầu.
Dù chỉ là một CLB nhỏ do các SV tự thành lập, nhưng CLB của Khánh hoạt động khá bài bản. Khánh đến các BV trên địa bàn quận Liên Chiểu, xin để lại số điện thoại của Ban chủ nhiệm CLB để người nhà bệnh nhân và bác sĩ gọi khi có nhu cầu.
Bất kể nắng mưa, giữa đêm hay sáng sớm, chỉ cần có người cần giúp là CLB của Khánh sẵn sàng hỗ trợ, kịp thời và nhanh chóng nhất có thể. Khánh nhớ lại: “Bản thân em cũng đã nhiều lần hiến máu vào lúc đêm khuya. Có lần, em đi hiến máu vào buổi tối, trời thì mưa.
Hồi đó, em chưa có xe máy phải mượn chiếc xe máy của ông anh chạy lên BV Ung bướu để hiến máu cho kịp. Lúc đi vội vàng nên quên đổ xăng. Lúc về thì đã hơn 11 giờ khuya. Mới chạy được nửa đường thì xe hết xăng. Em dắt bộ hơn 5km đi kiếm chỗ bán xăng lẻ. Đi miết chẳng thấy đâu, về đến nhà thì gần 1 giờ sáng”.
TS Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Bách khoa cho biết, trường hiện có 13 CLB đội, nhóm, trong đó CLB Trái tim tình nguyện nổi bật với hoạt động HMNĐ. Bất kỳ SV nào bị tai nạn, đau bệnh cần máu tức thời, các bạn luôn có mặt kịp thời, thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Trong đó, “đầu mối” của công tác hiến máu là “Khánh phản ứng nhanh”.
Nhiều năm hoạt động HMNĐ cũng như làm nhiều chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức của SV về công tác này, Khánh khá am hiểu quy trình hiến máu. Khánh bảo, hiện tại, ngoài hiến máu (hồng cầu), nhiều bệnh viện và người bệnh cần hiến tiểu cầu. Tiểu cầu là những tế bào máu giống như hồng cầu, bạch cầu, có chức năng cầm máu bằng cách làm máu vón cục và đông lại, giúp chúng ta hàn kín vết thương. “Chạy” tiểu cầu là quá trình máu đi vào máy lọc ly tâm để tách tiểu cầu ra khỏi các thành phần khác của máu.
Thông thường, bác sĩ cho máy hút máu trong người rồi qua máy chạy tiểu cầu, máy sẽ lọc và giữ lại mỗi tiểu cầu với một ít huyết tương, rồi trả máu về lại. Mỗi lần máy hút gần 300ml máu để tiến hành lọc. Sau đó lại trả về cơ thể rồi lại tiến hành lượt khác.
Mỗi lượt như vậy mất 10-20 phút, lặp lại 6-10 vòng tùy thuộc thể trạng người hiến và số lượng tiểu cầu cần lấy. Đời sống của tiểu cầu kéo dài 8-12 ngày. “Vì quy trình lấy tiểu cầu phức tạp và tốn nhiều thời gian nên rất khó vận động các bạn đi hiến tiểu cầu. Ví dụ có 10 người sẵn sàng hiến máu nhưng chưa chắc trong số đó có 1 người đồng ý hiến tiểu cầu. Như bản thân em đã hiến máu 13 lần, và 4 lần hiến tiểu cầu”, Khánh chia sẻ.
Đang học năm cuối, chỉ còn vài tháng nữa là ra trường, Khánh đang khẩn trương tìm các bạn khóa sau để cùng em hỗ trợ tốt hơn trong công tác HMNĐ của mình. “Dù có ra trường, em sẽ vẫn tiếp tục gắn bó với việc hiến máu, dù có thể không được thường xuyên như trước”, Khánh khẳng định.
HẢI ÂU