Đà Nẵng cuối tuần
Không dễ từ bỏ than
Sau khi Tổng thống Donal Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ rõ quyết tâm: “Chúng ta không thể là người cuối cùng trên Trái đất bị thuyết phục bởi bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu”. Đức được nhìn nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ những khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo mà mục tiêu là giảm lượng khí phát thải carbon dioxide tới 40% vào năm 2020.
Đức vẫn phụ thuộc vào than. |
Tuy nhiên, cho tới nay Đức vẫn dùng tới 40% năng lượng từ than, lớn nhất ở châu Âu. Phần lớn loại than mà Đức dùng là than nâu – loại than bẩn nhất. Sự phụ thuộc vào than một phần do Đức phải từ bỏ sản xuất điện hạt nhân và chính quyền bà Merkel muốn làm dịu cử tri nên trong chiến dịch tranh cử hồi mùa hè vừa qua bà cố gắng tránh né đề tài này.
Cách đây 2 năm, 35 nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đồng ý giới hạn tài chính đầu tư vào than. Tuy nhiên, cán cân giữa đầu tư vào năng lượng tái tạo và than của OECD là quá chênh lệch: 7 tỷ USD cho than và 250 triệu USD cho năng lượng tái tạo. Trong lúc các thành viên Anh, Na Uy… chưa tài trợ các dự án nhiệt điện ở nước ngoài thì Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ra tích cực với một loạt dự án ở Đông Nam Á và châu Phi (Nhật Bản 15 dự án và Hàn Quốc 10).
Sản lượng than của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm đạt 2,85 tỷ tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ sử dụng than trong ngành khai thác than và rửa than tăng tới 69% trong quý 3; tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ năm 2015. Nền kinh tế Trung Quốc dự báo hồi phục; đồng thời dự báo lượng khí phát thải carbon dioxide cũng tăng 3,5% trong năm 2017.
Mỹ thể hiện rõ quan điểm rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu bằng bài phát biểu của cố vấn đặc biệt của Tổng thống Donald Trump là David Banks tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ vừa diễn ra ở Bonn (Đức). Ông Banks nói rằng cắt giảm khí phát thải là một ưu tiên của Mỹ nhưng an ninh năng lượng và sự thịnh vượng kinh tế là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Tổng thống có trách nhiệm bảo vệ công ăn việc làm và ngành công nghiệp toàn quốc. Nhiên liệu hóa thạch vẫn nắm vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo trên toàn thế giới và giải quyết việc làm ở Mỹ.
Bài phát biểu của ông David Banks không chỉ nhận lấy sự phản đối của những người biểu tình bên ngoài hội nghị mà chính những người Mỹ cũng không đồng tình. Michael Bloomberg, cựu thị trưởng thành phố New York và đặc phái viên của LHQ về biến đổi khí hậu nói: “Thúc đẩy than đá tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu cũng giống như thúc đẩy thuốc lá tại hội nghị thượng đỉnh về ung thư”. Còn Benson Kibiti, thuộc Nhóm làm việc về khí hậu của Kenya bình luận: “Nhiều than hơn thì nghèo đói nhiều hơn và nhanh hơn”.
ANH THƯ (Theo Bloomberg, Forbes)