Đà Nẵng cuối tuần
Lửng lơ dưới tán bông gòn
Cậu hay nói, mai mốt mạ bây có tắt thở chắc ba ngày sau miệng còn hấp háy. Tại răng? Ờ, thì nói nhiều quá mà, nói đến nỗi miệng đâu kịp lên da non. Cậu nói rồi cười rung đùi. Tôi tưởng đâu mạ sẽ giận lẫy lắm vậy mà mạ chẳng la mắng chi, vẫn ngồi bên cười góp vui cùng cậu.
Tôi biết mạ nói nhiều, nói vô kể, nói không ngừng nghỉ. Chủ đề nào mạ cũng nói, xa lạ quen thân chi mạ cũng có thể nói cùng họ. Như thể chỉ cần im lặng một chút là lòng mạ lợn cợn không vui. Đôi lúc toàn thân bệ rạc, mệt mỏi vì một ngày dài, mạ trở về nhà vẫn mang theo những câu chuyện dọc đường dọc sá, chẳng hề liên quan và rất tẻ nhạt. Tôi hình dung mình cần ở đó, dù chỉ ừ hử vài tiếng để lời của mạ không rơi vào không khí rồi mất hút mênh mông.
Chỉ đến buổi trưa đó, sau vài câu tếu táo không làm mạ giận, cậu buông thẳng băng lời khác “cũng tại chị chớ ai, tại chị nói quá nên ba hắn mới làm vậy”. Không biết có phải lời đó cậu đã nín nhịn suốt mấy chục năm qua hay cậu chỉ bâng quơ nói cho vui như bao lần khác. Giữ vẻ thản nhiên như mọi bữa, cậu cười dù biết rõ ràng chẳng có chi vui. Lời nói kia làm mạ tối sầm mặt mũi, bà đùng đùng đứng dậy cắp nón bỏ đi. Đến cậu mà còn nói tui rứa, hèn chi…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hèn chi cả làng cả xóm này có bao giờ để mạ bình yên đâu. Nhất là mỗi lần kỵ giỗ ba hay có ai đó vô tình nhắc lại người đã khuất bằng tiếng thở dài, chép miệng. Năm tháng trôi qua, bao nghi ngờ xét nét không biết có phai bớt không nhưng trí nhớ non nớt của tôi vẫn nhớ lời người ta xầm xì chỉ trỏ mỗi khi bắt gặp mạ con tôi đi qua cổng làng. Cảm thông người đời dành cho nhau coi vậy chứ hiếm hoi lắm, càng thân thiết ruột rà lại càng khó trao đi. Nhiều người dễ tha thứ tội lỗi cho người xa lạ, còn người quen biết thiết thân bên mình thì ghim vào bụng, đôi bữa lấy ra nhắc lại để khuấy đục lòng nhau.
Câu nói của cậu như lưỡi dao sắc lẻm cứa vào gan ruột mạ tôi. Mạ bảo, thiên hạ nói kiểu chi cũng không chấp nhưng người nhà mà đinh ninh vậy thì đau lắm. Mạ đưa mắt nhìn tôi như hỏi ý tôi thì sao? Tôi có cùng suy nghĩ như bao người không? Lắm lúc tôi thất thần, đứng luẩn quẩn dưới gốc bông gòn rồi ngó lên vòm lá. Thiệt tình, nhiều khi tôi cũng không rõ lòng mình. Những chuyện mắt không thấy, tai không nghe thì tốt hơn đừng nên suy diễn, nghi ngờ chi cho cực.
Cậu rề rà, dù chi nếu nói ra được, con sẽ thấy nhẹ lòng hơn. Mà không trách được, tại mạ bây nói hết phần của bây rồi. Mạ nói nhiều chừng nào, tôi nín thinh, ít nói từng đó. Con nít lên năm, lên bảy đáng ra luôn hỏi bi bô, nói chuyện trên dưới, thắc mắc tò mò đủ kiểu. Tôi lại khác, mặt cứ buồn buồn, hay cúi xuống và ít nhìn lên. Hình như tôi chỉ nhìn lên trên tán lá mỗi lần đi qua cây gòn. Cháu con mấy đứa, cậu bảo thương tôi nhất, thương bởi vẻ im ỉm cam chịu đó.
Có lẽ, tại suốt đời, tôi đã dành nỗi thắc mắc về cái chết của ba nên chi những lời khác có nói ra cũng thành vô nghĩa. Mạ đã nói gì, chuyện chi đã xảy ra? Có thực là mạ ghen ba? Mạ chì chiết ba? Tôi cũng tò mò muốn biết lắm nhưng sợ chỉ cần mình gợn hỏi một tí thôi cũng đủ làm bung vỡ những gì mạ muốn che đậy. Dù chi chuyện hồi đó cũng chỉ có ba mạ biết với nhau, nên mạ không nói tường tận thì đâu ai rõ.
Ai cũng bảo ba chết là do mạ. Tại mạ nói năng không khéo, tại mạ xua đuổi, tại mạ chì chiết, ghen tuông. Nhà nội còn nói những lời khó nghe hơn, rằng chính mạ chứ không ai khác đẩy ba tôi tới cái chết tức tưởi đó. Nếu thực oan ức thì mạ phải nói chứ, bao nhiêu lời có thể buông xối xả, sao phân bua cho mình, mạ không nói lấy một câu? Nhiều khi mình không tin nhưng một lời nói cứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ miệng người này sang người khác, ta sẽ đinh ninh đó là sự thật.
Năm ấy tôi còn quá nhỏ, chẳng biết chi nhiều. Người làng đã tập trung ở cây bông gòn bên mé sông khi nghe tin có người treo cổ. Cây bông gòn nằm đó đã lâu. Chừ hỏi ôn mệ già nhất trong làng cũng không ai nhớ cây có chính xác từ năm mô. Qua bom đạn và mấy mùa bão lũ, cây có lúc nghiêng ngả, cành lá gãy gọn. Tưởng đã chết đi thế mà vẫn sống, gốc rễ bám vào đất chắc chắn không dễ chi tách rời, vòng cây to hai người ôm không xuể.
Mạ bồng tôi chạy ra, thả tôi xuống đất rồi chen vô đám đông lộn xộn. Người ta dạt ra hai bên, nhường lối cho mạ, họ ngó mạ con tôi bằng ánh mắt thương xót. Cậu bịt mắt tôi lại rồi bồng ra khỏi nơi đó để con bé năm tuổi chưa kịp nhớ hơi cha tránh chứng kiến cái chết đau lòng của ông. O và mệ nhảy vào túm tóc mạ, la hét, chửi rủa. Người làng hiếu kỳ, vừa muốn nghe người ta trách móc nhau, vừa thấy thương xót nên đâm ra chần chừ để can ngăn. Mạ ngồi chết lặng, không khóc kể lể như những người mất chồng chưng hửng khác. Cậu nói cũng may tôi là con gái, chứ nếu là con trai chắc nhà nội đã giành tôi khỏi tay mạ.
Hồi nhỏ đi học, mỗi lần ngang qua cổng làng, đám con nít lại tụm năm tụm ba, chúng chỉ trỏ về phía cây bông gòn rồi nói với tôi, ê, ba mi treo cổ chết ở đây nì. Tôi chạy thật nhanh về nhà, chui sau giếng ngồi khóc tức tưởi. Những lúc ấy, tôi giận ba mạ ghê gớm và tự nhủ mai này lớn phải tìm ra nguyên cớ tại sao họ hành động như vậy, rốt cuộc là vì đâu?
Mạ đi buôn từ sớm đến chiều. Mùa nào buôn thức ấy. Trên chiếc xe đạp cũ mòn, mạ rong ruổi từ làng này qua làng khác buôn hàng xáo, buôn heo, buôn rau màu… Cứ đầu tháng, mạ lại gửi gạo rồi tiền ăn cho mợ. Trưa đi học về, tôi qua nhà cậu ăn rồi ở chơi đến chiều. Cả tuổi thơ, tôi luẩn quẩn bên cậu nhiều hơn với mạ.
Nhờ siêng năng và lanh lợi, mạ buôn bán ki cóp nuôi tôi ăn học và xây nhà đàng hoàng. Người làng cũng dần quên, thấy một mạ một con mà giỏi giang vậy, ai cũng khen. Cậu kể, chừ ngó thong dong vậy chớ hồi ba tôi mới mất, mấy bận mạ định bồng tôi bỏ xứ đi. Ở đây chỉ thêm nhức đầu, con cái cũng khổ bởi dèm pha của người đời. Nhưng rồi mạ không đành bởi ý nghĩ tôi đã không có nội, nếu bơ vơ nơi đất khách rồi không có ngoại nữa thì tội lắm. Hơn nữa, mạ tin dù chi cũng là ruột rà máu mủ, khi nỗi đau dịu lại, nhà nội sẽ hồ hởi đón nhận chúng tôi.
Chỉ tới khi mệ hấp hối, mấy o chú mới gọi mạ con tôi qua. Mệ nắm tay tôi, nước mắt chảy dài rồi mất mà không thèm ngoái ra ngó mạ. Nỗi uất hận có lẽ vẫn còn trong mệ. Mệ đi gặp ba có thể hỏi mắc mớ chi ba tôi làm vậy không? Ba chết rồi còn mạ con tôi cứ sống dật dờ chịu đựng. Nỗi chịu đựng so bề ra cũng khác nhau, mạ ồn ã thì tôi nín lặng.
Ba đẹp trai lại hiền, hiền như cục đất. Nên chi mệ tiếc thằng con ngoan hiền của mình cũng phải. Cậu thở dài, cũng bởi thời cuộc nên mới nảy sinh nhiều cơ sự. Chiến tranh, nhà ai chẳng có bi kịch. Nhưng nhà mình, bi kịch lại đến khi đã hòa bình yên ả.
Bặt tin trong mấy năm đi lính, ba trở về rồi thú nhận với mạ đã phải lòng một người đàn bà nào khác ở trong kia. Mạ tức giận, năm tháng chờ đợi nuôi con lại bị phản bội cay đắng thế này. Trong lúc giận dỗi, mạ buông lời cạn tình cạn nghĩa. Đi thì đi luôn đi, đừng bao giờ xuất hiện trước mặt tui nữa. Mạ nói lạnh tanh rồi quay lưng vô buồng, chốt cửa nhốt ba ở ngoài.
Đêm đó, nghĩ quẩn thế nào mà ba ra trước cổng làng rồi làm điều dại dột. Sáng sớm, người làng dắt trâu ra đồng đã thấy ba lạnh ngắt. Vậy là ông đi thiệt. Đi để mạ tôi chưng hửng, sống nửa đời còn lại bằng hoang mang và hối hận, nhưng nỗi hoang mang và hối hận đó không bình thường. Người ta ăn năn và hối lỗi trong lặng im, trong cái cúi đầu gầm mặt. Mạ ngược lại, lúc nào cũng náo động, nói cười luôn miệng. Cứ như nếu môi tắt lời, mạ sẽ bị chết chìm trong những âm thanh nguyền rủa, trong những giấc mơ lơ lửng có ba về.
Xóm khóc ròng vì ba đứa học sinh chết đuối. Thằng cu đi ngang qua đó kể lại đã trông thấy ba đứa hì hụi thả trái gòn xuống sông mần thuyền chơi. Cậu nói chắc chắn tụi nó lội ra rồi sẩy chân, níu nhau theo chớ không chi hết. Lúc vớt lên, miệng đứa mô cũng ngậm đầy cát. Cha mạ ba đứa ngất lên ngất xuống, đứa thì con trai một, đứa thì đích tôn, đứa thì học giỏi, ngoan hiền. Vài người bắt đầu lấm lét nhìn trên tán bông gòn, có khi ma cây dìm mấy đứa con nít.
Nhiều thanh niên trong làng đi chơi đêm, tới buổi về dù trời sáng trăng mà chẳng hiểu sao lại đâm sầm vô gốc cây, ngã gãy tay gãy chân. Vài người hốt hoảng kể nhau nghe đã trông thấy rõ ràng bóng người đung đưa trên nhánh bông gòn. Năm nào quanh đó cũng có vài mạng người ra đi vì những lý do trời ơi, chẳng ai rõ. Một o hàng xáo đi buôn về, nắng nóng quá nên giữa trưa lội xuống sông rửa chân sau lui vô gốc cây ngồi nghỉ. Tới hồi đám con nít đi học, đã thấy o tắt thở từ hồi mô rồi. Một chú đi làm đồng, ngang qua thấy tổ ong nên trèo lên lấy. Không ai thấy chú trèo lên hay rớt xuống, khi đem tới bệnh viện thì họ báo chú chết vì gãy cổ. Chiếc xe chở cát sạn lộn nhào ngay đoạn đó. Anh lái xe hốt hoảng bảo có người thình lình đứng chặn xe. Hỏi nam hay nữ, già hay trẻ anh tái mặt không rõ. Người lớn bắt đầu dặn con nít không được luẩn quẩn chơi ở đó. Các bà mẹ dặn con gái cấm thả tóc, mặc áo trắng khi ngang cây. Nếu có nghe tiếng ai gọi cũng đừng ngoái đầu lại. Họ đinh ninh không phải ma xa lạ mô, là người làng xưa nay cả.
Hồi đó, cậu là người đứng ra lo liệu khâm liệm ba tôi. Nhưng để biết rõ nguồn cơn thì phải đến mấy năm trước, khi có người ở xa về tìm ba. Câu chuyện được kể lại qua lời của chú, rằng chú là bộ đội được ba cứu sống trong một trận càn. Chú bị thương nên không theo kịp đồng đội, ngồi nấp trong bụi, máu chảy lênh láng ướt cả vạt cỏ. Chú bảo lúc đó chỉ nằm thoi thóp chờ chết. Ba phát hiện ra nhưng không hô hoán lên. Đánh lạc hướng mọi người xong, chút chi ba quay lại băng bó cứu thương cho chú, dìu chú ra khỏi vòng vây. Hai người bị phát hiện, ba hứng giùm chú trái lựu đạn khi cả hai vừa ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ba sống nhưng chân trái bị giập, giập thêm mẩu thịt lủng lẳng nằm giữa hai chân. Chú bộ đội thắp hương cho ba rồi khóc nức nở. Mạng này được anh cứu nhưng cuối cùng cũng không giữ được. Chú mang bệnh trong người, chẳng còn sống được bao lâu. Về thăm ba tôi là ước nguyện cuối cùng của chú. Vậy mà không thể gặp, thôi thì mai mốt gặp nhau dưới đó. Tôi lại muốn nhắn nhủ chú hệt như đã muốn dặn dò mệ, nếu gặp ba tôi, chú có thể hỏi tại sao ông lại làm vậy không. Là thắc mắc hồi đó thôi, chứ càng lớn tôi càng hiểu mọi nguồn cơn bi kịch.
Cậu thở dài, đàn bà ai chẳng ghen. O mô đó ở bên xóm Triếu còn ghen kinh điển hơn mạ bây. Tới nỗi bồ của ông chồng chết mười năm rồi mà vẫn còn ghen khi ai đó vô tình nhắc đến tên người ấy. Ba bây chắc vì tủi nhục và thương vợ nên viện lý do có người khác cho dễ nghe, cuối cùng lại thành ra dại dột.
Mạ nghe chuyện, ngồi chết lặng chẳng nói chi. Hồi đó, bà con không cho mang ba vô khâm liệm trong nhà vì kiêng cữ. Mạ không tắm rửa, không nhìn ba lần cuối, vợ chồng mới gặp nhau đôi ba ngày, nên mạ thiệt tình đã không biết ngoài cái chân cụt ba còn khiếm khuyết cả phần quan trọng để làm chồng.
Nếu cậu không đốt sợi dây đó đi, có khi người tiếp theo treo lửng lơ trên cây bông gòn là tôi hoặc mạ. Cậu bảo theo phong tục, nhà có người treo cổ mà không đốt áo quần, không đốt sợi dây thì sau này sẽ có người trong nhà hành động y hệt, cũng ngay gốc cây đó. Nên nhiều đêm, tôi mơ màng thấy mình lửng lơ chới với dưới tán bông gòn. Thức giấc vì hụt chân, mồ hôi vã ra như tắm. Hễ nhắm mắt, lại mường tượng ra cảnh người ta bu tới gốc bông gòn để chỉ trỏ, dòm ngó cả gia đình mình.
Mùa này, bông gòn bắt đầu nở bung, bay tứ tung trong gió. Mấy năm trước, nhiều người tìm tới hái trái về dùng, bây chừ hình như gối hơi đủ đầy nên không còn ai đoái hoài đến cây. Chỉ có mạ vẫn cần mẫn đi nhặt những trái gòn còn sót lại. Tối về, mạ chắp những miếng vải rẻo để may thành bọc gối nhiều màu sắc rồi nhét bông gòn vô đó.
Bông gòn nở lách tách rồi bay khắp trời, rớt lả tả xuống ruộng, lấp lửng trên mặt sông và trắng cả đường đi. Cậu nói giống cây này nhiều loại, mấy vùng trồng tiêu như ngoài Gio Linh, họ nhân giống để làm trụ tiêu. Cây bông gòn ngó vậy chứ nhiều công dụng lắm, mủ gòn uống mát người, lá gòn se nhang, hỏi mạ bây thì biết. Dạo này, cậu hay xúi để mạ mở miệng chuyện trò như trước bởi hai năm nay mạ thôi vẻ náo động, ít nói hơn cả một người bình thường. Gỡ bông gòn ra khỏi trái rồi cười bâng quơ, mạ bảo người ta về già nên im lặng nhiều hơn.
Có lần, khi nhặt bông gòn bên mé sông, mạ ngó lên chạc cây rồi thở dài. Tôi buột miệng, có một chân mà loay hoay để treo mình lên đó chắc khổ sở lắm, đâu đơn giản gì. Lời của đứa con gái ít nói như tôi nếu so ra đâu sắc lẻm bằng lời của cậu nhưng hình như cũng đủ đau lòng. Nhặt một nhúm gòn rồi mân mê trên tay, tôi cảm giác lòng mình rồi sẽ nhẹ hều như bông vậy…
DIỆU ÁI