Đà Nẵng cuối tuần
Ao vẫn trong xanh
Trăng rọi xuống ao, lóng lánh, ngời ngợi.
Tôi và lão ngồi bên nhau. Câu chuyện nhịp nhịp, đôi tay lão băm băm, ngón ngón mờ nhòe… Có thể từ mặt ao kia một con chép phóng vút lên, từ cao xanh kia, trăng choẳm một cái xuống. Tôi đang lơ mơ thấy lão rập rềnh sương khói, thì một cái đập xuống bàn:
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Này chú, chú có ở với anh được đến lúc trăng lặn không?
- Dạ, được ạ. Trăng lặn hay gà gáy em cũng OK.
- Thế thì được. Anh em mình cứ ngồi đây nhé.
Như chỉ đợi có thế, trăng chợt bừng lên. Lão ngang ngang chén trà, tiếng tiếng cá choẳm, quẫy mơ hồ, xa xa. Hai người im lặng, không ai nói ra nhưng đều sợ… nhỡ có đám mây đen tạt qua.
Lão giờ có đầy đủ mọi thứ mà người đời ao ước. Cái cụ thể là 2,5ha mặt nước nuôi cá, mỗi năm cũng để ra dăm trăm triệu. Ấy là chưa kể, hai chục lao động trong xóm, tuy chỉ thời vụ nhưng cũng có một khoản thu nhập đáng kể. Bao nhiêu lần lão đã từ chối các nhà báo viết “người tốt - việc tốt”. Tôi phải dẹp ngay kiểu hỏi mấy câu, chụp kiểu ảnh, gõ bàn phím lạch xạch một tiếng ra nhân vật chung chung nhàn nhạt. Tôi chơi với lão, như người với người thường tình. Hơn năm rồi, lão có vẻ chịu, trăng lại hết sức ủng hộ thế này.
… Lão dắt tay tôi vào nhà. Thật nhẹ, mở cửa, ba bóng đèn bật… phòng khách sáng trưng. Trên cao nhất bức tường sơn xanh là bốn bức ảnh to trong khung kính, theo thứ tự từ trái sang phải - 1, ngôi nhà mái gianh trông ra hồ nước, vách đất nửa dưới, liếp nứa nửa trên; 2, mươi người com-lê cà-vạt quây quanh lão, người gần bắt tay, người xa ngớn lên; 3, cô gái ôm hoa trong lễ nhận bằng thạc sĩ; 4, con trai rạng rỡ trong lễ bảo vệ luận văn bác sỹ chuyên khoa II.
Tôi ngửa cổ xem xem, gật gật đầu:
- Thật còn bằng vạn những bằng khen, huân huy chương.
- Ờ, ờ… chú nói giống nhiều người. Nhưng anh muốn lời thẳng vào một bức. Bức nào?
- Bức vinh danh nông dân số 1 của tỉnh.
- Sai.
- Bức con gái con trai thành đạt.
- Chệch hướng ao, lao thẳng ra biển rồi. Phải là ngôi nhà này này. Úi xùi đấy, nghèo hèn đấy. Nhưng không có nó sẽ không có gì. Bao nhiêu nước mắt đã ở trong này. Bao nhiêu tốt xấu đã hiện nguyên hình tại đây...
Lão khóc, hai bàn tay bưng mặt che nước mắt.
Tôi lủi lủi ra sau, tiếng là bạn vong niên nhưng trước “ngôi nhà ảnh”, tôi cũng vừa hiện nguyên hình là một thằng phong trào, đeo kính chỉ tay xuống ao.
Chiếc gương to từ bức tường đối diện đón mặt tôi. Tái tái, rũ xuống.
“Thôi, ta lại ra ngắm trăng đi chú”. Lão đi trước, tôi như thằng con chơi game bị bố bắt tại quán, cúi đầu theo sau.
Trăng im phăng phắc. Ao ao sáng lóa, lấp lánh lên như vảy cá, vừa nãy còn thấy bờ, giờ tràn tràn sương trắng, phất phơ dáng cau dáng dừa.
Có khi nào anh thấy nàng tiên cá không? Bốn mươi năm nuôi cá rồi còn gì. - Tôi nói một câu hết sức mẫu giáo, ngớ ngẩn. Chắc tại chuyện bình ảnh chệch hướng theo ra, tại cái thằng vụng chèo vụng chống bị lấy mất đống rơm ẩn nấp. Tưởng lão sẽ cười cái kiểu rặn hài xã giao, nhưng không, lão lại nghiêm giọng - Tiên cá thì không nhưng cá thành tinh thì có. Trông bác thế mà cũng biết “chém”. Tin thì tin không tin thì biến, lão sầm mặt.
Tôi đứng dậy, bước hụt bước hẫng ra ao. Trăng sáng, nước sáng… mắt mờ. Dù đang ức chế nhưng tôi vẫn nghĩ phải cẩn thận trong đêm trăng nước một màu này. Tôi lần lần khi… hình như đã tới mép bờ.
Sang phải, bước thẳng xuống. Dừng, thẳng mặt tiến. Này đi đâu thế, được rồi, ngồi xuống… Tôi như được gắn chip, theo lệnh máy chủ. Tiếng lão hay tiếng từ đáy ao vọng lên vang sắc, uy lực.
- Trăng sắp lặn rồi đấy, chú có thấy không?
- Vâng, cái kiểu chui vào đám mây mãi không ra này thì là bai bai rồi. Tôi ngửa mặt lên khẳng định.
- Chú nhìn xuống ao đi. … Đứng lên, ra tận nơi đi.
- Tiếng gì ọt ọt… hình như cái xoáy nước. - Tôi ra ngay, lại vào ngay, “báo cáo”.
- Đang mở cửa nhà đấy. Có vào mới có ra…
- Em không hiểu.
- Thì rồi sẽ hiểu.
… Không biết từ lúc nào, bóng tối đã ập đến, vọt qua sự chú ý của tôi. Không ai nói gì. Đen đặc trĩu mắt. Giá như có một con đom đóm lượn lẹo thì hay biết mấy. Tôi rờ túi quần rút điếu thuốc, thì cạch… cái bật lửa văng xuống bàn. Tôi biết thừa là lão vừa chém tay mình. Nóng mặt, khó chịu. Diện ơi sao mày lại dở hơi ngồi đen với một lão đại dở hơi thế này. Tôi kìm không nói, lão cũng không sủi tăm lời nào.
Im lặng quá, im lặng mãi. Khi tôi co người lại, sờ lên đầu thấy tóc ướt sương. Lạnh rùng mình. Có tiếng ù ù như sắp giông sắp bão? Không, tôi giơ bàn tay lên, chả thấy mát. Có tiếng ọt ọt, ùm ùm, oẳm oẳm ngoài ao, như gần như xa.
Lên rồi đấy - Lão thì thào. Ra xem nhé - tôi đứng dậy, háo hức. Cứ ngồi im đấy, lão ấn vai tôi xuống.
Tôi cố nhìn ra ao, cả tưởng tượng nữa, nhưng chỉ nhìn thấy lão… nhòa nhòe.
Lão đang thì thầm, nửa như nói chuyện, nửa như thưa gửi…
Không rõ “họ” chia tay từ lúc nào, tôi chỉ “tỉnh” khi tay lão vỗ vỗ lên vai mình - Ổn rồi, ta vào ngả lưng tí đi.
Gà gáy ran ran. Tôi vuốt mặt, ngửa lên trời đón làn sương cho tỉnh táo. Đằng đông núi đã một vệt mờ mờ.
Tôi xin phép về ngay cho kịp giờ làm. Lão đưa tôi túi bóng có hai con trắm, ba con trê phi, bảo quà cho cháu. Tôi kiên quyết từ chối, lí do đến cơ quan luôn. Lão không nài thêm.
Suốt cả tháng sau đấy, tôi cứ nghĩ, không hiểu con chép lạ kì là thật hay ảo ảnh. Có thể lắm, trăng sáng như thế, ao ao bàng bạc như thế. Nhưng thôi, một mình dư vị, chả hại đến ai.
Tôi có ý chờ lão “mời” vào chơi… nhưng vẫn đàng hoàng, nhịn không alo trước. Lão chân đất đơn giản nhưng thẳng thắn so sánh thì tôi cứ cồm cộm mình… một công chức - một đại gia… không thể bắt quàng làm họ được.
Một sáng, tôi đang còn trên giường thì có chuông điện thoại. Lão giật giọng - vào ngay nhà anh, anh cần chú ngay. Tôi quáng quàng rửa mặt, đánh răng, phóng đi luôn.
Bên bộ bàn ghế dưới cây khế bờ ao, lão một bên, người mặt béo một bên. Tôi đến, lão chỉ tay ra hiệu ngồi vào. Tôi chưa hiểu chuyện gì, im nghe.
-… Thôi thế này, thêm căn nhà mặt phố Nam coi như tấm lòng quí mến của tôi.
- Không. Tôi đã nói rồi. Tôi không thể sống mà không có ao.
- Vậy ông muốn gì nữa cứ nói thẳng ra, tôi đáp ứng được.
- Tôi muốn ông về ngay, đừng bao giờ nói chuyện mua bán với tôi nữa.
Ra là tay kia muốn mua ao. Tay này là chủ một doanh nghiệp có tiếng ở tỉnh, hắn có hẳn một bộ phim ca ngợi mình. Bao nhiêu khu đất vàng đã vào tay hắn, sao hắn lại vào chốn cùng kịt này, “mò xuống ao” làm gì? Tôi nhìn mặt hắn, không thấy vẻ bực tức, hình như còn tươi lên. Còn lão, hai thái dương đang giật giật, kìm nén.
Tôi rót nước cho hai người, lão ngửa cổ ực một cái, như để chẹn những lời nói mất bình tĩnh có thể thốt ra. Tay kia quay sang tôi, nhẹ giọng… anh trông chú quen quen, chú làm ở cơ quan nào nhỉ? Thằng em tôi đấy, nó làm báo, chuyên viết người xấu việc xấu. Hôm nay có nhân vật hay tôi gọi nó vào
đấy. - Lão thủng thẳng nhát gừng. Ô, anh là Quang Mạnh, tôi đọc anh nhiều rồi, viết hay lắm. - tay kia vẫn mềm mại. Vâng, tôi chuyên đi tìm người xấu việc xấu, kể ra cũng thiệt thòi nhưng có anh đọc thì càng thêm yêu nghề. - Tôi vào hùa với lão. Tay kia mặt thoáng sạm lại, nhưng cũng gỡ ra một câu vuốt đuôi - … thì cuộc sống mà, có cả màu hồng, màu xám nữa chứ.
Rồi câu chuyện trên bàn kết thúc, ba người đi dạo trên bờ ao. Đến gốc dừa, lão chỉ tay xuống.
- Mấy hôm nữa ao này tôi sẽ xuất bán.
- Có trắm đen không? To không? Để cho tôi con to nhất nhé.
- Có hết. Trắm chép đủ cả, to bằng ông cũng có.
- Anh cứ đùa…
- Nông dân như tôi, đùa làm gì…
Lão nói và vỗ tay. Mặt ao như có gió, từng đợt sóng gồ lên, đã rõ những cái đầu cá lừ lừ. Tay kia đứng lên, mắt sáng sung sướng. Thì vút… pặp… ối ối… Không hiểu chuyện gì, chỉ thấy tay kia ôm mặt máu me nhớt nhát.
- Đấy, cá to như thế, ông nhất trí chưa?
- To nhưng mà dữ quá, cứ như là chó nước ý. Ông nuôi nấng kiểu gì thế?
- Thì cứ chăm chỉ, cần cù, yêu thương thôi.
… Dân gian cường điệu, ao lão Sinh nuôi nhiều cá thành tinh. Những người hiếu kỳ tìm đến lão, đến tôi, hỏi han háo hức. Lão chả nói không, chả bảo có, chỉ tẫm tợt - hôm nào khan ao đến mà xem. Tôi thì nói thật… hôm ấy… như thế… chỉ là thấy người lạ cá phóng lên thôi. Họ tròn mắt, rồi sung sướng - Phải vậy chứ, cho bọn mua cướp chạy mất dép đi.
Cuối năm ấy, trong chân núi mọc lên khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng San Lung. Ô-tô, xe máy, trai gái xanh đỏ nườm nượp qua xóm nhà lão. Tiện đường, nhiều người ghé thăm ao, xin mua vé câu cá. Lão kể lại chuyện cá dữ gây tai nạn ông khách. Họ nghe xong thì cảm ơn, xin phép ra về.
Chục năm rồi ao nhà lão vẫn trong xanh.
NGUYỄN ANH DŨNG